Chính trị - Xã hội

Café sáng

Im lặng đồng nghĩa với cái ác?

07:42, 23/03/2015 (GMT+7)

Vừa qua, dư luận xôn xao về một clip được phát tán trên mạng với những hình ảnh ghê rợn ghi lại cảnh một nữ sinh bị bạn bè đánh “hội đồng”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nạn nhân là em Nguyễn Thị H.P, học lớp 7/5 Trường THCS Lý Thường Kiệt (tỉnh Trà Vinh). Vụ việc bắt đầu từ một mâu thuẫn nhỏ khi Dương Thúy V. - bạn cùng lớp với P., đồng thời là lớp trưởng lớp 7/5 sai P. đi mua đồ ăn nhưng bị P. từ chối. Cho rằng bạn “chảnh” nên V. cùng các bạn khác xông vào đánh cô bé. Từ giật tóc, đấm đá, cho đến ném cả chồng ghế vào người, rõ ràng đây là những hành động của giới giang hồ chứ không phải của học sinh chỉ mới học lớp 7. Càng đáng trách hơn nữa khi thời điểm xảy ra vụ việc là giờ ra chơi, có rất nhiều học sinh ở bên ngoài chứng kiến nhưng không ai dám can thiệp.

Napoléon từng nói: “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Cái ác tồn tại trong cuộc sống của chúng ta không nhiều, nhưng nếu cứ cố tình ngoảnh mặt làm ngơ thì sẽ có một ngày cái ác sẽ ngự trị thế giới.

Cảm xúc của mọi người khi xem clip này là sự phẫn nộ. Phẫn nộ vì hành động man rợ kia thì ít, mà phẫn nộ vì sự im lặng đến đáng sợ của những người ngoài cuộc thì nhiều. Khi em P. bị đánh là thời điểm giờ ra chơi, bên ngoài có rất nhiều học sinh hiếu kỳ đứng xem. Trong lớp cũng có không ít học sinh, có điều các em đều thản nhiên như không phải chuyện của mình.

Phải chăng điều này minh chứng cho thói vô cảm mà người ta thường nhắc tới? Không, tất cả những con người xuất hiện trong clip đó đều có cảm xúc. Sự sợ hãi tột độ của nạn nhân, sự tàn nhẫn của người hành hung và cả cảm giác sợ vạ lây hay sợ rắc rối của những người ngoài cuộc. Có thế thì phải hơn 2 tháng sau, hiệu trưởng và các thầy cô giáo ở Trường Lương Thế Vinh mới phát giác ra hành động tày trời này. Mà nếu clip trên không được phát tán trên mạng vào ngày 8-3 thì chắc phải thật lâu sau nữa, thầy cô trong trường mới biết chuyện.

Thực tế, những câu chuyện đau lòng như thế này không phải bây giờ mới xuất hiện. Đâu đó trên YouTube vẫn có cảnh những nữ sinh đánh nhau, thậm chí xé cả áo của đối phương. Song, ở tuổi 12 đã nổi tiếng khắp nước vì hành hung bạn cùng lớp thì quả là “chiến tích vô tiền khoáng hậu”!

Liệu ở các nước tiên tiến, tình trạng bạo lực học đường không hề xảy ra? Không hẳn như vậy. Minh chứng là ở Ý, 35% học sinh nước này từng chịu ít nhất một lần bạo hành (về thể xác hoặc tinh thần). Ở Mỹ cũng tương tự, có điều ở mỗi nước, các em đều được dạy khi bị bạo hành phải lập tức gọi ngay 911 (cảnh sát). Rõ ràng, ở phương tây, các em luôn được trang bị những kiến thức cơ bản nhất để bảo vệ mình.

Hơn nữa, ngay từ những năm đầu của bậc tiểu học, các giáo viên chủ nhiệm cũng đã làm “công tác tư tưởng” với mỗi thành viên trong lớp. Nếu có xích mích nhỏ nào thì phải báo với cô giáo và cô sẽ theo dõi sát sao những dấu hiệu bất thường trong mối quan hệ giữa các em. Nếu tổ chức một lớp học chỉ có khoảng 20 người và trường ít học sinh đến nỗi hiệu trưởng nhớ rõ mặt từng học sinh thì có lẽ vấn nạn bạo lực học đường đã được giảm đi đáng kể.

Trở lại câu chuyện buồn ở Trà Vinh, nạn nhân vốn không biết tự bảo vệ bản thân đã đành, ngay đến những người bạn cùng lớp và cùng trường cũng không ai ra tay giúp đỡ. Đây có thể khẳng định là một hành động không khác gì tội ác. Bởi không ai lên tiếng, những cô bé, cậu bé kia sẽ hiểu rằng không ai dám can thiệp vào hành động sai trái của mình. Trên mạng có những câu bình luận đại khái như: “Tại sao em P. không đánh trả lại?”; “Sao em ấy không phản kháng mà chỉ biết khóc?”… Thật ra, khi những đứa trẻ phải đáp trả bạo lực bằng bạo lực thành công một lần, chúng sẽ nghiễm nhiên áp dụng bài học ấy vào cuộc sống: bạo lực là cách duy nhất để trị bạo lực.

Cuối cùng, người ta chỉ im lặng khi thấy phản ứng của mình không hề có hiệu quả, hành động của mình không được ai hưởng ứng hay đơn giản hành động ấy chỉ rước họa vào thân. Đừng trách trẻ con khi chúng cùng im lặng trước cái xấu, cái ác. Các em không được dạy phải tin vào cuộc sống vì ngay những người lớn như chúng ta cũng đang mất phương hướng trong vòng xoáy cuộc sống. Và lúc trẻ con không tin vào cuộc sống thì cũng là lúc bạo lực sẽ được đáp lại bằng bạo lực…

ĐỖ QUỐC PHI

.