Chính trị - Xã hội

Mùa xuân thứ hai

15:18, 21/06/2015 (GMT+7)

Họ là một phó giám đốc công ty mang theo án oan đằng đẵng suốt 25 năm, hay là người lao động nghèo với mong mỏi được xây nhà trên chính mảnh đất của mình… Suốt 10, 20 năm, những ước mong ấy vẫn chưa thành hiện thực. Thế nhưng, sau khi những bài báo ra đời, người được minh oan, người được an cư trong ngôi nhà mới. Với họ, đó là mùa xuân thứ hai của cuộc đời.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh và vợ còn lưu giữ tờ Báo Đà Nẵng có đăng bài viết giúp ông giải oan 10 năm về trước.
Ông Phạm Ngọc Quỳnh và vợ còn lưu giữ tờ Báo Đà Nẵng có đăng bài viết giúp ông giải oan 10 năm về trước.

Gặp lại người mang án oan 25 năm

Vẫn cái ngõ ấy, con đường ấy nhưng nếu 10 năm trước, nhà ông Phạm Ngọc Quỳnh (số 71, Quang Trung) chỉ là ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp thì nay là ngôi nhà khang trang. Bước vào nhà, chúng tôi gặp một người đàn ông đã lớn tuổi đang ngồi trên chiếc ghế có bánh lăn.

Khi biết chúng tôi đến từ Báo Đà Nẵng, khuôn mặt nhăn nheo của ông chợt bừng sáng, giọng ông vui hẳn lên. Rồi ông hỏi han đủ thứ chuyện như thể chúng tôi là người thân đi xa lâu ngày trở về. Chứng kiến cuộc gặp gỡ bất ngờ và xúc động, Bà Lan - vợ ông giấu đi nụ cười hạnh phúc. “Ông ấy mà gặp ai ở Báo Đà Nẵng thì mừng lắm. Báo Đà Nẵng là ân nhân của ông ấy mà. Chính Báo Đà Nẵng 10 năm trước là một trong những tờ báo lên tiếng để chồng tui được giải nỗi oan suốt 25 năm, từ đó lấy lại được niềm tin, ngẩng mặt mà sống thanh thản đến lúc này”, bà Lan thổ lộ.

Dù có lúc bị mất trí nhớ do cắn lưỡi tự vẫn, có lúc mang trong mình trọng bệnh và sức khỏe yếu đi nhiều nhưng ông Quỳnh vẫn nhớ như in những chuyện đau buồn. Năm 1978, ông là Phó Giám đốc Công ty Thi công cơ giới tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và 4 đồng nghiệp bị gán tội làm trái nguyên tắc, chế độ chính sách gây thiệt hại tài sản XHCN và tham ô, bị Tòa tuyên án và bị khai trừ khỏi Đảng. Dù sau đó bản án của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy án điều tra lại nhưng án vẫn bị treo.

Quá uất ức, Giám đốc Lê Văn Phong nhảy lầu, Kế toán trưởng Đặng Văn Tranh thắt cổ và ông Phạm Ngọc Quỳnh cắn lưỡi tự vẫn. Được cứu sống kịp thời, dù sức khỏe giảm sút và nhất là niềm tin bị lung lay, ông Quỳnh vẫn ôm đơn đi khắp nơi trong hành trình hơn 1/4 thế kỷ chỉ để giải nỗi oan phản bội Đảng, phản bội nhân dân. Và con đường tìm đến công lý, chân lý của ông không hề dễ dàng bởi những chứng cứ chống lại ông và bởi cái bảo thủ, sai trái không dễ dàng tự thừa nhận, thay đổi.

Ông đã tìm đến Báo Đà Nẵng và một số tờ báo khác. Bài viết “Lại thêm một vụ án bị treo 25 năm” đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 3-6-2005 của tác giả Nguyễn Thành cùng một số tờ báo khác ngày đó tạo nên luồng dư luận mạnh mẽ đòi sự đổi thay. Sự kiên trì của báo chí, cộng với sự vào cuộc của các cơ quan dân cử, mà nhất là tinh thần trách nhiệm với dân của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cuối cùng, nỗi oan khuất, đắng cay kéo dài hơn 1/4 thế kỷ của 5 người liên quan trong vụ án, trong đó có ông Quỳnh - đã được giải.

Cơ quan chức năng công khai xin lỗi, bồi thường danh dự cho cả 5 người trong vụ án theo tinh thần Nghị quyết 388 của Thường vụ Quốc hội. Với ông Quỳnh, còn có một niềm vui lớn hơn nỗi oan được giải ấy, chính là ông được khôi phục Đảng, được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ năm 2007 - sau đúng 28 năm bị khai trừ Đảng. Những giọt nước mắt tủi hờn chất chứa như minh chứng cho lòng trung thành tuyệt đối của người đảng viên già.

Ông bảo, đó là những điều hạnh phúc nhất mà ông nhận được trong cuộc đời mình. Với số tiền 100 triệu đồng được bồi thường - dẫu chẳng thấm vào đâu so với những mất mát, khổ đau mà ông và gia đình phải gánh chịu, gia đình ông sửa lại ngôi nhà dột nát, vợ chồng già mở quán cà-phê nho nhỏ, mua sách vở, xe đạp cho cháu đi học. Bây giờ, trong căn nhà nhỏ của ông bà luôn đầy ắp tiếng cười.

