Chính trị - Xã hội

40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015)

Món quà ý nghĩa của ngày vui

06:07, 27/03/2015 (GMT+7)

Tròn 40 năm trước, ngày 29-3-1975, hàng vạn người dân ở cửa ngõ phía Bắc thành phố đã đổ ra đường hân hoan vẫy cờ hoa chào đón đoàn quân cách mạng từ các cánh Tây-Bắc và Tây-Nam tiến vào giải phóng thành phố. Và hôm nay, cũng vào ngày đáng nhớ ấy của lịch sử, nơi đây cũng rợp cờ hoa, chào đón một sự kiện rất có ý nghĩa là khánh thành đưa cầu vượt 3 tầng đầu tiên của Việt Nam vào hoạt động.

Cầu vượt ngã ba Huế nhìn từ đại lộ Điện Biên Phủ. Ảnh: Triệu Tùng
Cầu vượt ngã ba Huế nhìn từ đại lộ Điện Biên Phủ. Ảnh: Triệu Tùng

Công trình của những tấm lòng

Xúc động trong buổi chiều “đăng quang” trước đây gần 3 năm, khi vượt qua 17 mẫu thiết kế của 7 đơn vị trong và ngoài nước, đại diện Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (GTVT) tâm sự: Làm một chiếc cầu cho đường bộ vượt qua đường sắt đã khó, thế nhưng làm sao cho chiếc cầu 3 tầng không trở thành khối bê-tông khổng lồ án ngữ ngay cửa ngõ thành phố là càng khó bội phần.

Vì vậy, những nhà thiết kế đã bỏ rất nhiều ngày đêm ăn dầm nằm dề tại nút giao thông này, tranh thủ lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành, đặc biệt là dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm tình với  những người dân sống tại khu vực này, để rồi cuối cùng mô hình cầu vượt lập thể hình xuyến đã ra đời. Với mô hình này, chiếc cầu 3 tầng trở nên mềm mại, uyển chuyển như một lời chào thân thiện của thành phố với bạn bè khắp nơi đến với Đà Nẵng. Chỉ một tiêu chí này thôi, chúng tôi đã mất gần cả năm trời để tìm ra giải pháp lưu thông cho tầng 2 bằng vòng đường tròn mềm mại có 4 nhánh rẽ về 4 hướng.

“Cảm” được tình cảm gửi gắm vào công trình này của đơn vị thiết kế, nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH Ngã ba Huế đã thực hiện cả một chiến dịch xây dựng chưa từng có ở Việt Nam, cho dù khối lượng công việc tăng thêm khoảng 30% so với ngày khởi công. Suốt 18 tháng miệt mài thi công, nơi đây thực sự biến thành “công trường không ngủ”, “công trường ánh sáng” với cường độ làm việc càng đến đích càng dồn dập, khẩn trương hơn.

Để hoàn thành xây dựng 2,5km đường cầu, bao gồm 50 nhịp cầu, một trụ tháp cao 57 mét, đã có tất cả gần 500 cọc bê-tông có đường kính từ 1-2 mét đóng sâu xuống lòng đất..., nhà thầu thi công đã huy động tổng cộng gần nửa triệu ngày công, tương đương với trên 11,5 triệu giờ lao động của đội ngũ kỹ sư, giám sát, công nhân kỹ thuật...

Trong suốt 540 ngày đó, “băng” qua những đêm dài thức trắng, “xuyên” qua thời khắc giao thừa đón chào năm mới, đội nắng dầm mưa, những người cán bộ kỹ thuật, công nhân đến từ mọi miền đất nước đã cần mẫn làm việc với trách nhiệm cao nhất và cả tấm lòng với thành phố Đà Nẵng mến khách.

Đặc biệt, tại công trình cầu vượt 3 tầng đầu tiên này của Việt Nam còn in đậm tấm lòng của người dân trong vùng giải tỏa để nhường đất cho công trình. Để có gần 9ha đất “trắng” cho công trình, đã có gần 450 hộ dân phải di dời nhả cửa, mồ mả đi nơi khác.

Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, trước đây mỗi lần đến kiểm tra công trình đều nhấn mạnh: “Công tác giải phóng mặt bằng cho công trình này là rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ phần lớn hộ dân trong diện giải tỏa trắng, hoặc một phần là những hộ dân trước đó đã có từ 1-3 lần giải tỏa nhà cửa, giao đất cho thành phố mở rộng, nâng cấp  đường Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng.

