Chính trị - Xã hội
Báo Đảng phải tiên phong trong tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo
(Phát biểu của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 5, vòng IV)
Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần. Đây là dịp để báo Đảng các tỉnh, thành phố trong khu vực trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền trên báo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của báo và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Năm nay, hội thảo được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, với chủ đề “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng”. Chúng tôi đánh giá cao và rất hoan nghênh Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn chủ đề này.
Đây là vấn đề thời sự nóng bỏng, được dư luận đặc biệt quan tâm, không chỉ vì vị trí sống còn của Biển Đông đối với một quốc gia biển như Việt Nam, mà còn vì nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn về bảo vệ chủ quyền đối với biển, đảo. Chủ đề này cũng liên quan đến thái độ ứng xử và trách nhiệm của chúng ta đối với di sản mà ông cha chúng ta để lại; liên quan đến giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Những vấn đề này, hơn ai hết, báo Đảng cần phải tham gia và có tiếng nói của mình.
Với vị trí trọng yếu về quốc phòng-an ninh, và với bề dày lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giữ gìn độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ, Đà Nẵng luôn đứng ở tuyến đầu trong các cuộc đấu tranh chống sự xâm lăng của các thế lực thực dân, đế quốc - mà trong đó hầu hết các cuộc tấn công xâm lược đều đến từ đường biển.
Hiện nay, Đà Nẵng cũng là địa phương xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với khai thác tiềm năng từ biển, làm giàu từ biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thành phố hiện đang nỗ lực xây dựng thành một trong 3 trung tâm kinh tế biển lớn của đất nước như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã xác định. Từ thực tế đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển đảo, về chủ quyền quốc gia trên biển…
Đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên biển, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều chương trình triển lãm, trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong, ngoài nước và dư luận quốc tế. Việc làm này cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nguồn tư liệu lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa về ý thức chủ quyền biển, đảo đến các tầng lớp nhân dân thành phố. Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hội thảo khoa học, xuất bản nhiều tài liệu sách, báo, tái bản cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa… Sắp đến, Đà Nẵng sẽ xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa để lưu giữ những hiện vật và ký ức của các thế hệ người Việt Nam liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Những hoạt động đó đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng, những cố gắng đó chưa bao giờ là đủ. Trong tâm thức của người Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, hay rộng hơn, Biển Đông là một phần máu thịt của Tổ quốc, gắn liền với các quá trình lịch sử, gắn với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hiện nay, Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đang được dư luận hết sức quan tâm, bởi có một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy, không chỉ tuyên bố, củng cố hiện trạng cưỡng chiếm trái phép một phần lãnh thổ Việt Nam trên biển, mà còn tiếp tục lấn chiếm, mưu toan dùng vũ lực lấn chiếm, phá vỡ nguyên trạng, xây dựng trái phép, đe dọa trực tiếp chủ quyền, an ninh của đất nước. Điều nguy hại là, không phải ai cũng nhận ra bộ mặt thật của chủ nghĩa dân tộc cường quyền độc hại đó, nhất là sau những lời tuyên bố hoa mỹ của nó.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi trân trọng và hoan nghênh các cơ quan báo Đảng đã chọn chủ đề này để bàn thảo, để cùng nhau tìm cách nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Từ trước đến nay, báo chí nói chung và báo Đảng luôn là kênh thông tin quan trọng, đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước về Biển Đông; cung cấp cơ sở pháp lý, những tư liệu lịch sử có tính thuyết phục cao, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đến bạn đọc.
Các nhà báo luôn tỏ ra là lực lượng kiên cường trên mặt trận này. Nhưng thực tiễn tình hình hiện nay đòi hỏi báo Đảng phải vượt lên chính mình, cùng với các cơ quan báo chí khẳng định vị thế, uy tín của mình trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chừng nào còn có người Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và một phần Trường Sa thì chừng đó báo chí chúng ta vẫn chưa tròn trách nhiệm. Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của Việt Nam. Chừng nào còn người Việt Nam nghĩ đến Hoàng Sa thì chừng đó Hoàng Sa vẫn còn là của Việt Nam.
Tôi rất mong, từ diễn đàn hội thảo này, các cơ quan báo chí chia sẻ được nhiều kinh nghiệm bổ ích, nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.
(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt