Chính trị - Xã hội

Tạo khung pháp lý quản lý, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo

08:28, 27/02/2015 (GMT+7)

Sáng 26-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về phạm vi điều chỉnh, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến các vị đại biểu QH đề nghị chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội dung của luật, đồng thời rà soát để tránh chồng chéo, trùng lắp với các luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; xác định rõ nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên các vùng biển và hải đảo, bảo đảm không trái Luật Biển Việt Nam và phù hợp Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển.

Phù hợp với các điều ước quốc tế

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan thẩm tra, nhận thấy dự thảo luật bám sát mục tiêu ban hành luật: nhằm quản lý hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này hiệu quả. Thực tế ở nước ta, từ năm 2007, việc quản lý biển bằng phương thức tổng hợp đã được triển khai tại dải ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực, mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực. Vì vậy, luật này chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Việc quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trong dự thảo luật không trái với Luật Biển Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân

Chiều 25-2, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Dự kiến dự án sẽ được thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII.

Đa số thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Việc ban hành luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý để người dân trực tiếp tham gia các công việc của Nhà nước, thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Khẳng định đây là dự án luật quan trọng, các thành viên UBTVQH đề nghị cơ quan trình dự án tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, gửi xin ý kiến Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, xây dựng báo cáo đánh giá tác động liên quan đến mức độ mong chờ của người dân, ý nghĩa, tác động khi ban hành luật trong đời sống xã hội; bảo đảm luật có tính khả thi và thống nhất với các luật liên quan trong hệ thống pháp luật.

Các thành viên UBTVQH cho rằng, việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ của người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước. Vì vậy, dự án luật cần quy định tiêu chí, điều kiện để các chủ thể có quyền đề nghị QH trưng cầu ý dân có sơ sở để thực hiện.

Đối với chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đa số thành viên UBTVQH nhận định trưng cầu ý dân là một trong những hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân.

Luật Tổ chức QH vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã xác định rõ: “QH quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH”. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức QH, cần quy định: UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền trình kiến nghị trưng cầu ý dân.

Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến cho rằng, trưng cầu ý dân chỉ nên quy định tổ chức ở quy mô toàn quốc, như vậy sẽ phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của QH.

TTXVN

.