Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Một sáng xuân trên cầu Cửa Đại

08:49, 20/02/2015 (GMT+7)

Cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn dài 1,48km, rộng 38 mét. Chân cầu bên này nằm trên đất Cẩm Thanh với rừng dừa bảy mẫu của thành phố Hội An.

Du xuân trên phố cổ Hội An. Ảnh: NGỌC HÂN
Du xuân trên phố cổ Hội An. Ảnh: NGỌC HÂN

Chân cầu bên kia nằm bên bến đò chợ Nồi Rang xanh xanh rừng thông chắn cát thuộc đất của xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên. Qua cầu, theo con đường mang tên Thanh Niên chạy theo dải cát ven biển giữ rừng phi lao thì đến các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Chu Lai, Dung Quất... Đứng dưới chân cầu Cửa Đại, nhìn mặt nước xanh mênh mông, lặng im nghe sóng biển vỗ ì ầm, tôi đưa mắt nhìn những rặng dừa lấn ra sông, hình dung một thời…

Trời đất phú cho người Quảng Nam một nguồn lâm đặc sản dồi dào và vô tận như quế, tiêu, đồi mồi, sa nhân... từ rừng núi trùng trùng ở đầu nguồn sông Thu Bồn. Do vậy, tàu bè ngoại quốc đánh hơi có của quý tấp nập vào Cửa Đại Chiêm, nay là Cửa Đại, cập bến sông Hoài - Hội An. Cùng với tài nguyên rừng quí hiếm, còn có củi và nước ngọt. Ngày trước, tàu chạy bằng sức nóng của lò hơi nước. Để lò hơi nước luôn sôi sùng sục thì phải có củi đun lên. Từ Cửa Đại lên chợ Củi có bến Trà Nhiêu, một bến sông sâu, luôn đông đúc tàu bè. Từ đây, tàu ngược dòng lên bến chợ Củi mua củi, lấy nước ngọt trước khi tàu lại ra viễn dương.

Sông chợ Củi luôn đón một nguồn hàng vô cùng dồi dào từ thượng nguồn đổ về, trong đó có rất nhiều... củi. Sông chợ Củi một thời là nơi đóng đại thủy quân của Chúa Nguyễn - lực lượng thủy quân từng đánh bại các đại quân của Hà Lan vào giữa thế kỷ XVII. Theo các nhà nghiên cứu, sông chợ Củi đời Tự Đức thứ 3 đổi tên là Sài Thị, được liệt vào hàng sông lớn, được ghi vào điển thổ.

Sông Thu Bồn chảy đến đất Duy Xuyên và Điện Bàn thì tách thêm một nhánh sông mang tên Bà Rén tạo nên Gò Nổi - vùng bãi bồi cho cây xanh, cho nghề trồng dâu nuôi tằm một thời nổi tiếng, làm giàu cho người dân các xã Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung, Điện Nhơn với hàng vạn dân sinh sống, trước khi sông ra gặp biển.

Sông Thu Bồn rộng, nhiều đoạn sâu thẳm, nước xanh, nước từ thượng nguồn đổ về đến khi sắp gặp biển bỗng hoài nhớ nguồn và đợi chờ tạo nên vùng dân cư, thành thị trấn Vĩnh Điện, thành tỉnh Quảng Nam, thành những bến giao lưu Bàn Thạch, Thanh Hà, Trà Nhiêu. Trà Nhiêu là một vùng sông nước mênh mông, vốn gọi là vũng Trà Nhiêu. Ngày xưa là bến dành cho tàu thuyền, ghe bầu. Rất nhiều ghe bầu nối Hội An với Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn. Chính những chuyến giao thương này làm cho Hội An trở thành phố thị một thời phồn thịnh.

