Chính trị - Xã hội

GIÁM SÁT QUY HOẠCH, GIẢI TỎA, ĐỀN BÙ, THU HỒI ĐẤT VÀ BỐ TRÍ TÁI ĐỊNH CƯ

Bảo đảm tính công khai, minh bạch

13:55, 18/06/2015 (GMT+7)

Theo Luật MTTQ Việt Nam, Luật Thanh tra và những văn bản pháp luật có liên quan quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận và Ban Thanh tra nhân dân (TTND), trong đó quyền giám sát việc thực hiện pháp luật về thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường và bố trí tái định cư (TĐC) rất quan trọng, bảo đảm tính công khai, minh bạch nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Lĩnh vực thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường và bố trí TĐC là một trong những lĩnh vực thiếu công khai, minh bạch và gây bức xúc nhất trong nhân dân. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên (Điều 8 và 86), công dân tự mình, thông qua Ban TTND hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng; Ban TTND xã, phường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (Điều 88).

Đồng thời, luật cũng quy định khá đầy đủ việc công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng như: Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân, sau khi được phê duyệt phải công khai, minh bạch để nhân dân giám sát; việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi thu hồi đất sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở; các khoản thu tài chính cho ngân sách Nhà nước từ việc quản lý, sử dụng đất và các khoản miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất (Điều 14 và 21).

Như vậy, quyền giám sát và nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và Ban TTND trong lĩnh vực thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, bố trí TĐC đã được pháp luật quy định. Do đó, MTTQ Việt Nam từ thành phố đến phường, xã và Ban TTND cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và có phương thức giám sát phù hợp để hạn chế quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, mất dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Sau đây là phương thức thực hiện quyền giám sát của Ban TTND phường, xã:

Bước một, làm bản kiến nghị “yêu cầu thông báo tất cả những công trình, dự án hiện có trên địa bàn phường, xã” cho Ban TTND biết để thực hiện chức năng giám sát theo quy định. Bản kiến nghị phải gửi trực tiếp đến Chủ tịch UBND phường, xã; đồng thời, báo cáo với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã.

Bước 2, sau khi nhận được văn bản trả lời của Chủ tịch UBND phường, xã cho biết tổng số các công trình, dự án hiện có trên địa bàn, Ban TTND làm bản kiến nghị yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu theo quy định và gửi đến từng công trình, dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn phường, xã.

Bước 3, phân loại các công trình, dự án theo từng nhóm; lập kế hoạch giám sát theo từng nhóm công trình, dự án; phân công thành viên Ban TTND theo dõi thực hiện chức năng giám sát; gửi báo cáo kế hoạch giám sát đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đảng ủy phường, xã; thông báo kế hoạch giám sát và thành viên Ban TTND thực hiện giám sát đến UBND phường, xã biết hỗ trợ, phối hợp tổ chức thực hiện; gửi kế hoạch giám sát và phân công thành viên thực hiện nhiệm vụ đến các chủ công trình, dự án biết phối hợp, tổ chức thực hiện.

Bước 4, gửi văn bản đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với UBND phường, xã triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể, thôn, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, phổ biến rộng rãi và động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện quyền giám sát của mình thông qua tổ chức và hoạt động của Ban TTND.

THÀNH NHÂN NGHĨA

.