Chính trị - Xã hội

Cảm ơn bài học làm dàn ý

15:19, 21/06/2015 (GMT+7)

Thấy tôi dò dẫm với trang dàn ý dài nhằng, chi chít chữ viết tay trước khi bắt đầu viết một bài báo, bạn đồng nghiệp thắc mắc: “Chi mất công rứa?”. Đúng là thoáng nhìn thấy mất công thiệt, vì viết thì cứ đặt tay lên bàn phím và gõ thôi, tài liệu thu thập hết trơn rồi, việc gì phải ngồi “lên khung, lên dàn” cho bài… chuẩn bị viết.

Tác nghiệp tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh. Ảnh: T.TÌNH
Tác nghiệp tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh. Ảnh: T.TÌNH

Tuy vậy, với tôi, đây là một thói quen không thể thiếu. Bất kỳ bài viết nào, một kỳ hoặc dài kỳ, nhiều chữ hoặc ít chữ, thậm chí là tin 400 chữ, tôi cũng làm dàn ý. Phóng sự hay phản ánh, ký sự hoặc bàn luận, ngay cả viết bài kiểu tản mạn cũng có dàn ý.

Gần 10 năm theo nghề báo, số lượng bài báo của tôi có thể lên hàng ngàn. Tuy vậy, trước mỗi bài viết, tôi thấy mình vẫn luôn là cô học trò thực hành bài tập sắp xếp các con chữ, như công việc tôi luôn “bị” làm mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi năm hồi trung học phổ thông. Nếu bỏ qua việc làm dàn ý, tôi sẽ còn mất nhiều thời gian để “đi” sao cho đúng mạch và không bỏ sót tư liệu, cũng như khó tránh sự lủng củng trong bài viết thực tế.

Làm dàn ý, với tôi, giống như hình thành bản vẽ thiết kế cho ngôi nhà sắp xây. Bản vẽ càng hoàn thiện, việc xây dựng càng đơn giản là động tác thủ công của người thợ. Ngược lại, bản vẽ thô sơ hoặc không có bản vẽ, từng viên gạch sau đó đặt xuống phải được cân nhắc, tính đoán mới hy vọng ra sản phẩm như ý.

Tôi thường mất trung bình 1 giờ đồng hồ để hoàn thành bài viết chừng 800 chữ. Có bạn khen tôi viết nhanh, vì có khi các bạn mất một buổi hoặc một ngày, nghĩa là gấp 4-5 lần thời gian như vậy cho một bài viết. Hơn ai hết, tôi hiểu mình hoàn toàn không giỏi đến mức có thể hoàn thành bài viết với tốc độ như trên. Để có được 1 giờ đồng hồ đó, tôi đã mất một khoảng thời gian tương đương hoặc nhiều hơn nung nấu và hình thành nên dàn ý chi tiết. Có khi tôi mất cả một ngày cặm cụi từ sáng đến chiều tối chỉ để làm một công việc duy nhất là lên dàn ý cho loạt bài dài kỳ.

Để làm một dàn ý, ở đây tôi muốn nói đến dàn ý chi tiết, tôi thường mất từ 5 phút đến một ngày, tùy vào độ khó của tư liệu. Tôi luôn luôn làm dàn ý bằng bút và giấy nháp, chứ không viết trên máy tính. Bởi vừa viết, tôi vừa “vẽ vời” giống như sơ đồ cho hệ thống. Đầu tiên, tôi đọc lại toàn bộ thông tin, tư liệu mình đã thu nhận thông qua phỏng vấn, văn bản, và các nguồn khác liên quan. Bước tiếp theo, tôi hệ thống trong đầu như một cách hình dung tổng thể tư liệu.

Bước thứ ba, tôi lên dàn ý vào giấy nháp với khung dự kiến như bài viết thật, gồm tít chính, sa-pô, tít xen, các nội dung và box. Trong mỗi phần, tôi bố trí cái mình cần viết, cần đưa vào, số liệu nào để đâu, nhân vật trả lời “đứng” ở đâu, tập trung vào mục đích gì đều được sắp xếp cụ thể. Giống như tôi thu hoạch đủ thứ loại đậu trong một rổ. Để dễ chế biến, tôi phân ra từng loại cho vào sọt riêng. Bước bốn, tôi điều chỉnh dàn ý để tránh sự lặp lại hoặc bỏ sót thông tin. Bước cuối cùng là… cất toàn bộ tư liệu vào tủ, chỉ còn tờ dàn ý bên chiếc máy tính và nhìn vào đó rồi viết.

Từng này bước có vẻ rườm rà, nhưng nếu đã quen thì mọi thứ cứ thế lần lượt thực hiện nhanh gọn. Hơn nữa, tôi thấy làm dàn ý thật cần thiết nếu muốn hoàn thành bài nhanh và suôn sẻ. Dàn ý chi tiết mãi là người bạn dẫn lối cho tôi trên con đường làm nghề viết báo.

Để có được thói quen này, tôi thật sự biết ơn những bài học làm dàn ý của cô giáo. Ba năm phổ thông, không trừ lễ, Tết, hè, v.v…, quanh năm suốt tháng, chúng tôi gần như vui, buồn cùng với… dàn ý đại cương, dàn ý chi tiết. Ở một số trường khác, tôi thấy các bạn đồng lứa chỉ cần làm bài văn tốt là được điểm cao. Nhưng với chúng tôi, đi kèm bài làm văn luôn luôn là bài làm dàn ý. Ra đề bài phân tích, bình luận, chứng minh vấn đề nào đó, bao giờ cô giáo cũng có yêu cầu làm dàn ý đại cương và chi tiết nộp kèm bài tập làm văn. Không những vậy, nhiều bài tập về nhà hoặc bài kiểm tra trên lớp, đề tài cho chúng tôi cũng “đơn giản” là: “Em hãy làm dàn ý cho nội dung sau…”. Vậy là chỉ còn cách lăn ra làm dàn ý để trả bài.

Giờ trả bài tập làm dàn ý, cô chữa lỗi từng li từng tí và nhiều lúc buộc học trò… làm lại. Tưởng đơn giản nhưng thật khó ăn điểm. Tôi nhớ có lần mình làm dàn ý rất “cầu kỳ”, vậy mà điểm vẫn thấp hơn nhiều so với bạn làm dàn ý “ít ý”. Thì ra, ăn điểm hay không là ở sự rõ ràng, logic, hiệu quả trong công dụng “chỉ đường, dẫn lối” cho bài viết.

Có nhiều cách hay để hoàn thành một bài báo. Nhiều nhà báo không cần làm dàn ý, họ vẫn viết nên những tác phẩm hay, có giá trị báo chí rất cao. Do đó, tôi không cho rằng làm dàn ý chi tiết là cách hay nhất. Nhưng với riêng tôi, đó là cách hiệu quả nhất để tôi viết bài mà không “lơ mơ” đường đi, nước bước.

THU HOA

.