Chính trị - Xã hội

Ngư dân quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền

07:34, 18/05/2015 (GMT+7)

Trước lệnh cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển của thành phố Hải Khẩu (Trung Quốc) ở khu vực Biển Đông, ngư dân Đà Nẵng và ngư dân cả nước hết sức bất bình; đồng thời bày tỏ quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ngư dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vừa thông báo “Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của thành phố Hải Khẩu năm 2015”, trong đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ). Trong thời gian trên, Trung Quốc sẽ huy động số lượng lớn tàu hải cảnh, ngư chính, hải giám và các tàu chấp pháp địa phương tăng cường phối hợp tuần tra, nhằm thực thi lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông.

Trước lệnh cấm phi lý này, ngư dân Đà Nẵng và ngư dân cả nước hết sức bất bình. Thuyền trưởng tàu hậu cần lớn nhất miền Trung và tàu vỏ thép Sang Fish 01, anh Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) khẳng định: “Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc là phi lý, ngư dân chúng tôi vẫn kiên quyết đánh bắt ở ngư trường truyền thống theo đúng luật pháp quốc tế”. Theo anh, hiện nay không ít ngư dân vẫn bám trụ, đánh bắt ở những khu vực truyền thống mà Trung Quốc ra lệnh cấm phi lý. “Trung Quốc không có quyền ngăn cấm ngư dân ta đánh bắt ở ngư trường truyền thống của ta, kể cả khu vực đánh bắt chung. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của mình, ngư dân đánh bắt trên biển cần phải liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng Việt Nam nhằm giải quyết kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra”, anh Lê Văn Sang nói.

Trong khi đó, gia đình ngư dân Nguyễn Sương (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có truyền thống đánh bắt tại ngư trường vịnh Bắc Bộ cho biết: “Tàu chúng tôi vẫn ra khu vực vịnh Bắc Bộ để đánh bắt hải sản, kết hợp bảo vệ chủ quyền. Lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị đối với ngư dân Việt Nam khi chúng ta đánh bắt trên ngư trường thuộc chủ quyền của chúng ta”. Cùng với ngư dân Đà Nẵng, nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam (hiện neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang) cũng bất bình. “Mùa này ở vịnh Bắc Bộ cá nhiều nên chúng tôi vẫn tiếp tục đến khu vực này để khai thác. Chúng tôi sẽ đoàn kết lẫn nhau trên biển và không hề sợ, dù Trung Quốc có hăm dọa, xua đuổi”, một thuyền viên của tàu Quảng Ngãi bày tỏ bức xúc.

Ông Trần Văn Lĩnh, Quyền Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị gì trên vùng biển khai thác của Việt Nam, vì vậy ngư dân mình cứ tự tin mà khai thác. “Đây là vụ làm ăn chính nên ngư dân cứ coi cái lệnh này là bình thường, không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, ngư dân ra khơi phải đánh bắt theo tổ, đội, đoàn kết lẫn nhau, đồng thời tránh xa tàu chấp pháp của họ”, ông Trần Văn Lĩnh nói.

Hai ngày qua, ngư dân Đà Nẵng và miền Trung neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang vẫn khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho tàu ra khơi đánh bắt tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ, thể hiện quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường.

Phản đối lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông, ngày 16-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”. (B.T)

NGỌC PHÚ

.