Nhân Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 5 (vòng IV) với chủ đề “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” do Báo Đà Nẵng đăng cai tổ chức, 19 báo Đảng địa phương trong khu vực gửi đến hội thảo những bài tham luận sâu sắc, đề cập những việc làm được và những trăn trở cũng như đề xuất, kiến nghị, chia sẻ kinh nghiệm… nhằm nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trên báo Đảng địa phương. Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết từ các tham luận này.
Trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, phải nói đúng, nói trúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Cần có những tuyến bài viết phản ánh cụ thể công việc, hoạt động, đời sống của các chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân tại khu vực biên giới biển, đảo. Các bài viết càng bám sát cơ sở càng sinh động. Vì vậy, cần động viên, tạo điều kiện cho phóng viên thâm nhập cơ sở, tìm hiểu thực tế, từ đó có những chi tiết đắt để làm nên giá trị bài viết. Nhà báo Đỗ Nguyên Hùng, Tổng Biên tập Báo Bình Định |
Người làm báo cần nâng cao nhận thức, tích lũy hiểu biết về biển. Mỗi tờ báo cần có những cây bút giỏi viết về biển, những phóng viên có sức khỏe và sự xông xáo, chịu đựng được sóng gió, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tác nghiệp nơi vùng biển, đảo xa xôi, hoặc đi theo các đội tàu đánh bắt xa bờ hằng tháng trời. Có như vậy, tuyên truyền về biển, đảo và chủ quyền biển, đảo trên báo chí mới phong phú, sâu sắc, thiết thực và hấp dẫn với đông đảo bạn đọc. Nhà báo Lê Hồng Văn, Tổng biên tập Báo Bình Thuận |
Báo Dak Lak sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản, các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Luật Biển quốc tế; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển. Nhà báo Nguyễn Văn Phú, Tổng biên tập Báo Đắc Lắk |
Sứ mệnh của báo giới nói chung và báo Đảng địa phương là cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo. Báo Đắk Nông sẽ tập trung nhiều hơn về đề tài biển, đảo với hình thức, nội dung phong phú hơn, phải gắn kết giữa lịch sử với hiện tại để người dân tỉnh nhà thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia. Nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Tổng biên tập Báo Đắk Nông |
Nhờ có những thông tin kịp thời về bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 mà mọi tầng lớp nhân dân ở Gia Lai và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp kinh phí “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, “Góp đá xây Trường Sa” để cùng kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la. Nhưng vượt lên trên tất cả giá trị vật chất ấy, không chỉ là sự thấu hiểu về những Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng nơi tiền tiêu Tổ quốc; thấu hiểu về những người lính Trường Sa và nhà giàn DK1 - những người đang ngày đêm thầm lặng hy sinh, hiến dâng sức trẻ của mình để bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng; mà còn thắp sáng và hâm nóng tình yêu biển đảo trong Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân của tỉnh Gia Lai. Nhà báo Đoàn Minh Phụng, Tổng biên tập Báo Gia Lai |
Đề nghị hội thảo các Báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên về đề tài biển đảo cũng như các hội nghị, hội thảo về đề tài này nên có những chuyến đi thực tế, điền dã về các vùng biển, thương cảng cổ, các làng nghề truyền thống, các đơn vị hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư để gặp gỡ và nghe họ nói về tâm tư nguyện vọng của mình, từ đó phản ánh tới cấp ủy, chính quyền địa phương và Trung ương để có những chủ trương chính sách hiệu quả góp phần bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Nhà báo Bùi Thị Minh Huệ, Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh |
Thời gian tới, tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vẫn còn khó khăn, lâu dài, đòi hỏi báo chí cần tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân, thể hiện rõ nét tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Vì vậy, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng cần có chiến lược thông tin lâu dài, công tác thông tin - tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cần phải đẩy mạnh, bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời, hiệu quả. Nhà báo Thái Thị Lệ Hằng, Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa |
Báo Đảng cần đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới về năng lực kết nối thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo. Trong đó, các phóng viên, nhà báo giữ vai trò chủ đạo khai thác, phản ánh cần phải được liên tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Các báo Đảng giữ vị trí trung tâm của câu chuyện tuyên truyền cũng cần thực hiện tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin - đặc biệt đối với các tỉnh miền núi như Kon Tum - để tạo ra sự đa dạng thông tin giữa các vùng, miền và hướng đến được nhiều đối tượng khác nhau. Nhà báo Trịnh Văn Tâm, Tổng biên tập Báo Kon Tum |
