Chính trị - Xã hội

40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015)

Mở đường tiến về Đà Nẵng

08:21, 23/03/2015 (GMT+7)

Tháng 8-1974, ta giải phóng quận lỵ Thượng Đức, huyện Đại Lộc, uy hiếp căn cứ liên hiệp Đà Nẵng, đầu não Bộ Chỉ huy Vùng 1 chiến thuật quân ngụy Sài Gòn.

Ngay lập tức, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hô hào tái chiếm Thượng Đức, tung sư đoàn dù, lực lượng dự bị chiến lược của chúng đánh lên cao điểm 1062 để tiến vào Thượng Đức. Chúng dùng phi pháo oanh tạc, lực lượng lấn mũi chiếm đóng cao điểm 1062.

Lúc này bộ đội ta gặp không ít khó khăn, vừa phải đối phó với bom pháo địch, vừa phải lo mùa mưa hầm sụt, giao thông hào ngập nước, vận chuyển lương thực, đạn dược phía sau lên chốt gặp nhiều khó khăn, thương vong nhiều, lực lượng phòng ngự mỏng dần. Thời điểm này, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan trở lại Sư đoàn 304 bàn với Sư trưởng Lê Công Phê cách thức bảo vệ Thượng Đức. Ông Hoàng Đan nêu rõ: Muốn giữ được Thượng Đức ta không thể cho địch chiếm cao điểm 1062; cần phải xây dựng hệ thống phòng ngự vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp chủ động tiến công chúng.

Tại vùng núi Ba Khe thuộc huyện Đại Lộc, sư đoàn tổ chức cấp tốc lớp tập huấn ngắn ngày cho cán bộ đại đội, tiểu đoàn, tôi với anh Trần Công Liêm, Đại đội trưởng được dự lớp bồi dưỡng về cấu trúc trận địa phòng ngự; một hình mẫu trận địa phòng ngự được dựng ngay tại lớp học, cán bộ được tự do tư tưởng nêu chính kiến, tranh luận cho đến khi tất cả đều nhất trí tán thành, cách bố trí, cấu trúc từng loại hầm chốt. Thiếu tướng Hoàng Đan kết luận: Với hệ thống hầm chốt được xây dựng nhiều tuyến, có chiều sâu, trong từng chốt có loại công sự một tầng, hai tầng chìm, đất đắp dày 1,5m đến 2m, tận dụng các bao cát lấy từ các cứ điểm địch lên làm nắp sẽ hạn chế được phi pháo của địch, bảo toàn lực lượng ta.

Trở về đơn vị, anh em ngày đêm củng cố công sự, các đơn vị, cơ quan trong sư đoàn ban ngày chặt gỗ, đêm vác lên chốt đào công sự, sáng trở về phía sau. Các đơn vị bộ binh trực tiếp bám trận địa, củng cố chốt, hệ thống giao thông hào liên hoàn nối thông từng hầm chốt. Hầm chốt 2 tầng, tầng trên là hầm chữ A rộng trong hầm chữ A có hầm tôn vòm được kê gỗ, đường kính 15-20cm chèn bao cát, nếu có phi pháo, bộ đội xuống ẩn nấp, ngớt pháo thì lên sẵn sàng đánh địch. Đi trực tiếp kiểm tra một số chốt, Thiếu tướng Hoàng Đan hài lòng về công tác chuẩn bị của bộ đội ta.

Tại Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, trao đổi với tôi (lúc đó là Chính trị viên Đại đội 10), đồng chí Hoàng Đan nói: Kẻ địch nhiều bom pháo, ta có mưu kế để hạn chế thương vong do bom đạn của chúng gây ra. Tinh thần lạc quan của đồng chí củng cố thêm ý chí quyết tâm của bộ đội ta trên chốt. Sau khi đi thị sát địa hình, Thiếu tướng Hoàng Đan bàn thảo với Sư trưởng Lê Công Phê cùng lãnh đạo chỉ huy sư đoàn tìm cách đưa hỏa lực lên cao điểm 986 chi viện trực tiếp cho bộ đội ta đánh cao điểm 1062. Sư đoàn điều Tiểu đoàn 17 Công binh cùng với Lữ đoàn Công binh 219 mở con đường hơn 8.000m, một lực lượng lên đào hầm có mái che cho pháo 76 ly.

Toàn bộ lực lượng công binh cùng với Trung đoàn 68 dùng sức người kéo pháo lên cao điểm 986. Với tinh thần “Tất cả cho chiến thắng”, suốt mấy ngày đêm dầm mình âm thầm nhích hai bánh pháo lên từng mét, càng lên cao càng dốc nhưng các chiến sĩ công binh vẫn gò lưng kéo đẩy từng mét một cho đến khi khẩu pháo tới trận địa nằm trong hầm có nắp hướng nòng trực tiếp sang cao điểm 1062.

Giờ nổ súng đã điểm, Sư đoàn trưởng Lê Công Phê lệnh cho Trung đoàn 66 tiến công; Tiểu đoàn 8 - mũi chủ yếu, được pháo 76 ly chi viện trực tiếp, hỏa lực mạnh ở cự ly gần các ụ súng. Công sự của địch bị pháo ta phá tan tành. Tiểu đoàn 8 tiến lên chiếm được cao điểm 1062. Bị mất cao điểm 1062, địch dùng phi pháo đánh ác liệt vào trận địa. Trung úy Nguyễn Văn Tý, Trung đội trưởng bị thương ở tay vẫn bình tĩnh ở lại chỉ huy bộ đội, chiến sĩ Nguyễn Văn Thơ bình tĩnh dùng lựu đạn ném trúng các ụ địch co cụm.

Bị tấn công dồn dập, địch không chống cự nổi phải rút chạy. Địch đưa Lữ đoàn dù số 2 vào tham chiến. Khi chúng vừa đặt chân đến thì pháo 76 của ta đặt ở hầm có nắp bắn mãnh liệt vào đội hình ở cự ly gần làm cho địch bị tổn thất lớn. Cùng với đó, cối 120 ly của ta bắn liên tục vào đội hình của địch gây cho chúng tổn thất về người và vũ khí, trang bị. Tối hôm đó, trinh sát ta luồn sâu đánh vào trận địa pháo Nông Lâm 3 đốt cháy 2 kho đạn của chúng. Bộ binh ta luồn sâu tập kích sau lưng địch bằng mìn định hướng.

Trung tuần tháng 11-1974, địch đưa Sư đoàn Thủy quân lục chiến vào thay thế Sư đoàn dù. Khi địch mò sang chân cao điểm 1062 thì bị cối 82, cối 120, pháo 76 ly của ta ở cự ly gần bắn mãnh liệt, bị sát thương lớn về sung lực, mình đầy thương tích; cuối cùng Sư đoàn Thủy quân lục chiến buộc phải rút khỏi cao điểm 1062. Kế hoạch tái chiếm Thượng Đức của Nguyễn Văn Thiệu bị thất bại.

Đầu tháng 3-1975, các đơn vị Quân khu 5 giải phóng quận Ái Nghĩa, Hòa Khánh, đường từ cao điểm 1062 về xuôi đã thông. Ngày 29-3-1975, Sư đoàn 304 cùng các đơn vị Quân khu 5 tiến về chiếm Sân bay Đà Nẵng, cầu Trịnh Minh Thế, quận 3, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.

Ngày 29-3-1975, khắp các ngả đường, ngõ phố, dòng người cờ hoa rợp trời xen lẫn tiếng hò reo không ngớt mừng Đà Nẵng được giải phóng.

HOÀNG KIM THẤT

.