Chính trị - Xã hội
Tự hào người lính trên mặt trận giao thông-vận tải
Trọn tuổi thanh xuân, họ đã cống hiến cho cách mạng. Bất kể mưa bom bão đạn, họ vẫn đêm ngày bám đường, dũng cảm, mưu trí đối phó với quân thù để bảo đảm mạch máu giao thông luôn được thông suốt.
Trong số đó, có 2 gương mặt tiêu biểu của Ban Giao vận Quảng Đà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính trên mặt trận giao thông.
Ông Phan Văn Lực: Tự hào góp công vận chuyển đá Non Nước xây lăng Bác
Cũng như bao thanh niên khác, năm 1964, vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Phan Văn Lực hăng hái đăng ký đi bộ đội, sau khóa huấn luyện được đưa về làm xã đội phó xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Đến năm 1969, anh được phân công làm Phó phòng Giao vận huyện Điện Bàn. Năm 1973, anh được điều về phụ trách Đội xe tải gồm 5 chiếc thuộc Ban Giao vận tỉnh Quảng Đà.
Cũng từ đây, Phan Văn Lực gần như đi khắp các cung đường của tỉnh Quảng Đà lúc bấy giờ. Bất kể cung đường nào, dù địch có đánh phá ác liệt đến mấy, nhưng cách mạng cần là Phan Văn Lực và đồng đội lại lên đường. Đã có lần cả đội vận tải bị lọt ổ phục kích khiến nhiều anh em hy sinh, bị địch dồn đuổi quyết xóa bằng được những “mạch máu” nuôi bộ đội của ta. Tuy nhiên, cũng chính chiến trường gian khó này đã hun đúc cho Phan Văn Lực một tinh thần dũng cảm, luôn bình tĩnh, mưu trí để lọt qua vòng vây của quân địch, bảo đảm vận chuyển đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm kịp thời đến các cánh quân của bộ đội trên khắp mặt trận.
Chính trong gian khó ấy, Phan Văn Lực cùng đồng đội đã sáng tạo ra cách ngụy trang khi đang gùi hàng hóa, nếu có máy bay địch thì ngay lập tức nằm thành hàng dài “tạo dáng” như những bờ ruộng để đánh lừa địch. Nhờ vậy, rất nhiều lần anh và đồng đội thoát chết trong gang tấc, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, súng đạn kịp thời cho bộ đội.
Nhờ những thành tích trong công tác, tháng 2-1970, Phan Văn Lực vinh dự được giao nhiệm vụ vận chuyển đá Non Nước ra Hà Nội để xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đến bây giờ tôi còn nhớ giây phút tự hào và xúc động đó khi lãnh đạo gọi lên giao nhiệm vụ vô cùng vinh dự và cũng bảo đảm tuyệt mật này”, ông Lực nhớ lại. Phan Văn Lực bắt tay ngay vào công việc, tổ chức tuyển chọn thanh niên trong vùng vừa có nhân thân và sức khỏe tốt, đặc biệt là bảo đảm công việc luôn tuyệt mật (mọi thành viên không biết là mình vận chuyển gì, ngoại trừ Phan Văn Lực).
Ông Lực kể: “Ròng rã suốt 6 tháng trời, hằng ngày tôi phải đi lại trên trục đường từ làng đá Non Nước qua các vùng Hòa Vang, Gò Nổi, Xuyên Hiệp (Duy Xuyên) và điểm cuối là núi Hòn Tàu để nắm bắt tình hình. Chỉ khi nào tuyệt đối an toàn, chờ đêm xuống mới huy động anh em đi vận chuyển đá. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tất cả những viên đá đã được hoàn thiện theo quy cách 20cm x 25cm x 40cm được gói kỹ trong các bao tải, sau đó mỗi người tùy theo sức khỏe của mình gùi từ 1-2 viên. Ban đầu, các viên đá được vận chuyển từ làng đá Non Nước về đến Gò Nổi, rồi tìm cách giấu kín, sau đó mới vận chuyển tiếp đến Xuyên Hiệp (Duy Xuyên) và điểm cuối cùng là vượt qua núi Hòn Tàu.
Đến đây, có Sư đoàn 559 vận chuyển bằng ô-tô ra Bắc. Suốt 6 tháng trời như vậy, ngay đến vợ con cũng không biết mình làm gì, cứ thỉnh thoảng “biến mất” cả đêm đến rạng sáng mới về đến nhà. Còn anh em trực tiếp gùi đá thì cũng có người trách “vận chuyển gì mà không cho biết”. Mãi đến khi mọi việc hoàn thành, ai cũng vui vẻ xen lẫn tự hào là mình đã góp chút ít công trong việc xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị cha già kính yêu của dân tộc”.
