Chính trị - Xã hội
Cầu thị lắng nghe
UBND thành phố Đà Nẵng rất cầu thị lắng nghe, tích cực hợp tác và tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện xây dựng chính quyền của nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố góp ý dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ thành phố khóa XX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI. Ảnh: SƠN TRUNG |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng nhận định về việc UBND thành phố vừa ban hành quy định về trách nhiệm của UBND thành phố trong việc cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.
* Ông có ý kiến gì về việc UBND thành phố ban hành Quyết định 3056/QĐ-UBND về quy định trách nhiệm của UBND thành phố trong việc cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền?
- Trước hết, phải khẳng định giám sát, phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một chức năng của Mặt trận đã được hiến định tại Điều 9 của Hiến pháp và quy định tại Luật MTTQ Việt Nam, cũng như tại nhiều bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tất nhiên để giám sát, phản biện, góp ý xây dựng chính quyền hiệu quả, Mặt trận không chỉ chủ động thu thập thông tin mà còn được chính quyền cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Trong quy chế phối hợp giữa 4 cơ quan: Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng, HĐND thành phố, UBND thành phố cũng có quy định về việc cung cấp, trao đổi thông tin.
Ngày 27-5-2015, UBND thành phố ban hành quy định trách nhiệm của UBND thành phố trong việc cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.
Đây là quyết định thể hiện UBND thành phố rất cầu thị lắng nghe, tích cực hợp tác và tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện xây dựng chính quyền của nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên.
* Vì sao đề án quy hoạch “Cầu đi bộ qua sông Hàn” được giao cho Mặt trận phản biện (tháng 4-2014) nhưng đến cuối năm 2014 lại có tin UBND thành phố thống nhất quy hoạch xây dựng “Ngọn hải đăng trên sông Hàn”? Đề án quy hoạch lúc đó không được Mặt trận phản biện, nhưng dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình. Sau đó, chủ trương này phải dừng. Thưa ông, phải chăng với Quyết định 3056/QĐ-UBND sẽ không xảy ra những việc tương tự?
- Trường hợp công trình xây dựng “Ngọn hải đăng trên sông Hàn” mới thông qua đề án quy hoạch. Mặt trận thành phố chưa phản biện vì chưa được giao nhiệm vụ phản biện. Nhưng với trách nhiệm đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, lúc đó, Mặt trận thành phố đã lắng nghe dư luận phản biện trên báo chí, lắng nghe ý kiến của thành viên các Hội đồng tư vấn của Mặt trận và có ý kiến rất sớm với lãnh đạo thành phố. Việc phản ánh kịp thời ý kiến của người dân cũng thể hiện quan điểm của Mặt trận đối với đề án quy hoạch này.
Việc này khác với đề án quy hoạch “Cầu đi bộ qua sông Hàn” đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao cho Mặt trận tổ chức phản biện. Thành phố đã có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và nhà chuyên môn đối với quy hoạch tổng thể ven sông Hàn. Điều đó có nghĩa Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ được giao để thực hiện chức năng phản biện của mình đối với công trình cụ thể trong đồ án quy hoạch này.
* Phạm vi và đối tượng của Quyết định 3056/QĐ-UBND gồm Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Như vậy, đối tượng được cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến đã đủ chưa, thưa ông?
- Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội (Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, Hội LHPN, Hội Nông dân) thì mới có 6 tổ chức. Trong khi đó, thành viên của Mặt trận thành phố gồm 35 tổ chức thành viên. Hiến pháp quy định MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tất cả các tổ chức thành viên Mặt trận đều có quyền và nghĩa vụ như nhau khi tham gia góp ý xây dựng chính quyền.
* Tại Điều 4 của Quyết định 3056/QĐ-UBND của UBND thành phố có quy định nguyên tắc “tiếp thu ý kiến một cách cầu thị, chân thành, không thành kiến và gây khó khăn, áp lực đối với tổ chức, cá nhân góp ý”. Những nội dung này có nên quy định thành nguyên tắc?
- Quy định tại quyết định này đã cụ thể rất rõ ràng về nội dung, hình thức công khai, cung cấp thông tin, tiếp thu góp ý, thời hạn trả lời, cung cấp thông tin bằng văn bản, thông báo kết quả tiếp thu bằng văn bản. Nếu thực hiện nghiêm túc như quy định này đã là rất tốt, rất cầu thị. Việc quy định nguyên tắc “tiếp thu ý kiến một cách cầu thị, chân thành, không thành kiến và gây khó khăn, áp lực đối với tổ chức, cá nhân góp ý” nên quy định thành tinh thần, thái độ tiếp thu thì đúng hơn.
* Cảm ơn ông.
Mỗi năm, Chủ tịch UBND thành phố đối thoại với nhân dân 1 lần Quyết định 3056/QĐ-UBND quy định hình thức cung cấp thông tin bằng văn bản báo cáo, đối thoại trực tiếp, niêm yết tại trụ sở hoặc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố danang.gov.vn. Quy định tiếp thu ý kiến góp ý với 3 hình thức: định kỳ, thường xuyên, đột xuất thông qua MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND thành phố với nhân dân mỗi năm 1 lần; thông qua hòm thư góp ý xây dựng chính quyền và cách hình thức khác. |
SƠN TRUNG thực hiện