Đây là một minh chứng nói lên tấm lòng của người dân đối với công trình quan trọng này cũng như sự phát triển chung của thành phố”. Còn ông Nguyễn Tâm Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, trong những lần tiếp đón lãnh đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đến thăm công trình đều cho rằng, chính người dân trong diện giải tỏa đền bù luôn ủng hộ hết sức mình cho dự án là động lực để chúng tôi quyết tâm hoàn thành công trình đúng kế hoạch với chất lượng, mỹ thuật cao nhất.

Thật khó kể hết những tấm lòng của người dân nơi đây, khi thời gian đầu giao thông đi qua nút gặp nhiều khó khăn, thế là không ai bảo ai, họ tự động viết những bản hướng dẫn cho người đi đường. Ở những ngã ba, ngã tư, góc cua ngặt ban đêm họ còn lắp bóng điện chiếu sáng cho mọi người đi qua. Thậm chí, nhiều người dân vào giờ cao điểm đã tự động phân nhau ra hướng dẫn, điều tiết lượng xe cộ đi về các con hẻm nhỏ để tránh ùn tắc. Họ hành động với ý nghĩ giản dị: “Chiến tranh ác liệt rứa mà mình còn theo cách mạng ủng hộ, thì bây chừ xây dựng quê hương sao làm ngơ được!”.

Công trình cầu vượt 3 tầng ngã ba Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Thành
Công trình cầu vượt 3 tầng ngã ba Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Thành

Lời giải cho bài toán giao thông

“Điểm đen tai nạn giao thông” - không biết từ bao giờ, nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Bắc thành phố bị “gán” cho cái tên không vui như vậy. Chính quyền thành phố, cơ quan chức năng rất nhiều lần tìm giải pháp xử lý, nhưng tất cả chỉ là tạm thời, vì với một nút giao thông quan trọng, đồng mức vừa đường bộ vừa đường sắt, mỗi ngày phải “gánh” từ 25 - 30 lượt tàu hỏa đi qua, khoảng 5.000 - 10.000 lượt ô-tô và khoảng 80.000 lượt mô-tô, xe gắn máy, xe thô sơ, xe đạp... đã khiến nơi đây nhiều thời điểm như là “đông cứng”. Còn tai nạn giao thông thì năm nào cũng xấp xỉ mức trên dưới hai con số.

Nhưng giờ đây, kể từ cột mốc kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố, “điểm đen” này sẽ trở thành quá khứ. Với thiết kế cầu vượt 3 tầng, có thể nói giải quyết triệt để mọi khó khăn trước đây. Tàu hỏa có làn đường riêng, không cần barie chặn dòng lưu thông của đường bộ. Và cả chục ngàn lượt ô-tô và vài chục ngàn xe máy, mô-tô, xe thô sơ có đường riêng để đi. Giao thông sẽ thông suốt cũng đồng nghĩa nguy cơ tai nạn giao thông sẽ giảm đáng kể. Một món quà xứng đáng cho người dân nơi đây, sau những hy sinh và đóng góp cho quê hương.

Xa hơn nữa, khi chiếc cầu vượt này đi vào hoạt động thì cơ hội cho trục Tây Bắc của thành phố phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm thành phố với khu vực cửa ngõ phía Bắc. Gần hơn, vùng đất “vàng” dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành sẽ được “đánh thức”, các dự án về du lịch sẽ thêm động lực để phát triển. Tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn thành phố cũng sẽ được trả lại vị trí quan trọng là mạch máu lưu thông xuyên suốt qua địa bàn thành phố, kích thích cho hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn phát triển đúng như tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đặc biệt, với kiến trúc rất độc đáo, với hiệu quả chiếu sáng nghệ thuật được nghiên cứu kỹ để tôn vinh vẻ đẹp của công trình, cầu vượt ngã ba Huế tự ghi tên mình vào những công trình giao thông độc đáo, hấp dẫn và sẽ trở thành những điểm dừng chân yêu thích của du khách thập phương, giống các công trình giao thông khác như cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý...

Công trình Nút giao thông ngã ba Huế-một món quà thật nhiều ý nghĩa cho ngươì dân thành phố nói chung và người dân ở xung quanh cầu vượt này nói riêng trong ngày vui kỷ niệm 40 năm thành phố được giải phóng.

THANH VÂN

.