Chính trị - Xã hội

Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa

07:42, 27/04/2015 (GMT+7)

Từ giữa tháng 4-1975, khi các cánh quân trên bộ chuẩn bị và thực hiện đợt tổng công kích giải phóng miền Nam mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, thì một cánh quân khác của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp với các đơn vị của Quân khu 5 nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: Tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước.

 Đảo An Bang. Ảnh: THÁI KHOA
Đảo An Bang. Ảnh: THÁI KHOA

Như vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 bằng ba chiến dịch lớn trên đất liền: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh, thì một chiến dịch khác rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển, là chiến dịch giải phóng các đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa. Đây có thể coi là chiến dịch thứ tư trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà 40 năm sau nhìn lại mới thấy hết tầm quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng trong cuộc chiến đấu giành và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

1.Từ tầm nhìn chiến lược, chỉ đạo kịp thời

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương đã kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: “vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang giữ”. Chủ trương giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là sự kiện đặc biệt diễn ra ngoài kế hoạch ban đầu, nhưng là một quyết định nhạy bén, sáng suốt thể hiện tầm nhìn chiến lược về tầm quan trọng của chủ quyền biển, đảo.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo kịp thời và cụ thể việc giải phóng Trường Sa. Quân ủy Trung ương đã điều đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân về làm việc bên cạnh Bộ Tổng Tham mưu để giúp theo dõi tình hình địch trên biển và các đảo, quần đảo. Tiếp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo xây dựng và triển khai nhiệm vụ của hải quân trong trận tổng công kích cuối cùng. Đại tướng cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo theo dõi và nắm chắc tình hình địch ở Biển Đông. (1)

Ngày 30-3-1975, Quân ủy Trung ương điện gửi các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân nêu rõ phải nhằm thời cơ thuận lợi nhất, hành động kịp thời để giải phóng quần đảo Trường Sa (2). Tiếp đó, ngày 2-4, tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn phải tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. (3)

Ngày 4-4, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện cho Khu ủy, Quân khu ủy 5, Bộ Tư lệnh Hải quân tại Đà Nẵng, chỉ thị phải tiếp quản căn cứ hải quân Cam Ranh và tổ chức thực hiện giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. “… Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng” (4).

Ngày 9-4-1975, trong một bức điện tối khẩn khác từ Quân ủy Trung ương điện cho Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công và Chính ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng Chu Huy Mân cùng Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái: “Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho các lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm” (5).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ trực tiếp đưa ra chủ trương, kế hoạch tác chiến mà còn chỉ đạo việc đánh chiếm các đảo phải làm đúng thời cơ và dự báo các tình huống thời cơ cụ thể. (6)

 Như vậy, trong khi các cánh quân lớn, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của ta chuẩn bị trận tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân ngụy bằng chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì một một chiến dịch hải chiến trên biển cũng được triển khai khẩn trương để giải phóng quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Tổ quốc trên biển.

2. Hành động thần tốc, táo bạo

Triển khai chiến dịch giải phóng các đảo và quần đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa là một nhiệm vụ khó khăn đối với lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, vì tàu của ta nhỏ, xa hậu cứ, tiếp tế khó khăn; ta chưa thuộc địa hình trên biển; sự phối hợp giữa các lực lượng tác chiến trên biển. Để giành thắng lợi, phương châm tác chiến trên mặt trận Biển Đông được xác định cũng phải theo tinh thần hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (7).

Tham gia giải phóng Trường Sa là đơn vị hợp thành gồm lực lượng đặc công nước tinh nhuệ của Đoàn 126, một bộ phận Tiểu đoàn 471 đặc công Sư đoàn 2 của Quân khu 5 và một biên đội với mật danh “C75” của đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125), gồm ba tàu: 673 do Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng, tàu 674 do Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu 675 do Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng kiêm biên đội trưởng, được điều từ Hải Phòng và cập cảng Tiên Sa vào 21 giờ ngày 10-4-1975. Chỉ huy cả hai lực lượng này là lữ đoàn trưởng đặc công nước Mai Năng. Để bảo đảm bí mật, cả ba tàu 673, 674 và 675 được ngụy trang thành tàu đánh cá, gắn biển số, mang cờ hiệu nước ngoài.

Khó khăn đối với chiến dịch hải chiến này là cách đánh. Với địa hình biển cả mênh mông, bộ đội đặc công nước của ta chỉ được huấn luyện và tổ chức đánh tàu, còn đánh căn cứ, cứ điểm là vấn đề mới và khó khăn. Hơn nữa ở quần đảo Trường Sa, các đảo trải dài trên một địa bàn rất rộng lớn và quân ta chưa thông thuộc địa hình. Vì vậy, để bảo đảm “bất ngờ, chắc thắng” phải có phương pháp tác chiến mới phù hợp. Từ thực tiễn tác chiến trên địa hình biển, các đảo nằm xa nhau, nên phải tập trung đánh chiếm, làm chủ từng đảo một, vì vậy lãnh đạo bộ đội đặc công nước xác định cách đánh là: “đánh theo phương pháp trinh sát vũ trang, có nghĩa là trinh sát đến đâu đánh đến đó, không chuẩn bị trước” (8). Đó là bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu.

