Sau 40 năm giải phóng thành phố, cuộc sống của người Cơtu ở mạn Bắc Đà Nẵng có nhiều đổi thay tích cực.
Già Cầm trong bộ quân phục gắn đầy huân chương, huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập do Chủ tịch nước phong tặng (bên cạnh là cháu trai, đại diện cho thế hệ mới người Cơtu tương lai). |
Với sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền cùng sự vươn mình đứng dậy, người Cơtu đối với Đảng, Bác Hồ và chính quyền thành phố vẫn một lòng sắt son.
Những ngày này, Đà Nẵng đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3-1975 - 29-3-2015). Không khí ở xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cũng rộn ràng không kém. Dọc tuyến tỉnh lộ 601, cờ treo bay phấp phới trước cửa mỗi nhà.
Già làng Bùi Văn Cầm (ở thôn Giàn Bí) bước qua tuổi 85. Ông là nhân chứng sống qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như những ngày rầm rộ tiến quân giải phóng Đà Nẵng. Những dòng hồi tưởng về tháng ngày lăn lộn chiến trường, lãnh đạo nhân dân trong thôn vót chông, làm thò đánh giặc cứ ùa về với già Cầm như những thước phim quay chậm. Lúc hứng khởi, già làng cười sảng khoái khi kể về những chiến thắng, những cú “ăn tên tẩm độc” của giặc.
Lúc nhớ lại chiến sĩ, đồng bào mình bị trúng đạn, trúng bom hy sinh kiên cường, già làng trầm buồn. “Hồi đó, chiến tranh ác liệt lắm. Đối phương không chỉ thả bom như mưa bằng máy bay B52 mà còn thả bom Napal đốt cháy hết núi rừng, làng mạc, đốt cả thân người, rải chất độc hóa học... Thế nhưng, kỳ lạ thay, con người Việt Nam, không kể người Kinh hay đồng bào (dân tộc) đều một lòng quyết tâm giết giặc.
Người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Coi cái chết nhẹ như không, thanh niên ra trận, phụ nữ tham gia du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Người già ở lại lo sản xuất để cung cấp lương thực cho cách mạng đưa ra tiền tuyến”, già Cầm nhớ lại.
Già Cầm tham gia cách mạng từ năm 1946 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiếp tục chiến đấu chống bọn phản động trú ngụ vùng núi Hòa Bắc muốn lật đổ chính quyền sau giải phóng. Ông nhớ lại ngày giải phóng Đà Nẵng, từ cánh Bắc Hòa Vang, một đơn vị xe tăng được giấu kín dưới hầm sâu trong núi - khu vực thôn Tà Lang cũ, được lệnh đã mở hầm ào ào tiến về thành phố với khí thế thần tốc, quyết thắng. Người dân miền núi nơi đây trở thành dân quân, du kích tiếp tế lương thực, đạn dược cho đội quân oai hùng tiến về giải phóng quê hương…
Sau ngày thống nhất đất nước, đến năm 1982, người Giàn Bí, Tà Lang chuyển về nơi ở ổn định. Những ngày đầu xây dựng cuộc sống mới đầy khó khăn, thiếu thốn. Người dân chỉ biết đào củ ri, củ mì trên núi về chống đói, rồi mới trỉa lúa ba trăng, trồng ngô, khoai để dần dần thoát đói. Nhưng cái nghèo cứ dai dẳng. Cho đến sau ngày tách tỉnh, trở thành công dân của thành phố trực thuộc Trung ương, được thành phố đặc biệt quan tâm, người Cơtu ở Đà Nẵng đã trở mình với cuộc sống ấm no, đủ đầy.
“Đường mới được nâng cấp, tu sửa giúp thông thương thuận tiện, nhanh chóng. Trạm y tế quân dân y được xây dựng. Trước đây đường khó, đau ốm phải khiêng xuống trạm y tế xã xa xôi, cách trở hết cả ngày đường. Bây giờ, nước sạch đã về tận từng nhà, sướng biết bao! Năm 2001-2002, thành phố có chủ trương xóa nhà tạm cho đồng bào, nhà mới được xây dựng, rồi tiếp tục kiên cố hóa cho đến bão gió cấp mấy cũng không đổ. Cái đó cũng nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn thành phố…”, già Cầm chia sẻ.
Kể về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thành phố, người dân nơi đây nhớ như in về chuyến thăm của hai ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (lúc bấy giờ). Sau chuyến thăm đó, cuộc sống đồng bào nơi đây như sang trang mới khi nhận được sự quan tâm thiết thực, cụ thể.
Bây giờ, đồng bào Cơtu ở Đà Nẵng hằng năm đều được nhận quà, tiền từ sự hỗ trợ, chăm lo của thành phố. Nhà cửa đã được xây dựng kiên cố từ chương trình xây nhà đại đoàn kết. “40 năm sau giải phóng, tương lai con cháu đã được thụ hưởng thành quả thái bình như lời Bác Hồ từng nói rằng, giải phóng đất nước là giải phóng cho dân tộc, cho tương lai con em chúng ta được thụ hưởng độc lập, tự do, thái bình và no ấm. Và chúng tôi hôm nay luôn giáo dục con cháu về lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, thành phố; từ đó phải học tập, làm việc cống hiến cho đất nước, cho thành phố ngày càng giàu đẹp, no đủ hơn”, già Cầm kể.
Tôi chia tay già làng Bùi Văn Cầm để trở về phố trong tiếng máy công trình đang thi công dự án đường mòn Hồ Chí Minh (La Sơn- Túy Loan giai đoạn 1) rầm vang khắp núi rừng. Người dân Tà Lang và Giàn Bí nói riêng cũng như Hòa Bắc nói chung sẽ trở mình vươn dậy khi dự án này hoàn thành, mở cửa ra với thế giới bên ngoài để giao thương trong Nam ngoài Bắc.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY