Chính trị - Xã hội

40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015)

Thành lập chi bộ trong tù

09:32, 26/03/2015 (GMT+7)

Lâu nay, nhắc đến nhà tù của địch, tôi thường nghĩ đến đòn roi, các thủ đoạn tra tấn của bọn cai ngục và sự đấu tranh kiên trung của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày.

Khi làm việc với bà Nguyễn Thị Hạnh - Hội Tù yêu nước Đà Nẵng, tôi còn được biết thêm việc thành lập chi bộ trong nhà tù của địch để “giữ lửa cách mạng” và tăng cường tình đoàn kết trong chị em tù binh.

Theo dòng hồi ức của người tù binh năm xưa, ngày 14-4-1970, chiếc máy bay vận tải quân sự C.130 đã đưa 14 tù nhân nữ rời trại tạm giam Non Nước đến một “địa ngục trần gian mới” - trại giam Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định). Bấy giờ, trại giam Phú Tài được chia thành hai khu riêng biệt là trại 1 và trại 2. Biết có tù binh mới, một số chị em trại 2 ra đứng sát hàng rào thép gai gọi với: “Đấu tranh qua trại 2 nhé! Trại 1 là chiêu hồi, đừng vô”. Song, để được sang trại 2 như lời các chị đi trước dặn dò, số tù binh mới đã phải trải qua những tháng ngày đấu tranh đẫm máu với địch.

Bà Hạnh nhớ lại: “Đến ngày thứ 3, địch điều bọn quân cảnh đến vây chặt chúng tôi, mang thép gai khoanh 75 chị em tham gia đấu tranh vào một góc sân trại 1. Ngày cuối, chúng dùng xe bồn phun nước làm chúng tôi ướt đẫm rồi dùng lựu đạn cay ném vào khiến nhiều chị em ngất xỉu, nôn ra máu”. Sau lần đó, bọn giám thị quyết định nhốt riêng 75 chị em mà chúng gọi là “cứng đầu” ở trại 4, cách trại 1 hơn 1 km.

Dù chưa đạt được mục đích chính nhưng việc thoát khỏi trại 1, 75 chị em được sống cùng một phòng, một trại coi như thành quả bước đầu của những nữ tù binh kiên cường. Mục tiêu chính là đấu tranh qua trại 2.

Do đó, đến tháng 9-1971, tù binh trại 4 tiếp tục bước vào một trận quyết đấu mới. Sau 5 giờ chịu đựng mưa gió, đòn roi của lính quân cảnh, vài chục người đã bị thương. Mặc cho mưa to, gió lớn; sân trại, đường sá bị ngập nước; bọn giám thị, quân cảnh vẫn để các chị nằm la liệt ngoài sân như bãi chiến trường. Đến 15 giờ, lính trong trại mới được điều đến để áp giải chị em qua trại 2.

Ở đây, các tổ chức Đảng, Đoàn được duy trì sinh hoạt đều đặn. Số chị em cũ cộng với 75 tù binh mới nên số tù binh ở đây lên khoảng 800 người. Do đó, việc thành lập thêm một chi bộ để tăng sức chiến đấu là một đòi hỏi cấp thiết với Đảng ủy trại giam. Trong số chị em mới chuyển sang trại 2, có 9 đồng chí là đảng viên, đủ điều kiện thành lập một chi bộ mới. Lúc bấy giờ, Bí thư Đảng ủy trại giam là đồng chí Lê Thị Sơn (còn gọi là Sáu Sơn), quê ở xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Trước khi bị bắt, đồng chí Sơn là Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bí thư Lê Thị Sơn trực tiếp bồi dưỡng số đảng viên mới trước khi thành lập chi bộ. “Buổi tối, 9 chị em ngồi quây quần xung quanh chị Sáu Sơn để nghe chị truyền đạt. Buổi đầu tiên chị nói về lịch sử hình thành của loài người. Các ngày sau đó, nội dung học tập là triết học Mác Lê-nin, lịch sử Đảng, v.v... Chúng tôi ngồi nghe như đang trò chuyện tâm tình, vậy mà ai cũng nhớ hết nội dung chị Sơn lên lớp”, bà Nguyễn Thị Hạnh nhớ lại.

