Chính trị - Xã hội
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động giám sát
Trong hệ thống luật pháp nước ta hiện nay có hai loại giám sát: giám sát mang tính quyền lực Nhà nước; giám sát mang tính nhân dân do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện.
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu . |
Giám sát của MTTQ Việt Nam tuy đối tượng có rộng rãi hơn giám sát quyền lực Nhà nước, nhưng chỉ mang tính phát hiện, tư vấn, kiến nghị, không sử dụng chế tài để xử lý kết quả giám sát.
Quyền giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên được Hiến pháp 2013 ghi nhận: “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;... giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...”; “MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật...”; và nhiều luật, văn bản pháp luật khác quy định. Vì vậy, cần có giải pháp sau:
Thứ nhất, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cần kết hợp với giám sát của Quốc hội, HĐND.
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 quy định “giám sát, phản biện xã hội”. Vì vậy, cần phải ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội.
Thứ ba, quyền được biết, được cung cấp thông tin (là điều kiện của giám sát) để có cơ sở chứng minh việc thực thi pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức đúng quy định của pháp luật hay không.
Thứ tư, đổi mới tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa MTTQ Việt Nam với UBND, HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội một cách cụ thể; cần xem việc giám sát, phản biện xã hội là nhu cầu cấp thiết và tất yếu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật.
Vì vậy, việc giám sát thực hiện pháp luật về an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cần chú ý những nội dung sau:
Một là, căn cứ Luật MTTQ Việt Nam tại Điều 2 và Điều 12 quy định về nhiệm vụ và hoạt động giám sát của Mặt trận.
Hai là, căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng quy định quyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên (Điều 8); và Điều 26 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo trợ xã hội, ưu đãi đối với người có công; việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo trợ xã hội, ưu đãi đối với người có công.
Ba là, căn cứ Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg ngày 2-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chủ thể giám sát và nội dung gồm 7 việc: việc thực hiện công khai, minh bạch quy định pháp luật về an sinh xã hội; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng từ quy định pháp luật về an sinh xã hội; việc áp dụng quy định pháp luật về an sinh xã hội với từng đối tượng cụ thể; tiến độ và tính kịp thời của việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; kết quả thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.
Bốn là, tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ở phường, xã trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã, phường hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, Ban Thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội và giám sát việc đã kiến nghị.
Bài và ảnh: ĐỖ THÀNH NHÂN