Bến Bàn Thạch cũng là bến sông sâu, nhiều tàu bè lui tới giao lưu buôn bán hình thành nên chợ Bàn Thạch. Trà Nhiêu - Bàn Thạch là vùng hợp lưu của sông Thu Bồn và sông Trường Giang - một con sông - con đường thủy cho giao lưu một thời của dân cư ven sông từ Tam Kỳ ra Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An... Gần chợ, gần sông... là bàn đạp giao lưu buôn bán tiếp sức cho cảng thị Hội An nên có nhiều người làm ăn phát đạt. Không có chợ nào vui bằng chợ Bàn Thạch.

Không có lạch nào hẳm bằng lạch Bùng Binh. Lạch Bùng Binh nằm phía bên đất Duy Thành. Ngoài thuyền bè, tàu ngoại quốc, vùng sông nước ngày chưa xa ấy có một loại ghe mà chỉ Quảng Nam mới có, đó là ghe bầu. Loại ghe to, chuyên chở buôn bán đường dài: Ghe bầu trở lái về Đông. Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi.

* Thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã mở cửa giao lưu buôn bán với các nước châu Á và phương Tây. Giặc Pháp đến Hội An - Quảng Nam, rồi giặc Mỹ thay chân giặc Pháp đến Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên… Cán bộ, du kích, bộ đội của Hội An dựa vào dân và đất các xã vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình trú quân, xây dựng lực lượng. Và, trên sông này, các chiến sĩ giải phóng quân trong đêm đen, trên sóng nước bập bềnh lạnh thấu xương đột nhập vào Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Nam, Cẩm Phô… xây dựng cơ sở, lập các đội biệt động bí mật, cùng với du kích, bộ đội không cho quân giặc một ngày yên ổn.

Từ các xã ven sông, trong ấp “tân sinh”, “ấp chiến lược” đầy kẽm gai và thuốc nổ, cùng tay sai kìm kẹp ngày đêm, bức ép đủ trò, vậy mà, có lệnh thì bà con các xã Xuyên An, Xuyên Long, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh tay dây, tay gậy lên hàng trăm chiếc thuyền, tràn qua sông Hoài, lên bờ cùng với nhân dân các phường nội thị Hội An xuống đường cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, rồi hai mươi ba năm sau cùng với bộ đội và nhân dân nội thị làm cuộc nổi dậy long trời lở đất trong mùa Xuân Mậu Thân - 1968.

Sông Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh ở chỗ giáp hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn Tây Quảng Nam rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, ra gặp biển đông ở Cửa Đại. Từ ngàn xưa, con người vốn hội tụ ven những dòng sông lớn. Và cũng ven những dòng sông lớn, diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của con người.

Những anh chị em làm văn học nghệ thuật cùng đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của họ đã hy sinh suốt cuộc chống Mỹ trên chiến trường Quảng Nam, tất cả đều đã nằm lại dọc hai ven bờ sông này, từ ngọn nguồn cho đến nơi sông gặp biển. Họ hiến thân mình góp phần làm nên ngày đại thắng và hòa xương thịt mình vào nguồn phù sa màu mỡ cho cuộc sống Quảng Nam hôm nay.

Ở đầu nguồn, bên suối Đák Ta (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) là nơi nhà thơ trẻ Nguyễn Mỹ  để lại cho đời “Cuộc chia ly màu đỏ” rồi từ biệt đất này ngày 16-5-1971, trong một trận chống địch càn vào căn cứ Khu ủy Khu 5. Ở cuối sông, người con gái Hà Nội, Dương Thị Xuân Quý nằm lại nơi quanh năm lồng lộng gió mặn biển Đông cùng sóng nước Thu Bồn. Giữa họ, xuôi dòng sông Tranh về đến Phước Trà, Hiệp Đức là nơi yên nghỉ của họa sĩ trẻ Hà Xuân Phong.

Đến Vinh Cường, xã Duy Tân, Duy Xuyên, bên bờ con suối chảy ra sông Thu Bồn, Chu Cẩm Phong cùng các chiến sĩ từng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đến La Tháp, Duy Châu thì nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo nằm lại không về, và tiếp theo là nhà báo Nguyễn Trọng Định, nhà văn Nguyễn Hồng, nhạc sĩ Văn Cận, nhà báo Trần Văn Anh… và gần hết một đoàn văn công Quảng Đà hy sinh chỉ mấy ngày trước chiến dịch Xuân Mậu Thân - 1968.