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo nói chung và chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông nói riêng, báo Đảng cần đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền, bảo đảm tính hệ thống, đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn. Để đạt được hiệu quả tuyên truyền cao, các thông tin cần bảo đảm chính xác, có chọn lọc, có kiểm chứng; tránh sai sót về địa danh, khái niệm, quan điểm, thái độ, lập trường; tránh kích động hận thù dân tộc; tránh dùng ngôn từ mang tính kích động, tiêu đề giật gân… Nhà báo Nguyễn Văn Hương, Tổng biên tập Báo Lâm Đồng |
Các cơ quan, ban ngành liên quan cần tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tập huấn về tuyên truyền biển đảo cho đội ngũ những người làm báo. Cần tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện để có thêm nhiều phóng viên các báo Đảng địa phương được ra Trường Sa, nhà giàn DK1 và các điểm đảo khác của Tổ quốc để tác nghiệp. Có chính sách hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật để việc tác nghiệp ở các vùng biển đảo… Nhà báo Phạm Thị Hồng Toan, Tổng biên tập Báo Nghệ An |
Báo Ninh Thuận sẽ tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền biển, đảo nhằm góp phần cùng các binh chủng làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo nước ta, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc. Giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo ở từng địa phương, vai trò của các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển kinh tế biển, đảo. Tuyên truyền phản bác, bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà báo Trần Bảo Kim, Phó Tổng biên tập Báo Ninh Thuận |
Bên cạnh sự cố gắng, thường xuyên nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức về Biển Đông, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của phóng viên, hằng năm, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam… cần mở các lớp bồi dưỡng về các vấn đề, nội dung liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước về chủ quyền đối với Biển Đông cho đội ngũ phóng viên. Làm được như vậy là thiết thực giúp cho công tác tuyên truyền chủ quyền Việt Nam ở biển Đông trên báo chí ngày càng đạt kết quả, đạt hiệu ứng xã hội tốt hơn trong thời gian tới. Nhà báo Phạm Thanh Phong, Tổng biên tập Báo Phú Yên |
Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác chỉ đạo báo Đảng địa phương tuyên truyền về biển đảo, nhất là khi xảy ra các sự kiện nóng như sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng thềm lục địa nước ta ở Biển Đông một cách kịp thời hơn. Một thực tế hiện nay khi các văn bản chỉ đạo của Trung ương gửi về đến địa phương đã mất một thời gian khá dài, nên không còn tính thời sự nữa, vì vậy đề nghị Trung ương cải tiến cách truyền tải thông tin chỉ đạo sao cho nhanh chóng, hiệu quả hơn. Nhà báo Hoàng Hữu Thái, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Bình |
Khi có vấn đề, sự kiện tranh chấp xảy ra trên biển liên quan đến chủ quyền, quyền lợi của nước ta, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và các ngành liên quan cần kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền một cách thật sự nhanh chóng để Báo Quảng Nam cũng như các báo Đảng địa phương khác chủ động có kế hoạch tuyên truyền, chính xác và nhanh nhạy, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đời sống. Để thông tin tuyên truyền biển đảo được phong phú, sâu sắc, các ngành chức năng cần tổ chức thêm các chuyến đi, giúp phóng viên báo Đảng nắm rõ về bức tranh toàn cảnh biển đảo Việt Nam... Nhà báo Lê Văn Nhi, Tổng biên tập Báo Quảng Nam |
Trong công tác tuyên truyền về biển, đảo, cần chú trọng đến công tác thông tin đối ngoại, chuyển tải kịp thời, chính xác các quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông” phải gắn với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cơ sở, địa phương... Nhà báo Lê Đức Vương, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi |
Báo Quảng Trị xác định chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Biển Đông, xem đây là một trong những chủ đề quan trọng cần ưu tiên tập trung chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Nhà báo Nguyễn Chí Linh, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Trị |
Công tác tuyên truyền biển đảo phải thực hiện thường xuyên, liên tục theo tinh thần bình tĩnh, khôn khéo, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trên báo Đảng địa phương, cũng có nghĩa là báo Thanh Hóa và báo Đảng địa phương nói chung góp phần xứng đáng cùng báo chí cả nước, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà báo Phạm Minh Thiệu, Tổng biên tập Báo Thanh Hóa |
Thực tế công tác tuyên truyền trên báo Thừa Thiên Huế cho thấy, để làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, báo chí cần có chiến lược thông tin lâu dài, xác định đối tượng, địa bàn cụ thể, đa dạng hóa nội dung thông tin; kết hợp giữa tuyên truyền về cơ sở lịch sử, pháp lý với thực tiễn bảo vệ chủ quyền biển đảo và sự dũng cảm, mưu trí của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế |
HÀ AN tổng hợp