Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Ngày đêm canh giữ bầu trời

08:53, 21/02/2015 (GMT+7)

Lẩn khuất trong đám sương mờ ảo vây quanh đỉnh Sơn Trà là Trạm 29 (thuộc Trung đoàn 290, Sư đoàn Phòng không không quân 375).

Ghi chép, quan sát, theo dõi mục tiêu là việc làm thường xuyên của các trắc thủ rađa.Ảnh: P.C
Ghi chép, quan sát, theo dõi mục tiêu là việc làm thường xuyên của các trắc thủ rađa.Ảnh: P.C

Bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng muôn vàn khó khăn, gian khổ, những người lính đóng quân ở độ cao 621 mét so với mực nước biển này vẫn đang ngày đêm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ bầu trời miền Trung thân yêu.

Vì vùng trời bình yên

Trạm 29 nằm tách biệt khỏi cung đường du lịch vòng quanh bán đảo Sơn Trà, bốn phía là vực sâu. Trái với sự tĩnh lặng của không gian cùng với ba quả cầu nằm im chịu đựng từng đợt gió rít là không khí hết sức tập trung khi làm nhiệm vụ của các chiến sĩ. Những người chỉ huy và các trắc thủ rađa luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, phải căng mắt trên màn hình huỳnh quang 24/24 giờ đồng hồ để quan sát mục tiêu, không được phép lơ là, mất cảnh giác dù chỉ một giây.

Nhiệm vụ của các chiến sĩ Trạm 29 là quản lý vùng trời bay trong khu vực đường kính rộng hơn 660km, kéo dài từ thành phố Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) đến thành phố Vinh (Nghệ An). Không một chuyến bay hay vật thể lạ nào khi bay vào không phận quản lý của trạm mà lọt ra khỏi màn hình theo dõi. Trung úy Đường Văn Thắng, Phó trạm trưởng 29, tâm sự: “Với người lính ở những binh chủng khác thì việc chiến đấu còn có thời hạn, riêng đơn vị tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Để Tổ quốc không bị tập kích bất ngờ từ trên không, các cán bộ, chiến sĩ phải dán mắt vào màn hình huỳnh quang suốt 24/24, vì với điều kiện vũ khí hiện đại, tốc độ tối đa như hiện nay, chỉ cần thiếu cảnh giác trong giây lát là không phận sẽ bị xâm phạm”.

Ngoài nhiệm vụ canh gác vùng trời Tổ quốc, Trạm 29 còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là dẫn đường cho các máy bay chiến đấu. Việc phối hợp giữa người dẫn đường và các phi công lái máy bay chiến đấu là hết sức quan trọng, luôn được thực hiện một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Bên ngoài ba quả cầu lớn là những trạm gác quan sát bằng mắt. Tại trạm gác phía nam, mắt Trung sĩ Võ Túc gắn chặt vào ống kính TZK đang quay về phía thành phố, tay điều chỉnh các thông số và liên tục chuyển hướng ống kính đảo khắp nơi. Ở vị trí này, các chiến sĩ Trạm rađa 29 có thể thay phiên nhau để quan sát toàn thành phố và khu vực, kiểm soát tất cả các vật thể bay để  bảo đảm mục tiêu bay trên không được an toàn.

Mọi chuyến bay trên bầu trời miền Trung đều được quản lý, theo dõi. Ảnh: P.C
Mọi chuyến bay trên bầu trời miền Trung đều được quản lý, theo dõi. Ảnh: P.C

Vững tin trên đỉnh mây ngàn

Bán đảo Sơn Trà nhô mình ra phía biển nên hứng từng đợt gió lớn quanh năm. Gió luồn vào mọi ngóc ngách như muốn hất tung, cuốn phăng mọi thứ. Nếu như mùa hè ở đây các chiến sĩ phải đi bộ 5km xuống suối mỗi ngày để tắm và lấy nước sinh hoạt thì mùa đông ở đỉnh núi cao 621 mét so với mực nước biển này càng trở nên khắc nghiệt hơn. Độ ẩm quá cao kết hợp với sương muối dày đặc khiến việc giặt giũ gặp khó khăn; chăn chiếu, đồ đạc cũng ẩm mốc liên miên phơi có khi cả tuần chưa khô nổi. Mặc dù là đơn vị đóng quân trên địa bàn thành phố nhưng các chiến sĩ Trạm rađa 29 quanh năm chỉ nhìn phố phồn hoa, rực rỡ ánh đèn qua ống kính tại vọng quan sát.

“Ngày chủ nhật mỗi chiến sĩ được nghỉ ngơi hai giờ, nhưng đường về phố xa xôi, phương tiện không có, đi xe thồ mất 200-300 ngàn đồng, dưới đó cũng ít người thân quen nên các chiến sĩ cũng rất ít xuống phố”, Trung úy Đường Văn Thắng nói. Quanh năm làm bạn với mây ngàn, gió thổi nên mỗi khi có đoàn khách đến thăm, những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt đối với các chiến sĩ Trạm rađa 29 là món quà lớn đầy ý nghĩa. Đó không chỉ là sự quan tâm, chia sẻ, động viên mà còn là sự tin yêu, gửi gắm trọng trách mà các anh đang ngày đêm gánh vác.

Trung úy Cao Văn Tý, Chính trị viên Trạm rađa 29, cho biết, do đặc thù vị trí và nhiệm vụ nên các cán bộ, chiến sĩ cũng dần quen và tự tạo niềm vui cho chính mình. Các hoạt động thể dục-thể thao, xem phim, đọc sách báo… nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ luôn được quan tâm sâu sắc. “Nằm biệt lập nên các chiến sĩ cũng không bị lôi kéo bởi các thú vui bên ngoài. Điều này vừa bảo đảm tính kỷ luật của đơn vị lại tiết kiệm tiền bạc của các anh em. Số tiền lương, phụ cấp để dành hằng tháng vì vậy cũng nhiều hơn, có thể gửi về giúp đỡ gia đình ở quê”, Trung úy Tý chia sẻ. Không gian sinh hoạt khép kín nên tình cảm anh em trong đơn vị cũng trở nên gắn bó thân thiết hơn.

Khoảng cách chỉ huy, chiến sĩ cũng được rút lại, thay vào đó là những chia sẻ chân tình, cùng nhau vượt qua những khó khăn vật chất, thời tiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Chỉ còn 2 tháng nữa là em phải xa nơi này. Đáng lẽ sẽ thật vui sướng khi được đoàn tụ đón Tết cùng gia đình nhưng không hiểu sao em vẫn cảm thấy tiếc nuối. Cảm giác càng hụt hẫng hơn khi biết mình sẽ không còn cơ hội quay trở lại lần thứ hai”, Hạ sĩ Lê Đình Đạt, chiến sĩ nghĩa vụ tâm tình.

Có đến 70% quân số tại Trạm rađa 29 là những người con xa quê đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi đàn én chao nghiêng, lượn mấy vòng quanh quả cầu rồi mất hút trong mây mờ hay những đóa hoa mai dưới phố sặc sỡ khoe sắc, lòng của các chiến sĩ nơi đây lại dâng lên một nỗi niềm bồi hồi, khó tả. “Chúng tôi đã quá quen thuộc với cảnh đón Tết xa nhà rồi. Thực hiện nhiệm vụ được giao là canh giữ bầu trời bình yên của Tổ quốc, ngày nào nhiệm vụ hoàn thành, đối với chúng tôi đó đều là mùa xuân”, Trung úy Thắng tươi cười nói.

PHAN CHUNG

.