.

Kể chuyện vận chuyển pháo hoa

.

Cho đến Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) 2015, đã là lần thứ 7, Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Đà Nẵng được phân công chỉ huy dẫn đường vận chuyển pháo hoa từ Lạng Sơn về Đà Nẵng.

Trung tá, Đội trưởng Lê Văn Lực chỉ đạo Đội tuần tra, dẫn đoàn, chống đua bảo vệ pháo hoa năm 2013.
Trung tá, Đội trưởng Lê Văn Lực chỉ đạo Đội tuần tra, dẫn đoàn, chống đua bảo vệ pháo hoa năm 2013.

Anh cho biết, từ năm đầu tiên (năm 2008) nhận nhiệm vụ - lúc đó đang giữ chức Đội trưởng Đội tuần tra, dẫn đoàn, chống đua - đã cảm thấy nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng hết sức tự hào. “Pháo hoa là vật liệu nổ nguy hiểm, dễ xảy ra cháy nổ. Những người CSGT làm nhiệm vụ dẫn đầu, khóa đuôi vì vậy khá nặng nề. Tuy nhiên, để cuộc thi diễn ra thành công, anh em cán bộ, chiến sĩ công an chúng tôi ai cũng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ”, anh tâm sự.

Trải qua 6 lần chỉ huy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ dẫn đoàn, khóa đuôi để vận chuyển pháo hoa vượt hàng trăm ki-lô-mét về Đà Nẵng, Thượng tá Lê Văn Lực chia sẻ: “Căng thẳng nhất là đoàn xe vận chuyển pháo đi trên đường. Không bao giờ được đi trong thành phố, mà toàn phải đi đường tránh, tốc độ đi chậm và tránh va chạm”, anh Lực cho biết. Ăn uống của cán bộ, chiến sĩ cũng phải tranh thủ, không dám đậu xe ở khu dân cư, gần nhà dân mà phải cách xa hàng cây số”.

Những lần tham gia chỉ huy lực lượng CSGT dẫn đường vận chuyển pháo hoa đã để lại trong anh khá nhiều kỷ niệm. “Có lần xe dẫn đầu chạy quá nhanh, khiến hai xe container chở pháo hoa tụt lại cách 500m thì bị CSGT địa phương dừng xe. Tài xế phải điện chúng tôi quay lại để giải quyết, khi đó họ mới cho đi”, anh Lực nhớ lại. Cũng có lần cả đoàn đói bụng phải dừng xe bên một cánh đồng - cách khu dân cư khoảng 100m để ăn mì tôm. Khi tính tiền thì bị “chém” giá mỗi gói 50.000 đồng, anh em đắng lòng trả tiền rồi cho xe chạy thẳng một mạch về Đà Nẵng.

Năm 2015, anh chỉ huy dẫn đường vận chuyển pháo hoa với tư cách là lãnh đạo phòng. “Đây là lần đầu tiên Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo phải có lãnh đạo chỉ huy dẫn đoàn. Tôi nhiều năm tham gia chỉ huy nên tiếp tục được cấp ủy phân công. Trước giờ lên đường, tôi luôn động viên anh em chiến sĩ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dẫn đường đưa pháo về Đà Nẵng an toàn để DIFC 2015 diễn ra thành công tốt đẹp; vất vả, nhọc nhằn nhưng mình cố gắng vượt qua”, Thượng tá Lê Văn Lực chia sẻ.

Thượng tá Lê Văn Lực vào ngành Công an từ năm 1983 khi còn là một chiến sĩ nghĩa vụ. Bằng sự nỗ lực, anh tiếp tục theo học Đại học Cảnh sát chuyên ngành điều tra tội phạm và được phân công sang phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Trái ngành nghề, nhưng bằng sự nỗ lực, học hỏi của bản thân, anh đã cố gắng rèn luyện để trở thành một CSGT thực thụ.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, dần dần anh đã được đề bạt lên các cấp chỉ huy khác nhau. Từ Trạm phó Trạm CSGT Kim Liên, đến Đội phó, Đội trưởng Đội tuần tra, dẫn đoàn, chống đua, nay là Phó phòng CSGT. Ở cương vị nào anh cũng xông xáo, luôn ở tuyến đầu và động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ, vì một thành phố an toàn, văn minh.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.