Hôm tổ chức thành lập Chi bộ 6, trực thuộc Đảng bộ trại giam, Đảng ủy đã chỉ định đồng chí Lý, quê ở xã Điện An (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đảng viên vào trại trước, làm Bí thư Chi bộ. Còn phó bí thư và chi ủy viên do chi bộ bầu, cụ thể: Phan Thị Hạnh (Phó Bí thư), Phan Thị Hiền (Chi ủy viên). Mỗi tháng, chi bộ sinh hoạt một lần, chi ủy sinh hoạt trước khi sinh hoạt chi bộ. Nội dung chủ yếu tập trung việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy trại giam, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên, gương mẫu trong học tập văn hóa, đoàn kết trong và ngoài chi bộ…

Thử thách đầu tiên của Chi bộ 6 ngay sau ngày thành lập là lãnh đạo chị em tù binh tuyệt thực để yêu cầu giám thị làm rõ cái chết bất thường của chị Hồng (bị chúng đánh đập chết trước đó mấy năm), bảo đảm khẩu phần ăn của tù binh, chống thành lập ban đại diện...

Cuộc đấu tranh dự kiến diễn ra trong 2 tuần, nhưng đến ngày thứ 11 thì chúng nhượng bộ. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng cam go, khốc liệt vì cả ta lẫn địch đều có kinh nghiệm trong đấu tranh và phản đấu tranh. Thời gian trước khi diễn ra tuyệt thực, các chị tranh thủ phơi cơm khô rồi bỏ trong từng chiếc túi bóng nhỏ đem chôn giấu ở dưới các gốc cây. Vì thế, trong 3 ngày đầu, ban ngày nhịn ăn, nhưng đêm xuống, mỗi người nhai một nắm cơm khô, uống một ngụm nước để cầm cự.

Dường như nắm bắt được sự chuẩn bị cho đấu tranh tuyệt thực của tù binh, đến ngày thứ 3, bọn giám thị sai lính quân cảnh đào các gốc cây, nhặt tất cả những túi cơm khô vứt lên ô-tô chở đi. Không dừng lại ở đó, chúng còn đổ sạch nước uống trong các bình. Nhịn đói đã hoa mắt, song nhịn khát còn kinh hoàng hơn thế.

Nhiều chị em đã phải uống nước tiểu của mình. Khi còn sức lực, các đồng chí đảng viên bò đi khắp các phòng để động viên quần chúng giữ vững tinh thần. Sau đó, họ lả dần. Đến ngày thứ 11, nhìn hàng trăm tù binh nằm la liệt nhưng vẫn chưa có ý định thôi đấu tranh, bọn giám thị đành chấp nhận các điều kiện do các chị đặt ra.

Mặc dù được thành lập trong nhà tù của địch, nhưng Chi bộ 6 vẫn hoạt động như ở bên ngoài. Trong công tác phát triển Đảng, với thời gian tồn tại không dài (tháng 2-1973, chi bộ giải thể vì tù binh được trao trả), chi bộ đã công nhận chính thức cho đảng viên Lương Thị Nhồng (Hội An, tỉnh Quảng Nam), kết nạp Đảng cho đảng viên Nguyễn Thị Lê (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và bồi dưỡng cảm tình Đảng 2 đồng chí Bảy và Hà Thị Thắng.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải thực sự gương mẫu. Đặc biệt, chi ủy luôn là hạt nhân lãnh đạo chi bộ thì mọi việc sẽ thành công”, bà Hạnh kết thúc câu chuyện trong dư âm kỷ niệm về những ngày tranh đấu chốn lao tù của địch.

NGUYỄN SỸ LONG

.