Trao đổi với Báo Đà Nẵng nhân sự kiện Đà Nẵng sẽ tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng, ông Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, Phó ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo theo quy trình truyền thống hay thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo, hình thức nào cũng có mặt tích cực, mặt chưa tích cực.
Ứng viên thi tuyển chức danh phó phòng chuyên môn thuộc UBND quận Liên Chiểu trình bày đề án. Ảnh: SƠN TRUNG |
Nếu chọn hình thức thi tuyển lãnh đạo phải làm thật khách quan, công khai, công bằng với cái tâm đầy thiện chí, thực sự cầu hiền tài. Khi đó sẽ chọn được người có đức, có tài.
* Ngày 25-6 tới, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng. Chưa đến ngày thi tuyển nhưng có dư luận dự đoán người này, người kia sẽ trúng tuyển chức danh này. Theo ông, làm thế nào để việc thi tuyển chức danh lãnh đạo không sa vào hình thức?
- Vấn đề thi cử nói chung có lúc, có nơi, có lĩnh vực còn mang tính hình thức, kể cả thi tuyển chức danh lãnh đạo cũng vậy. Nếu không công tâm, khách quan, công khai, công bằng, thi tuyển cũng sa vào bệnh hình thức. Đối với thi tuyển chức danh lãnh đạo, nếu thực tâm cầu hiền tài, tổ chức thi tuyển theo đúng tinh thần công tâm, khách quan, công khai, công bằng thì sẽ chọn được người có đức, có tài cho đơn vị, tổ chức của mình.
Kết quả thi tuyển lãnh đạo sẽ được dư luận thừa nhận, đồng tình và ủng hộ. Cá nhân tôi rất ủng hộ thành phố tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng. Vấn đề dư luận quan tâm là đã thi tuyển thì phải đáp ứng các yêu cầu công khai, khách quan, công tâm, công bằng để chọn được Giám đốc Sở Xây dựng có đức, có tài.
* Thưa ông, như vậy, các thành viên Hội đồng thi tuyển có vai trò quyết định đến tính công tâm, khách quan, công khai, công bằng của cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo?
- Có thể thấy được giám khảo công tâm, khách quan, công bằng hay không qua cách họ đặt câu hỏi khi chất vấn trong phần trình bày đề án của ứng viên. Cách hỏi để đánh giá được năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý vấn đề của mỗi ứng viên khác với cách hỏi để dẫn dắt cho ứng viên trả lời. Hỏi mà biết trước nội dung ứng viên sẽ trả lời. Nếu thi tuyển mà mang tính hình thức thì không nên tổ chức làm gì cho tốn kém.
Khi còn đương chức, tôi và các thành viên Ban Giám đốc Sở Nội vụ đã tổ chức một số cuộc thi tuyển lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở. Chúng tôi mời tất cả cán bộ, công chức của Sở tham dự để nghe chất vấn và trả lời chất vấn trong cuộc thi.
Nếu vị giám khảo nào có ý chấm gắt người này, nới cho người kia khi đặt câu hỏi và cho điểm thì mọi người đều biết. Khi công khai như vậy, không có vị giám khảo nào dám vì ưu ái cho ai mà cho điểm lệch tiêu chí. Chấm điểm như vậy thì giám khảo mất uy tín. Vì vậy, thi tuyển lãnh đạo công khai cũng gây áp lực cho giám khảo khi phải thể hiện tư duy sắc sảo, công tâm, khách quan, công bằng trong phần đặt câu hỏi chất vấn đề án của ứng viên.
* Đây là lần đầu thành phố sẽ tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc sở là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Theo ông, người làm Giám đốc Sở Xây dựng phải có tầm như thế nào?
- Giám đốc sở là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho thành phố về lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình. Giải quyết sự vụ, công việc cụ thể là nhiệm vụ đương nhiên phải làm. Là giám đốc sở mà chỉ biết nói theo lãnh đạo, làm theo chỉ đạo của lãnh đạo thì chưa thể gọi là người tài. Nếu là giám khảo, tôi cho 0 điểm ứng viên nào chỉ biết nói theo, làm theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Trước yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố hiện nay, giám đốc sở phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy vượt trước, thể hiện trong vai trò tham mưu cho lãnh đạo thành phố về lĩnh vực đơn vị mình quản lý. Tầm nhìn chiến lược đó phải được thể hiện trong đề án thi tuyển và bảo vệ nó một cách thuyết phục trước Hội đồng giám khảo.
* Xin cảm ơn ông.
SƠN TRUNG thực hiện