Chính trị - Xã hội
Học phí, viện phí được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ
Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với hai khoản phí này.
Học phí và viện phí được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ (Ảnh: KT) |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, sáng 26-5, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật phí, lệ phí trước Quốc hội.
Dự án Luật phí, lệ phí do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy: Pháp lệnh phí và lệ phí hiện nay qua 13 năm thực hiện đã có nhiều dịch vụ công chuyển sang cho đơn vị ngoài Nhà nước cung cấp, có nhiều khoản phí đã chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí và viện phí).
Bên cạnh đó, các dịch vụ công do cơ quan Nhà nước cung cấp có thu phí thường có tính chất độc quyền, gắn với chức năng quản lý Nhà nước và gắn với dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp. Các dịch vụ không có tính chất này thường thực hiện theo cơ chế thị trường, theo đó, người sử dụng dịch vụ phải trả tiền cho người cung cấp dịch vụ theo giá dịch vụ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công cần thiết rà soát các khoản phí chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ. Theo đó, chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý Nhà nước (công việc chỉ có cơ quan Nhà nước thực hiện) như: Phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề,... thì quy định thu phí.
Qua rà soát còn lại 30/42 khoản lệ phí được quy định trong Danh mục lệ phí kèm Pháp lệnh phí và lệ phí phù hợp với thực tế, cần kế thừa đưa vào dự thảo Luật. 36/73 khoản phí được quy định trong Danh mục phí kèm Pháp lệnh phù hợp với thực tế, vì vậy, cần được kế thừa để đưa vào Luật phí và lệ phí.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật phí và lệ phí, Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất với Tờ trình của Chính phủ. Đối với viện phí, học phí, Ủy ban Tài chính nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, các khoản thu này đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá.
Theo đó, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.
Đối với Lệ phí môn bài, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, bản chất Thuế môn bài là khoản lệ phí thu hàng năm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cơ chế quản lý, thành lập doanh nghiệp ngày càng thông thoáng thì việc chuyển Thuế môn bài sang Lệ phí môn bài nhằm thông qua công tác thu để quản lý, kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang hoạt động. Dó đó, nhất trí việc chuyển Thuế môn bài là khoản Lệ phí như Dự thảo Luật.
Đối với Lệ phí trước bạ, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, thu Lệ phí trước bạ đi kèm với nó là Nhà nước thực hiện việc xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí quy định khoản thu Lệ phí trước bạ trong Danh mục lệ phí như quy định của Dự thảo Luật.
Tuy nhiên hiện nay, cơ chế thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc.
Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này. Ngoài ra, Lệ phí trước bạ ngoài mục đích xác nhận quyền sở hữu về tài sản của công dân còn là công cụ quản lý và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế số lượng ô tô, xe máy tại các thành phố và đô thị lớn, vì vậy, đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Theo VOV