Hội An quê mẹ, nơi Trần Tiến - Chu Cẩm Phong yêu quý, nhớ nhung biết chừng nào. Anh ghi trong Nhật ký: “…Hồi đó đất Cẩm Phô cũng mượt xanh và rất nhiều cau. Ngồi trên thuyền nhìn những hàng cau lướt lướt, mình cứ ngạc nhiên mãi: không biết tại làm sao những cây cau kia không có chân mà đi được. Về Cẩm Phô, lại nghe tiếng khung cửi tay của bà ngoại, và có những đêm ăn cơm tối, ngoài trời tối mịt, cái đĩa đèn kê ở khung cửi, ngọn đèn lay động theo nhịp thổ của khổ go. Những ngày ở đó, hai chị em mình cùng với các chị con cậu Tám, ngồi dưới gốc mít nhặt lá mít chơi đủ trò. Cẩm Phô ơi, cái gốc mít ấy còn không, những hàng cau thanh tú ấy có còn không: quân thù man rợ đã làm hoen ố bức gấm lộng lẫy đó của ta!”.

Từ phía nam đầu cầu Cửa Đại bên bến đò Nồi Rang - Duy Nghĩa ngày nay, 50 năm trước (năm 1965), sau khi rời Hà Nội về lại Quảng Nam, Chu Cẩm Phong bám theo giao liên và du kích về Hội An thăm mẹ. Ở với du kích Cẩm Thanh, Cẩm Hà gần một tháng mà Chu Cẩm Phong không tài nào liên lạc để mẹ qua được sông Thu Bồn thăm con. Anh chỉ biết đứng bên bến đò Cẩm Thanh nhìn sang phố Hội. Và cho đến lúc hy sinh, ngày 1-5-1971, Chu Cẩm Phong chưa một lần gặp lại mẹ!

 Mỗi khi có nhiều dịp về thăm quê, tôi thật vui được đi trên những con đường bê-tông qua trảng cát. Chắc má tôi rất vui khi biết những người nông dân quê Cát không còn quá cực như xưa, khi đã thay quang gánh bằng những chiếc Honda, xe ba gác, đưa phân ra tận ruộng, đưa lúa về tận nhà. Những cây cầu tre gập ghềnh cong cong bắc qua sông Trường Giang được thay bằng những chiếc cầu bê-tông cốt sắt, nối chợ Bà, chợ Hưng Mỹ với Duy Nghĩa, Bình Dương, Bình Đào, Bình Minh, nối những con đường xương cá làm bằng bê-tông trên cát vào tận nhà, ra tận ruộng… Biết bao nhiêu cố gắng và công sức đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, trong đó có những con đường bê-tông trên cát.

Từ ngày nghe tin có một cây cầu sẽ bắc qua sông Thu Bồn nối Đô thị cổ Di sản văn hóa thế giới Hội An vượt qua Cửa Đại đến với vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, người dân quê tôi rất vui. Tôi thật sự mừng khi đứng dưới chân cầu Cửa Đại tận mắt nhìn những chiếc xe chuyên dụng to đùng nặng nề chở vật tư, thiết bị chạy ra chạy vào, thấy anh em công nhân đội nắng đội mưa trên công trường.

Chiều 28-9-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ Thủ đô Hà Nội bay vào Đà Nẵng, theo đường ô-tô vào chứng kiến lễ hợp long cầu Cửa Đại trước khi một mùa xuân mới đến. Thủ tướng vui mừng nói với mọi người: Đây là tuyến đường kết hợp nhiều mục tiêu, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng ven biển, vừa kết nối du lịch Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Khu Kinh tế mở Chu Lai.

HỒ DUY LỆ

.