Chính trị - Xã hội
Tiếp bước truyền thống anh hùng giao vận Quảng Đà
Nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ngành Giao thông vận tải Đà Nẵng đã trải qua những chặng đường đầy khó khăn, thử thách, nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng rất đỗi vinh quang, tự hào mà nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lao động của ngành đã đi trước, mở đường cho sự phát triển của ngành, cho sự phát triển của thành phố quê hương. Chặng đường hình thành và phát triển liên tục của ngành với nhiều chiến công, thành tựu nổi bật xuyên suốt 3 thời kỳ rất đáng nhớ.
Cầu Thuận Phước-cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam góp phần thúc đẩy kinh tế biển, du lịch của thành phố. (ảnh tư liệu) |
Từ ngày thành lập Ban Giao vận Quảng Đà (26-5-1965) đến Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, trong điều kiện “đói cơm, nhạt muối”, với truyền thống “chân đồng, vai sắt” không quản ngại hy sinh, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà đã viết nên những trang sử hào hùng của ngành. Đó là, tích cực xây dựng, tổ chức các hoạt động giao thông vận tải phục vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; vận chuyển hàng nghìn phiến đá quý, gỗ quý ra Bắc để cùng cả nước xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã mở đường, tổ chức vận chuyển kịp thời vũ khí, lương thực, thương bệnh binh phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, lực lượng Giao vận Quảng Đà đã phục vụ đắc lực cho chiến dịch Thượng Đức (tháng 8-1974) giành thắng lợi, mở ra thời cơ lớn, là cơ sở để Bộ Chính trị (Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30-9 đến 8-10-1974) hạ quyết tâm chiến lược “Giải phóng miền Nam”.
Trong thời kỳ 1975 - 1996, ngành Giao thông vận tải Quảng Nam - Đà Nẵng đã viết tiếp những trang sử hào hùng về xây dựng và phát triển ngành trong cơ chế bao cấp giai đoạn sau chiến tranh và 10 năm chuyển mình đi lên cùng công cuộc đổi mới đất nước. Sau năm 1975, tiếp quản một hệ thống giao thông không đồng bộ, giao thông nông thôn, miền núi vừa thiếu, vừa yếu, giao thông vùng kháng chiến và vùng tranh chấp bị tàn phá nặng nề; nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành lúc bấy giờ là khôi phục hệ thống giao thông và tổ chức vận tải, phục vụ việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế.
Trong 3 năm (từ 1977 đến 1979), ngành đã cơ bản khôi phục xong hệ thống giao thông, hàng trăm kilomet đường lên các vùng cao đi các huyện Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My, Hiệp Đức… được rà phá bom mìn, sửa chữa, đưa vào sử dụng và mở rộng. Ngành tổ chức, đưa tất cả phương tiện hiện có trên địa bàn vào hoạt động để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa; thành lập và vận động thành lập một số đơn vị liên doanh, hợp tác xã, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động vận tải và sửa chữa ô-tô, tàu thuyền.
Từ năm 1979 đến năm 1985, hoạt động giao thông vận tải đi vào nền nếp theo cơ chế bao cấp. Cùng với việc phục vụ yêu cầu kinh tế - xã hội địa phương, ngành còn tổ chức hàng trăm chuyến xe chuyển quân, phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam, Campuchia, biên giới phía Bắc, phục vụ Trường Sa; xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh và xây dựng cầu tràn Xamía giúp nước bạn Lào; đóng tàu vận tải sông biển, viễn dương…; chủ động triển khai nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như các giải pháp thay đổi công nghệ chuyển xe chạy bằng xăng sang chạy bằng hơi gas từ đốt than, chuyển đổi thắng dầu qua thắng hơi,… vừa giải quyết thiếu thốn về vật tư, nhiên liệu, vừa đáp ứng yêu cầu vận tải. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành đã tổ chức thi công đồng bộ công trình nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ trong thời gian ngắn; trong lúc, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công, vừa bảo đảm giao thông, mở đầu cho sự phát triển mới của ngành trong 10 năm đầu đổi mới.
Từ năm 1986 đến năm 1996, ngành đã chủ động vận dụng, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Giao thông vận tải, của Tỉnh ủy vào thực tế của ngành; nhanh chóng bắt nhịp quá trình “đổi mới” đang diễn ra ngày một quyết liệt hơn và thực hiện nhiều chủ trương phát huy nội lực như: Tăng cường liên kết giữa các đơn vị thành viên trong ngành để phát huy hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, làm ra nhiều sản phẩm hơn cho ngành; đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng nguồn vốn, nguyên liệu từ bên ngoài; trọng dụng lao động có tay nghề cao và khai thác tối đa tiềm năng khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của ngành…
Đến cuối năm 1996, hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh cơ bản đã được liên thông, các tuyến đường đều được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, một số tuyến được nâng cấp, mở mới; 360/941km đường sông được nạo vét, khai thông. Phương tiện vận tải tăng nhanh và sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng có nhiều tiến bộ.
Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đã mở ra thời cơ, vận hội mới để Đà Nẵng vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới. Bước đột phá đầu tiên của thành phố là xây dựng kết cấu hạ tầng và hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua những thách thức, ngành Giao thông vận tải Đà Nẵng viết tiếp những trang sử mới đầy cảm hứng trong lịch sử của ngành, với những thành tích xuất sắc, tiêu biểu.
Năm 1997, chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn là 423,2km, phần lớn các tuyến đường có chất lượng kém do nhiều năm không được trung đại tu, thậm chí 20,87% đường đô thị là đường đất, đường tỉnh, chỉ khai thác mùa khô và chỉ có 9/96km được thảm nhựa và có 2 cầu với tổng chiều dài 569m. Đến năm 2015, chiều dài mạng lưới đường bộ là 1.218,6km và có 25 cầu với tổng chiều dài 3.886,9m. Cùng với sự phát triển của mạng lưới đường bộ, không gian đô thị đã mở rộng về Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây Bắc thành phố. Các công trình cầu đã mở ra cơ hội phát triển mới cho dân cư ven bờ sông, thúc đẩy việc hình thành các đô thị mới khang trang, hiện đại.
Nhiều công trình cầu thiết kế hiện đại, được xây dựng theo công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế, không chỉ là nơi đi lại mà còn là công trình nghệ thuật, nơi tham quan du lịch, góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, hiện đại hơn. Tiêu biểu như: Công trình cầu Sông Hàn-cây cầu của “Ý Đảng, lòng dân” cùng với cầu Thuận Phước-cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam đã làm đổi thay vùng đất bên hữu ngạn sông Hàn, xóa đi khoảng cách chia cắt về không gian, đời sống kinh tế giữa hai bờ và thúc đẩy kinh tế biển, du lịch của thành phố. Công trình cầu Rồng cùng với cầu Trần Thị Lý không chỉ là những cây cầu độc đáo về ý tưởng thiết kế mà còn mang trong mình vẻ đẹp mê hoặc, hiện đại khi đêm về, đã tạo lập biểu tượng mới cho Đà Nẵng.
Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đường Võ Chí Công kết nối trung tâm thành phố với khu vực Đông Nam thành phố Ðà Nẵng. Các công trình cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu Cẩm Lệ,… đã mở đường cho việc mở rộng không gian đô thị về phía Đông Nam, phía Tây Nam thành phố. Việc thông xe đưa vào sử dụng cầu Tà Lang - Giàn Bí không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương mà còn là cơ hội phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Tây Bắc thành phố Đà Nẵng.
Cầu Hòa Phước, cầu Cổ Cò và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tuyến vành đai phía Nam) tạo nên trục giao thông chính, quan trọng, tạo cú hích quan trọng cho thành phố Đà Nẵng mở rộng và phát triển không gian đô thị về phía Nam. Cùng với việc xây dựng đồng bộ các tuyến đường bộ theo quy hoạch, hệ thống phao tiêu, biển báo đường sông, hệ thống giao thông nông thôn và kiệt hẻm cũng được quan tâm đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu UBND thành phố phối hợp với các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng công trình Hầm đường bộ Hải Vân; mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A; xây dựng đường tránh Nam Hải Vân; nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 1, Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; phối hợp thực hiện các dự án: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) và triển khai các dự án: Nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nâng cấp mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Đây là kết quả của một tầm nhìn xa trong chiến lược tổng thể phát triển bền vững thành phố và cách làm đầy năng động, sáng tạo của thành phố trong việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với các công trình khởi đầu là công trình nâng cấp đường Phan Thanh, công trình xây dựng cầu Sông Hàn và thực hiện chủ trương “khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng” được đánh dấu bởi các công trình đường Nguyễn Văn Linh và tuyến đường 2 tháng 9 - Cách mạng Tháng Tám. Kết quả đó là “nhờ sự đồng thuận của người dân, tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo thành phố”.
Ngành đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm thành phố giao. Các lĩnh vực vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe có nhiều tiến bộ, nhất là đã đẩy mạnh việc xã hội hóa đào tạo lái xe, đầu tư đổi mới phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và tổ chức các tuyến xe buýt không trợ giá. Quản lý, khai thác tốt các công trình, từng bước giải quyết các bức xúc về giao thông đúng cam kết với HĐND thành phố. Tổ chức tốt các hoạt động phục vụ các dịp lễ, tết, trình diễn pháo hoa quốc tế và đón các đoàn khách, hội nghị cấp cao quốc tế.
Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ngành tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Nhà nước, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, ban hành nhiều quy định quản lý chuyên ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngành đã đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp thành phố, ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật mới trong các lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải thành phố, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong toàn ngành.
Tự hào về những trang lịch sử vàng được làm nên bởi các thế hệ cha anh đi trước, từ thực tiễn hoạt động sôi động sau ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, phát huy truyền thống “đi trước”, “mở đường” và tinh thần dấn thân mạnh mẽ, đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Giao thông vận tải Đà Nẵng hôm nay đầy lòng tự tin bước vào thời kỳ thành phố đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục đổi mới vì sự hài lòng của công dân, tổ chức và vì sự phát triển của thành phố thân yêu”.
LÊ VĂN TRUNG
Giám đốc Sở Giao thông vận tải