Thời sự và bàn luận

Thông điệp từ một dự án

07:43, 25/05/2015 (GMT+7)

Thái độ dứt khoát của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến Công viên Thanh niên (CVNT) đã nhận được sự đồng tình cao của người dân và dư luận.

Nhưng không chỉ vậy, nó còn đặt ra áp lực cần thiết đối với các nhà đầu tư, kể cả những khu “đất vàng” ở trung tâm thành phố hay hàng loạt dự án ven biển.

Dự án CVTN được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt năm 2004, diện tích gần 35ha, thuộc địa bàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) và phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Thế nhưng, tiếp sau đó, 35ha này nhiều lần bị cắt xén cho các dự án khác, như Trường THCS Nguyễn Khuyến, cấp cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sân tập golf, tái định cư... Đến nay, thực tế, CVTN chỉ còn khoảng 20ha, nhưng cũng chưa triển khai được gì nhiều.

Trong số đất phân bổ cho các dự án khác, có 3,74ha cấp cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng chưa đầu tư gì đáng kể, thậm chí trở nên nhếch nhác và ô nhiễm. Lãnh đạo thành phố cho rằng, nếu không triển khai thì vui lòng trả lại cho thành phố. Như vậy, thái độ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã rất rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng.

Không khó nhận ra rằng, để giải quyết ổn thỏa toàn bộ câu chuyện, còn rất nhiều việc phải làm. Về phía thành phố, thái độ dứt khoát của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cần được các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan tham mưu chuyển thành hành động cụ thể. Về phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hy vọng rằng họ thực sự hiểu được thông điệp của lãnh đạo cũng như đòi hỏi bức bách của thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Nhìn rộng ra, trên địa bàn Đà Nẵng, còn rất nhiều dự án lớn, từng biết đến với những lời hứa hẹn hoành tráng, những khoản đầu tư hàng trăm triệu USD. Tại cuộc họp chỉ đạo quy hoạch, kiến trúc nói trên, lãnh đạo thành phố nêu ra đến 17 dự án chậm triển khai - chỉ riêng ở ven biển, chưa tính đến các dự án “đắp chiếu” từ lâu ngay ở trung tâm thành phố.

Trước đây, trong quá trình điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), khá nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, chính sách đất đai của thành phố chưa thông thoáng. Nhận thức điều này, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết vấn đề đất đai cho doanh nghiệp. Thế nhưng, giờ đây, khi đã có đất trong tay, dường như không phải ai cũng đủ khả năng và tâm huyết để triển khai dự án.

Tất nhiên, trong bối cảnh bất động sản đóng băng, kinh tế rơi vào khủng hoảng, thì các nhà đầu tư cũng chẳng “dễ thở” chút nào. Trong tình huống này, chạm vào đâu cũng khó, nhưng khoanh tay chấp nhận thì còn nguy hiểm hơn nhiều. Bởi lẽ đó, thái độ dứt khoát của của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối với dự án của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói riêng, các nhà đầu tư nói chung, là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, ít ra cũng hy vọng có sự chuyển biến.

Vài năm trước, khi trao đổi về vấn đề đất đai Đà Nẵng, một tác giả viết rằng: Tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố Đà Nẵng chỉ là 1.283,42km2, là một trong 5 địa phương nhỏ nhất nước. Do quỹ đất của Đà Nẵng không quá dồi dào, sự đóng băng hiện nay của thị trường bất động sản, có khi là điều đáng mừng cho giai đoạn phát triển sau này của thành phố, để thế hệ tương lai có điều kiện thực hiện những ý tưởng mà thế hệ hôm nay chưa thể nghĩ ra, chưa đủ điều kiện thực hiện. Không làm được thì giữ đất lại cho tương lai- có vẻ, ý tưởng này cũng không phải quá tồi?

NGUYỄN THỊ ANH

.