Theo hồi ức của Thiếu tướng Mai Năng, nguyên chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tá Phạm Duy Tam, nguyên thuyền trưởng kiêm biên đội trưởng, thì từ 4 giờ sáng ngày 11-4, ba chiếc tàu bí mật nhổ neo, rẽ sóng, thẳng hướng ra Trường Sa. Đảo Song Tử Tây là đảo đầu tiên mở màn cho chiến dịch trên biển. (9)

Trên quần đảo Trường Sa vào thời điểm năm 1975, 11 đảo có người ở; trong đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý 5 đảo gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.

Sau 3 ngày đêm hành quân trên biển, đến chiều ngày 13-4, tàu của Hải quân Việt Nam tới vị trí triển khai tiếp cận đảo Song Tử Tây. Để giữ bí mật, tất cả cán bộ, chiến sỹ đặc công có mặt trên tàu chỉ ở tư thế nằm ngửa suốt mấy ngày hành quân. Tuy đói nhưng chẳng ai ăn uống được gì nhiều. Khoảng 1 giờ sáng ngày 14-4, đội 1 chia làm ba mũi lặng lẽ rời tàu 673, dùng xuồng đổ bộ lên đảo. Các tàu 674 và 675 làm nhiệm vụ án ngữ phía bên ngoài. Thời điểm này đảo Song Tử Tây trong màn đêm là một khối thẫm màu, thỉnh thoảng có vài ánh đèn tuần tra trên đảo lúc tắt lúc sáng.

Do sóng quá to, bộ đội ta tiếp cận đảo khó khăn nhưng sau hơn một giờ, ba mũi tiến công của bộ đội đặc công cũng đã bám được đảo. Đến 5 giờ 30 sáng ngày 14-4, bộ đội ta tấn công vào các điểm chốt trên đảo Song Tử Tây, binh sĩ Sài Gòn đồng loạt đầu hàng. Hạ sĩ Lê Xuân Phát, thuộc đội 1, đoàn đặc công 126, vinh dự thực hiện nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây. Cũng trong ngày này, tàu 675 chở quân của sư đoàn 2 Quân khu 5 kịp thời ra tiếp quản, thiết lập hệ thống phòng thủ bảo vệ đảo.

Ngay sau khi bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ ở toàn bộ quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Quân ngụy vội vàng cho 2 tàu chiến số hiệu HQ.16 và HQ.402 từ Vũng Tàu ra, định phản kích chiếm lại đảo, nhưng do hoang mang trước thất bại trên các chiến trường trên đất liền nên chúng chỉ lảng vảng phía ngoài đảo rồi quay về tăng cường cho lực lượng phòng thủ ở đảo Nam Yết.

Phát huy thế thắng, lực lượng Hải quân và bộ đội đặc công tiếp tục mở đợt hai chiến dịch bằng việc đánh chiếm các đảo còn lại gồm Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa.

Ngày 25-4, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đổ bộ lên đảo Sơn Ca, nhanh chóng giải phóng đảo này. Đến 10 giờ 30 ngày 27-4, quân ta tiếp tục giải phóng đảo Nam Yết. Cũng vào thời điểm này một ngày sau, 28-4, đảo Sinh Tồn được giải phóng

Phát huy khí thế tiến công thần tốc của đại quân ta đang tiến công như vũ bão trên khắp các chiến trường, 16 giờ ngày 28-4, tàu 673 của Hải quân thọc sâu xuống đảo Trường Sa và An Bang - đảo xa nhất của quần đảo Trường Sa. Đến 9 giờ sáng ngày 29-4, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 126 đổ bộ giải phóng Trường Sa. Cờ Tổ quốc được kéo lên trên đảo Trường Sa, hòn đảo cuối cùng do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng được giải phóng.

Khi được tin lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng quần đảo Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương gửi điện khen ngợi các đơn vị của Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trương Sa: “Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng” (10), và chỉ thị cho cán bộ chiến sĩ Hải quân phải khẩn trương tổ chức phòng thủ, bảo vệ vững chắc các đảo.

Với việc giải phóng “núm ruột” xa xôi nhất của Tổ quốc, những người lính Hải quân thuộc đoàn tàu không số và đặc công hải quân viết nên trang sử vàng chói lọi, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc giải phóng và làm chủ vùng biển, đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa góp phần vào thắng lợi chung sau 21 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam: Non sông thu về một mối, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

TRƯƠNG MINH DỤC


(1) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 299.

(2) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 299

(3) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 298.

(4) Điện đặc biệt, ngày 4 tháng 4 năm 1975, Phòng Lưu trữ, Bộ Quốc phòng.

(5) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 301.

(6) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 301

(7) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 298.

(8) Xem: Đ. Dục, V. Thành, H. Hương và Xuân Trung: Giải phóng Trương Sa (3kỳ), Tuổi trẻ Online 23, 24-4-2010.

(9) Đ. Dục, V. Thành, H. Hương và Xuân Trung: Tlđd.

(10) Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng: Một số văn kiện chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh. Nxb. Quân đội nhân dân, 2005, tr. 229-231.

.