Chính trị - Xã hội
Tết và những con số đáng báo động
Tết là thời gian của đoàn viên, sum họp. Tết là cơ hội cho những người học tâp, mưu sinh xa quê về với gia đình, người thân, để thăm viếng họ hàng, mồ mả ông bà.
Thế nhưng, Tết cũng là thời điểm những người làm công tác thống kê đưa ra những con số đáng báo động. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia thì từ ngày 15-2 đến ngày 23-2, trên cả nước xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 317 người và bị thương 509 người. Tính ra trung bình mỗi ngày TNGT đã cướp mất mạng sống của 35 người vĩnh viễn không trở về với gia đình người thân.
Con số này cao hơn Tết năm 2014 với trung bình là 32 người chết mỗi ngày. Đó là chưa kể hàng ngàn vụ va quẹt giao thông khác mà nhẹ thì trầy xước, nặng thì phải vô bệnh viện cấp cứu. TGNT vẫn là nỗi ám ảnh thường trực và dịp Tết đến thì nỗi ám ảnh này lại càng lớn hơn với mọi người, mọi gia đình.
Chưa hết, các phương tiện truyền thông cũng đã đưa tin trong những ngày Tết Ất Mùi này đã có hơn 6.200 trường hợp phải nhập viện vì... đánh nhau. Có đến hàng trăm lý do để đánh nhau, thậm chí đánh nhau cả trong lễ hội văn hóa. Không ít người xem tivi đã sốc khi nhìn thấy hình ảnh hàng trăm người cầm gậy gộc phang vào nhau một cách không thương tiếc chỉ vì tranh giành hoa tre tại lễ hội đền Gióng ở Hà Nội.
Ngay như ở Đà Nẵng, thành phố vốn được xem là khá an toàn, nhất là trên lĩnh vực giao thông khi ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân là tương đối tốt, thế nhưng báo cáo nhanh của Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 27 tháng Chạp đến ngày mồng 5 Tết: có 312 người bị TNGT nhập viện, trong đó có 78 người bị chấn thương sọ não và 1 người chết. Dĩ nhiên đây là nạn nhân đến từ các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên nữa. Nhưng nói gì đi nữa thì những con số này quả thật là một hồi chuông báo động.
Làm sao chấp nhận được trong thời buổi thanh bình thế này mà mỗi ngày Tết trôi qua là mất vài chục mạng người, và còn nhiều hơn thế số người bị thương. Với những gia đình có người chết, nỗi đau là quá lớn. Thế nhưng với những gia đình và bản thân những người bị nạn thì nỗi đau đã biến thành gánh nặng cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội vì bỗng dưng từ người khỏe mạnh trở thành người tàn tật.
Vì đâu nên nỗi như vậy? Chưa thấy có cuộc điều tra xã hội học về hiện tượng đáng báo động này. Thế nhưng có một điểm chung mà rất dễ nhận cái gật đầu đồng tình của nhiều người đó là: rượu, bia. Rất nhiều vụ TNGT xảy ra vì nguời điều khiển phương tiện giao thông say mèm không làm chủ được tốc độ để rồi xảy ra TNGT.
Nhiều vụ đánh nhau với lý do đơn giản là giành một góc chụp hình, vô tình giẫm lên chân người khác... thậm chí là nhìn thấy ghét là... đánh! Và hầu hết “chủ nhân” của những người gây ra tai nạn này đều có câu nói khá giống nhau tại cơ quan Công an “Lúc đó say quá không kiềm chế được bản thân”.
Đến bao giờ thì những con số này không còn, chí ít là hạn chế ở mức độ thấp nhất? Câu trả lời là rất khó nếu như bản thân mỗi người không tự kiềm chế việc uống rượu, bia vô tội vạ như hiện nay, hoặc tâm lý “Tết mà” cứ uống xả láng!
THANH SƠN