ĐNĐT - Sáng 28-3, tại Cung Tiên Sơn, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015).
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm |
Đến dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Văn Chi; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các tướng lĩnh; đại diện các lực lượng vũ trang; Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh hùng lao động; Chiến sĩ thi đua; cựu chiến binh; đại diện các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức... Dự buổi lễ còn có lãnh đạo tỉnh Quảng Nam anh em và các tỉnh, thành phố kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng.
Trong diễn văn trình bày tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã ôn lại chặng đường lịch sử trọng đại của ngày tổng tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng. Cách đây 40 năm, vào những ngày tháng Ba lịch sử, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, mở đầu bằng đòn “đánh trúng huyệt” giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tiếp đến là giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Huế.
Chính quyền tay sai hô hào “tử thủ Đà Nẵng” nhưng quân địch ở đây hoàn toàn bị cô lập, tinh thần suy sụp nghiêm trọng. Trước thời cơ đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Khu ủy Khu 5, quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã nhất tề nổi dậy, triệu người như một, tạo nên làn sóng cách mạng như triều dâng thác đổ, bao vây, bứt rút, gọi hàng nhiều đồn bốt địch, buộc địch rơi vào tình trạng “tự tan rã tại chỗ”, tạo điền kiện vô cùng thuận lợi cho các binh đoàn của ta, với khí thế tiến công như vũ bão từ các hướng, tiến quân ào ạt vào giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ phát biểu tại buổi lễ |
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân và dân ta đã tung bay phất phới trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu thời điểm lịch sử trọng đại - thành phố Đà Nẵng được giải phóng.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh: Năm tháng qua đi, cuộc sống sẽ không ngừng tiến về phía trước, nhưng sự kiện giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975 mãi mãi là một trang sử vẻ vang, chói lọi nhất của thành phố Đà Nẵng anh hùng; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là bản anh hùng ca tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, tinh thần bất khuất và ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta.
Thắng lợi đó đã góp phần đẩy mạnh cuộc tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, mở đòn tấn công quyết định vào sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tưởng nhớ, khắc ghi những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã ngã xuống, hy sinh một phần thân thể cho sự nghiệp giải phóng quê hương, 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng vừa ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đà Nẵng từng bước trở thành một trong những thành phố văn minh, hiện đại.
“Bằng cách làm sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, Đà Nẵng đã và đang phát triển khá toàn diện, trở thành thành phố động lực phát triển khu vực, đô thị lớn của cả nước. Mỗi người dân Đà Nẵng hôm nay đều có quyền tự hào về thành phố quê hương trong niềm tin tưởng và yêu mến của nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương”, đồng chí Trần Thọ chia sẻ.
Đồng chí Trần Thọ cho biết, quá khứ vinh quang khi hiện tại và tương lai biết làm đẹp cho đời. Đà Nẵng anh hùng trong quá khứ, năng động và đổi mới trong hiện tại, nhất định Đà Nẵng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trong tương lai. Đó cũng là quyết tâm sắt đá, lời hứa thiêng liêng, đồng thời là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trước anh linh của lớp lớp thế hệ đã hy sinh trên quê hương Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chính truyền thống trung dũng, kiên cường trong chống ngoại xâm của quân, dân Đà Nẵng đã làm nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương.
Biểu diễn văn nghệ mừng Ngày Giải phóng Đà Nẵng |
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đà Nẵng đã phát huy rất tốt bài học đồng thuận, đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt; huy động mọi nguồn lực để xây dựng thành phố phát triển khá toàn diện. Kinh tế thành phố tăng trưởng cao, hạ tầng đô thị hiện đại, an sinh xã hội được đề cao, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có bước phát triển hiệu quả. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố cần tiếp tục bám sát và thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) để xây dựng và phát triển Đà Nẵng, tạo ra những đột phá mới to lớn hơn nữa, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Đoàn Xuân Hiếu thay mặt tuổi trẻ thành phố bày tỏ niềm tự hào về truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước; nguyện tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nêu cao tinh thần xung kích, sáng tạo, ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ thành phố để chung tay xây dựng quê hương Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp.
Ngay sau lễ kỷ niệm, thành phố tổ chức gặp mặt các thế hệ lão thành cách mạng; các cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ đã có những đóng góp nổi bật trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương và bảo vệ, xây dựng, phát triển Đà Nẵng hôm nay.
Việt Dũng