Chính trị - Xã hội
Điểm tựa của ngư dân
Đà Nẵng có bờ biển dài và đẹp, nhiều vùng cư dân thuộc các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Đây cũng là lực lượng góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chính vì vậy, những năm qua, bên cạnh đầu tư phát triển ngành kinh tế biển, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy sự đồng thuận của toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển. Hai nhiệm vụ song hành này đã được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố bám sát và triển khai đồng bộ.
Bộ đội Biên phòng thành phố giúp ngư dân phòng tránh bão. |
Luôn có mặt trên tuyến đầu
Là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ xây dựng nền “Biên phòng toàn dân”, BĐBP thành phố là chỗ dựa tin cậy cho bà con ngư dân. Ở đâu có ngư dân, ở đó có BĐBP; đó là mệnh lệnh, tình cảm của người lính quân hàm xanh thành phố Đà Nẵng. Họ có mặt bất cứ lúc nào khi ngư dân cần đến, từ các vị trí tọa độ đến những sự cố bão lũ, thiên tai trên biển hoặc đất liền…
Đại tá Dương Đề Dũng, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố cho biết: “BĐBP thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, thông qua triển khai thi hành Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ và của thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao thêm một bước nhận thức về biển, về vị trí, vai trò tiềm năng của biển, đảo và thực trạng tình hình biển, đảo hiện nay; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật liên quan đến biên giới biển, đảo trong tình hình mới cho quần chúng nhân dân, để nhân dân có nhận thức tốt hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề biển, đảo và phát triển kinh tế biển, nhất là ngư dân ở khu vực biên giới biển”.
Nói cho dân hiểu, làm cho dân thấy. Đó là khẩu hiệu hành động trong công tác dân vận của BĐBP thành phố. Đánh giá về vai trò giúp đỡ nhân dân của BĐBP thành phố, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó trưởng Ban chỉ đạo biển-đảo và xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển thành phố nhấn mạnh: “Với tình cảm và trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng đã góp phần thực hiện tốt các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh ở từng cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, tham gia tốt chủ trương giảm nghèo, xóa nhà tạm, chống tái mù chữ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…”.
“Khu dân cư văn hóa biển” là một trong những kết quả của hành động đó. Đây là mô hình kết hợp giữa nội dung xây dựng khu dân cư văn hóa theo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với những nét văn hóa đặc thù của nhân dân vùng ven biển và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái vùng ven biển, phát triển kinh tế biển.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, BĐBP Đà Nẵng còn không quản ngại hiểm nguy, xông vào bão, lũ để cứu dân. Hàng trăm câu chuyện về những chuyến đi cứu ngư dân bị nạn trên biển chứa đựng sự quyết liệt chống chọi với “tử thần” của những người lính Biên phòng Đà Nẵng để giành giật sự sống cho bà con ngư dân. Ở đó, những người lính Biên phòng đã xem người bị nạn như người thân của mình. “Nếu ai đó chưa từng đối mặt với sóng to, gió lớn giữa biển khơi trong mùa mưa bão, nếu chưa một lần thấy ranh giới mong manh của sự sống, cái chết, sẽ không cảm nhận hạnh phúc vô bờ của chúng tôi khi đưa được bà con ngư dân gặp nạn trên biển trở về đất liền”.
Đó là lời tâm sự của Đại úy Phạm Đình Tân, Hải đội phó Hải đội 2, BĐBP Đà Nẵng. Trong cuộc đấu tranh với sự khắc nghiệt, tàn khốc của thiên nhiên, người chiến sĩ Biên phòng thành phố Đà Nẵng không chỉ quả cảm trong hành động mà còn nhường cơm, sẻ áo, chia sẻ với nhân dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Gắn với dân, trăn trở, suy nghĩ tìm ra những biện pháp tốt nhất để giúp nhân dân yên tâm đẩy mạnh sản xuất, đấy không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của người chiến sĩ Biên phòng đối với ngư dân hành nghề trên biển. Chính nhờ đó, BĐBP thành phố đã xây dựng được bản mật danh báo tọa độ trên biển đối với từng phương tiện, giúp hàng trăm tổ ngư dân với hàng ngàn phương tiện hoạt động trên biển vừa bảo vệ bí mật ngư trường vừa thông báo kịp thời, chính xác đến từng vị trí trên biển cho BĐBP khi có tình huống xấu xảy ra.
Từ khi sáng kiến này đưa vào áp dụng đã giải tỏa được tâm lý cho ngư dân, hỗ trợ đắc lực để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển của Tổ quốc. Cũng nhờ sáng kiến này, khoảng cách giữa biển khơi và đất liền ngày càng xích lại gần nhau; mọi diễn biến về thời tiết, mọi hành động xâm phạm lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài đều được cập nhật kịp thời, giúp cho việc thông báo, chỉ đạo và ứng phó với tình hình nhanh chóng và chính xác, không chỉ giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân khi có giông bão xảy ra mà còn giúp cho việc chỉ huy, chỉ đạo có những phương án, đối sách đúng đắn đối phó với những tình huống khẩn cấp và nguy hiểm”.
Tấm lòng ngư dân Đà Nẵng
Ngư dân Đà Nẵng đã không phụ lòng với những việc BĐBP thành phố đã làm. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của BĐBP, ngư dân thành phố đã cùng nhau thành lập gần 200 tổ tàu thuyền an toàn, trang bị nhiều loại phương tiện dò tìm, thông tin liên lạc để đánh bắt hải sản trên biển cũng như tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hằng năm, có hàng trăm lượt tàu thuyền với hàng ngàn lao động, ngư dân thành phố đã tham gia xua đuổi, ngăn chặn có hiệu quả hơn 1.000 lượt tàu thuyền nước ngoài khai thác trộm hải sản, ngăn chặn giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế nước ta.
Trên mặt trận nóng bỏng này, nhiều ngư dân Đà Nẵng trở thành những gương mặt dũng cảm quen thuộc của báo chí trong nước và quốc tế. Trong những trường hợp như thế, BĐBP thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác động viên và hỗ trợ kịp thời để các chủ tàu, ngư dân không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, ra khơi bám biển, giữ vững ngư trường.
Từ đó ngư dân như được truyền thêm nguồn lực, hăng hái vươn khơi xa, dẫu cho muôn vàn khó khăn phía trước. “Dù còn khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, thẳng tiến Hoàng Sa”, ngư dân Lê Văn Chiến, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 khẳng định như vậy. Nhiều ngư dân rất tự hào, phấn khởi sau khi được trở thành đoàn viên Công đoàn thuộc Nghiệp đoàn Nghề cá ở địa phương. Anh Nguyễn Đình Tuấn, ở quận Thanh Khê vui vẻ khoe: “Giờ thành đoàn viên Công đoàn, được tham gia Nghiệp đoàn Nghề cá mình càng thấy rõ hơn phải đoàn kết mới mạnh được”.
Phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ, mục tiêu lâu dài của thành phố Đà Nẵng. Vì thế, để hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ này, trước hết phải xây dựng lực lượng ngày càng hùng hậu, vững mạnh vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. BĐBP thành phố, vì thế luôn phải làm tốt công tác dân vận, xây dựng nền “Biên phòng toàn dân” vững mạnh, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự địa bàn biên phòng ở những vùng biên giới biển, trong đó chú trọng công tác xây dựng, hỗ trợ lực lượng ngư dân.
THANH GIÁN