Bà Lê Thị Kim Tiến: Người đội trưởng “hạt tiêu”
Vừa bước qua tuổi 18, Lê Thị Kim Tiến cùng rất nhiều cô gái trong xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam hăng hái đăng ký đi bộ đội, mặc dù đã không ít lần bị từ chối vì “bé quá”. Vậy mà cô gái có thân hình nhỏ nhắn này đã làm nhiều đồng đội bất ngờ về sự gan dạ, dám đương đầu với thách thức. Đặc biệt, với vai trò một y tá, chị Tiến luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân của mình. Năm 1970, chị bị thương và được đưa ra miền Bắc để an dưỡng, đến năm 1972 xin trở về vì “muốn chia lửa cùng đồng đội”. Chị đã được phân công làm Đội trưởng Đội 2, Công trường Thắng Lợi, thuộc Ban Giao vận Quảng Đà.
Từ một y tá được “thăng” thẳng chức đội trưởng, quản lý gần 100 chị em đều ở tuổi 17, 18 làm đường, bắc cầu, phá mìn..., với những dụng cụ lao động hết sức thô sơ là cuốc, xẻng, búa, rìu và thuốc nổ, quả là một thử thách rất lớn với Lê Thị Kim Tiến. Đã vậy, do khó khăn của thời chiến, cả đội được nhận mệnh lệnh là vừa “phá núi mở đường, vừa tăng gia sản xuất để tự túc lương thực”.
Vậy mà, trong suốt những năm tháng ác liệt của chiến tranh, những người phụ nữ nhỏ bé với tuổi đời rất trẻ đó đã có mặt kịp thời khắp các cung đường từ bến Giằng (Thạnh Mỹ, Quảng Nam) rồi dọc xuống dốc Vắt, băng qua đường Thắng Lợi nối sang tuyến đường Đông Trường Sơn tới P’rao kéo xuống dốc Kiền. Rồi sau đó lại mở đường từ ngã ba Thắng Lợi đến khe Hòa để cho bộ đội đánh trận Thượng Đức. Chưa hết, những dấu chân của các cô gái Đội 2 còn in trên tuyến đường từ bến Giằng xuống ngã ba Thạnh Mỹ để thông xe chở lương thực từ miền Bắc vào chiến trường Quảng Đà.
Trong suốt những ngày tháng gian khó đó, người đội trưởng Kim Tiến luôn luôn lăn xả ra đường làm việc với chị em, rồi lại như người mẹ tất bật lo cho bữa cơm của gần trăm con người. Thậm chí nhiều đêm chị thức trắng bên các em nhỏ trong đội để giúp các em vượt qua cơn sốt rét rừng kinh khủng, và cả những tâm sự đầy yêu thương của tuổi con gái mới lớn...
Bất kể ở đâu, lúc nào, cứ có khó khăn thì người ta lại thấy đội trưởng “bé hạt tiêu” Lê Thị Kim Tiến ở phía trước, không ngại khó, ngại khổ. Có những thời điểm địch đánh phá ác liệt cũng là lúc yêu cầu việc mở đường, thông đường phải hoàn thành sớm nhất. Chính lúc khó khăn đó, nhiều sáng kiến mới độc đáo của chị và đồng đội ra đời. Tiêu biểu là phương pháp dùng củi đốt những tảng đá to, sau đó đổ nước vào để chúng xuất hiện những vết nứt, dùng xà ben tách ra.
Nhờ vậy, hầu như tất cả các tuyến đường đều đạt tiến độ cấp trên giao, bảo đảm mạch máu giao thông được thông suốt. Không những phá đá mở đường mà nhiều lúc cần chi viện, Đội 2 cũng sẵn sàng trở thành đơn vị vận chuyển thương binh, thuốc men và đạn dược cho chiến trường. Một điều rất quý ở người đội trưởng mà sau này những đồng đội cũ ngày xưa giờ gặp lại đều có lời cảm ơn, đó là việc chị luôn tranh thủ mọi cơ hội để duy trì những lớp học giữa công trường để cho chị em học văn hóa, xóa mù chữ...
Trong suốt quãng thời gian tham gia Ban Giao vận tỉnh Quảng Đà, rồi làm cán bộ Công đoàn ngành Giao thông-vận tải tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cũng như thành phố Đà Nẵng cho đến lúc nghỉ hưu, ở đâu, lúc nào chị cũng là người cán bộ gương mẫu, nhiệt tình với công việc và chia sẻ mọi khó khăn với đồng nghiệp như những ngày gian khó trong chiến tranh.
Bài và ảnh: THANH VÂN