Chính trị - Xã hội

Kết nối dịch vụ giúp người khuyết tật

07:46, 25/05/2015 (GMT+7)

Thay vì tự tìm hiểu, tự đến để giải quyết công việc, những người khuyết tật được tư vấn để đến đúng nơi cần đến. Đó là hình thức chuyển tuyến, kết nối dịch vụ trợ giúp người khuyết tật đang được triển khai tại Đà Nẵng.

Bé khiếm thị được hỗ trợ học hòa nhập tại một trường mẫu giáo ở  Đà Nẵng.
Bé khiếm thị được hỗ trợ học hòa nhập tại một trường mẫu giáo ở Đà Nẵng.

Nhanh chóng, thuận tiện

Sống trong căn hộ chung cư mới (ở quận Cẩm Lệ), chị Lê Thị Thanh Thúy (55 tuổi) cứ ngỡ như mơ. “Cả đời mình đâu nghĩ có được nơi ở ổn định như thế này”, chị Thúy thổ lộ. Một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi của chị đôi chân, cướp đi tương lai phía trước của cô gái trẻ. Sức khỏe yếu nên chị đành nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước, về nhà làm nghề sơn sửa móng tay, chân. Hai đứa con ra đời là niềm vui và cả nỗi lo của người mẹ trẻ khuyết tật khi phải một mình nuôi con.

Ba mẹ con cứ thế lặng lẽ, vá víu những khó khăn để sống. Năm ngoái, chị Thúy được cán bộ địa phương hỏi thăm tình hình. “Mình bị khuyết tật, đi lại khó khăn và ít biết về chế độ chính sách cũng như việc làm giấy tờ để được hưởng quyền lợi. May nhờ các anh chị ở địa phương giúp đỡ, hướng dẫn và đưa đến tận nơi”, chị Thúy kể. Không chỉ được nhận tiền hỗ trợ hằng tháng, chị Thúy còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, chuyển tuyến, kết nối dịch vụ trợ giúp người khuyết tật là một trong những nội dung trọng tâm của dự án trợ giúp người khuyết tật do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Ba năm nay, dự án đã cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho gần 5.000 người khuyết tật tại Đà Nẵng; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 3.000 cán bộ địa phương và gia đình trẻ khuyết tật. Các cán bộ quản lý ca, giám sát quản lý ca đã được tập huấn đủ và mở hồ sơ quản lý ca cho hơn 1.500 người khuyết tật có nhu cầu.

Hướng đến sự bền vững

Ông Mark Rasmuson, Giám đốc dự án hỗ trợ người khuyết tật, cho biết quản lý ca là khái niệm và cách tiếp cận còn khá mới mẻ ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Các cán bộ quản lý ca có nhiệm vụ thường xuyên thăm hộ gia đình người khuyết tật, theo dõi và hỗ trợ họ ngay khi có nhu cầu như: phẫu thuật chỉnh hình, đưa trẻ khuyết tật đến lớp, kết nối việc làm, sửa nhà…

“Chúng tôi đã phối hợp với Sở Y tế và Bệnh viện Phụ sản-Nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện để triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh, chăm sóc phụ nữ trước khi mang thai và giám sát dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, chương trình giám sát dị tật bẩm sinh thí điểm tại quận Cẩm Lệ đã có thành công bước đầu trong việc chuyển tuyến trẻ được phát hiện dị tật bẩm sinh tại bệnh viện đến cán bộ quản lý ca”, ông Mark Rasmuson nói.

Dù thành phố đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhưng Đà Nẵng còn khoảng gần 6.000 trường hợp người khuyết tật có nhu cầu được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Song, thời gian qua, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng này chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, năm qua, bằng nguồn ngân sách, thành phố đã hợp đồng với 7 trung tâm dạy nghề để dạy nghề miễn phí cho người người khuyết tật. Tuy vậy, sau một thời gian thông báo “chiêu sinh”, chỉ có 4 trường hợp đăng ký học nghề chính quy. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hùng Hiệp cho biết, còn không ít người khuyết tật chưa thiết tha với việc học nghề, dẫn đến tình trạng không mặn mà, có người nay đăng ký học chỗ này, ngày mai lại chuyển chỗ khác...

Trong năm qua, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã tổ chức 2 phiên chợ việc làm hòa nhập cho người khuyết tật với trên 400 lượt người khuyết tật tham dự nhưng chỉ có 17 trường hợp được học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo ông Hiệp, việc trợ giúp người khuyết tật theo cơ chế chuyển tuyến, kết nối dịch vụ là cần thiết để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, học nghề, tìm việc làm... Tuy nhiên, làm sao để có thể nhân rộng và duy trì việc chuyển tuyến, kết nối dịch vụ trợ giúp người khuyết tật sau khi dự án kết thúc là vấn đề cần quan tâm.

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho rằng các cấp, ngành phải có sự phối hợp đồng bộ, tránh chồng chéo, đùn đẩy và các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền thì hoạt động này mới thực sự mang lại hiệu quả.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.