Những người con của ông đều đã trưởng thành, có sự nghiệp ổn định và không còn phải sợ miệng đời dị nghị nữa. 6 đứa cháu xinh xắn, đáng yêu luôn ríu rít bên cạnh ông bà chơi đùa, nghịch ngợm. Cứ chiều chiều, bà lại đẩy ông ra dạo bờ sông Hàn để ngắm cảnh thành phố lúc hoàng hôn. Những câu chuyện về quá khứ dường như đã được ông cất kỹ tận đáy lòng, như cách ông trân trọng, chỉn chu cất giữ những tờ Báo Đà Nẵng giấy đã ố vàng như những báu vật. Đó là những bài báo làm thay đổi cuộc đời ông.

Ngôi nhà hạnh phúc

Đó là căn nhà được xây lên bằng những tấm lòng: nhà ông Huỳnh Can (52 tuổi, ở phường An Khê, quận Thanh Khê). Đến bây giờ, đã hơn nửa năm sống trong căn nhà mới, nhiều lúc ông Can vẫn cứ ngỡ như mơ. “Đêm nằm bấm mạnh vào tay xem thử mình đang ngủ hay thức để biết mình không phải mơ. Có được chỗ ở ổn định, khang trang thế này đối với vợ chồng tui là niềm hạnh phúc quá lớn”, ông Can nói.

10 năm, quãng thời gian chưa phải là dài so với một đời người nhưng đủ để bào mòn những mong ước, dù chỉ là giản đơn. Mong ước của ông Can là được tách thửa lô đất mà chị gái cho để xây một căn nhà nho nhỏ có nhiều phòng hơn, tiện cho việc sinh hoạt hằng ngày, cũng như có chỗ để thờ bố mẹ và người anh. Bố, mẹ và anh trai của ông Can đều là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, bà nội và mẹ của ông đều được truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngôi nhà ông đang ở trên mảnh đất của chị khi đó đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Nhà” thực chất chỉ là hai căn phòng tạm bợ với diện tích 24m2 được xây từ năm 1997 bằng vật liệu tôn cũ và cành bạch đàn đã xuống cấp trầm trọng, tôn thủng nhiều chỗ, phải che nilon. Bốn con người nằm chung một chiếc giường 1,4m và sinh hoạt trong căn phòng quá chật hẹp, cũ nát. Có đến, có thấy mới hiểu cái ước mong của ông giản dị nhưng tha thiết, khắc khoải chừng nào. Đó là có một căn nhà đúng nghĩa là “nhà” được xây dựng trên chính mảnh đất mang tên mình.

Thế nhưng, sau nhiều năm kiến nghị, “gõ cửa” các cơ quan chức năng, ông Can vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu vì quy định chiều ngang (mặt tiền) lô đất này chưa đủ 4m (chỉ 3,53m). Vậy là đằng đẵng suốt nhiều năm ước mong của một gia đình liệt sĩ vẫn chưa được thực hiện. “Nhiều lúc tôi nghĩ thôi đành chấp nhận sửa lại ở tạm như vậy. Vợ chồng tui thì sao cũng được nhưng nhìn mấy đứa nhỏ mà thấy xót xa. Tụi nó lúc nào cũng tự ty…”, ông Can thổ lộ.

Sau đó, Báo Đà Nẵng có bài “Mong ước của một gia đình liệt sĩ” của tác giả Phương Trà đăng ngày 8-8-2013. Buổi sáng báo phát hành, thì ngay buổi chiều, Phó Bí thư thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ (nay là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố) đã đến thăm gia đình ông Can, đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phải tạo điều kiện để tách thửa lô đất cho gia đình ông Can trong ngày 9-8-2013 để ông có thể làm nhà sớm. Chia sẻ, động viên với những khó khăn của gia đình ông Can, đồng chí Trần Thọ đồng ý hỗ trợ ngay cho ông Can 10 triệu đồng để làm nhà.

Sau khi đọc bài báo, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa) cũng đến thăm, hỗ trợ 10 triệu đồng và 10 tấn xi-măng cho gia đình ông Can, nâng tổng kinh phí hỗ trợ xây nhà lên gần 100 triệu đồng. Và ngôi nhà mơ ước, ngôi nhà hạnh phúc của ông đã thành hiện thực.

Bây giờ, dù cuộc sống còn chưa hết khó khăn, dù căn bệnh của vợ ông vẫn chưa thuyên giảm nhưng ông bảo đã tự hài lòng với mình. “Đừng viết nhiều về tôi nữa, cuộc sống của tôi vậy cũng hạnh phúc rồi. Còn nhiều người khó khăn hơn”, ông Can nói. Ông cũng vừa làm thêm một mái che trước hiên nhà để ngôi nhà thêm mát mẻ. Thằng bé con ông đưa bạn về chơi, tự hào khoe: “Vào nhà tớ đi. Nhà tớ nè, mát lắm”. Ngoài sân, nắng vàng đang rực rỡ.

PHƯƠNG TRÀ

.