Chính trị - Xã hội

Từ bước đi táo bạo đầu tiên

07:22, 17/02/2015 (GMT+7)

15 năm trước, khi Đà Nẵng quyết tâm xây cầu Sông Hàn, cây cầu đầu tiên được xây dựng qua sông Hàn kể từ năm 1975, giông bão đã bắt đầu nổi lên với ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó mới bước vào vị trí Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đầu tiên sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1998 khởi công nhưng đã lắm lời xầm xì bao phủ trước đó. Ngày ấy, rất nhiều các ý kiến cho rằng không cần thiết phải xây cầu sông Hàn vì đã có cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý nằm cách đó khoảng 1km. Hơn nữa, lượng người hằng ngày qua sông chưa nhiều, đi phà như mấy chục năm qua là được rồi, việc xây thêm một cây cầu vào thời điểm thành phố còn khó khăn, mới chia tách tỉnh là một điều không thực tế.

Mà không chỉ là xây một cây cầu. Cả một vùng quận 3 gồm hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà bên kia bờ đông sông Hàn còn nhếch nhác những xóm làng chài và nhà chồ ven sông, bao nhiêu hộ dân ở ven sông Hàn phải giải tỏa lấy tiền đâu đền bù. Rồi còn phải đóng cọc bê-tông bao cả hai bờ sông Hàn. Một núi công việc phải làm cùng với chừng đó câu hỏi lấy tiền ở đâu ra.

Nhưng ông Nguyễn Bá Thanh vẫn quyết tâm, ông nói “Nhà nước còn nghèo thì dân sẽ góp tay, vì sự phát triển của thành phố”. Thời đó có phong trào đóng góp xây cầu sông Hàn diễn ra rất sôi nổi ở Đà Nẵng. Các doanh nghiệp hưởng ứng lời vận động của thành phố góp tiền. Tại các cơ quan Nhà nước, mỗi cán bộ, nhân viên đều đóng góp ít nhất một ngày lương. Việc đóng góp còn lan rộng đến từng phường, từng tổ dân phố, mỗi nhà dân... Người ít, người nhiều, cùng góp của xây cầu.

Đúng ngày 29-3-2000, Đà Nẵng chính thức khánh thành công trình lớn nhất của thành phố sau 25 năm hòa bình. Bà con nô nức đổ về đi bộ qua cầu sông Hàn làm chật cứng cả cây cầu suốt ngày 29-3. Đây là cây cầu đầu tiên do kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công sau năm 1975 tại Đà Nẵng, là cây cầu có nét độc đáo với nhịp ở giữa quay mỗi khuya để tàu qua lại, trở thành điểm thu hút khách du lịch lúc 1 giờ sáng hằng ngày. Một tấm bảng bằng đá được dựng lên ở đầu cầu, ghi tên các công ty, tổ chức và cá nhân có đóng góp nhiều nhất để xây cây cầu hơn 100 tỷ đồng này.

Một cây cầu mở ra nhưng hàng ngàn phận đời thay đổi. Cầu Sông Hàn bắc qua quận 3 xưa khiến cuộc sống của bà con làng chài ven biển nhanh chóng đổi khác, những nhà chồ ngập ngụa trong rác nước hôi thối tồn tại mấy chục năm được giải tỏa, hai con đường ven sông bắt đầu hình thành... Bộ mặt thành phố bắt đầu sáng lên từ đôi bờ sông Hàn...

Nguyễn Bá Thanh là một người hành động. Sau này, từ vị trí Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Thanh chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hai nhiệm kỳ. Từ bước đạp của cầu Sông Hàn, ông Thanh yêu cầu xây thêm nhiều cây cầu khác, cũng có nét độc đáo như cầu quay đầu tiên. Nhiều công trình hạ tầng khác cũng được triển khai trong thời gian ngắn với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều chính sách an sinh xã hội được ban hành... Công trình nào, chính sách nào cũng gây tranh cãi, phải mất một thời gian dài sau đó mới thấy được hiệu quả thực tế và dần dần cái tên Nguyễn Bá Thanh mới có thể đi vào lòng dân.

Bây giờ, dẫu đã có nhiều cây cầu đẹp khác mọc lên sánh vai giữa nước sông Hàn, song với người Đà Nẵng, cầu Sông Hàn chính là công trình khởi đầu làm động lực cho những bước đi táo bạo làm đổi thay toàn bộ Đà Nẵng, chỉ trong 15 năm.

NGUYỄN TRƯỜNG UY

.