Chính trị - Xã hội
Giữ nguyên thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện
* Đa số ý kiến tán thành chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành
Chiều 4-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Thống kê (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Về Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát trong tố tụng hành chính tại Điều 27. Theo ĐB, sự có mặt của Viện Kiểm sát trong tố tụng hành chính sẽ giúp cho đương sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời giúp Tòa án giải quyết vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật.
Về phân định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện (Điều 33, Điều 34), ĐB đề nghị sửa đổi luật phải quán triệt Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án. Do đó, nếu quy định như dự thảo, rút thẩm quyền xét xử án hành chính từ cấp huyện lên cấp tỉnh thì đang đi ngược lại quan điểm về cải cách tư pháp vì thu hẹp thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.
ĐB cho rằng, chúng ta đang quyết tâm xây dựng ngành Tòa án ngày càng lớn mạnh, nâng cao chất lượng xét xử của đội ngũ thẩm phán thì việc giao cho Tòa án cấp huyện giải quyết các khiếu kiện hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện là hoàn toàn hợp lý; tạo điều kiện để đội ngũ thẩm phán phát huy hết năng lực, tài năng, đạo đức của mình để bảo vệ công lý. Nếu giao Tòa án cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì sẽ dẫn đến án xét xử phúc thẩm dồn lên trên rất nhiều. Do đó, ĐB đề nghị cân nhắc thận trọng quy định này.
Về cơ chế ủy quyền (Điều 60), ĐB cho rằng thời gian qua thực hiện rất tùy tiện. Khi người dân khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thì xảy ra tình trạng Chủ tịch UBND các cấp không trực tiếp tham gia tố tụng theo quy định mà ủy quyền cho giám đốc, phó giám đốc sở; trưởng, phó phòng. Trong khi đó, những người này không có đủ thẩm quyền để trả lời và quyết định những vấn đề cụ thể trong vụ án. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định ngay trong luật theo hướng, người ký các quyết định hành chính phải trực tiếp tham gia tố tụng tại Tòa án.
Có như vậy mới khắc phục được tình trạng ủy quyền tùy tiện như hiện nay, gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án; đồng thời sẽ làm cho người ra quyết định hành chính phải cân nhắc thật kỹ trước khi ký các quyết định hành chính.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ những người tham gia tranh tụng trong vụ án hành chính. ĐB đề nghị cần bổ sung vào Điều 19 quy định những người tham gia tranh tụng có quyền được hỏi lẫn nhau thì mới bảo đảm bình đẳng; đồng thời cần quy định rõ Hội đồng xét xử có quyền gì trong tranh tụng. Về thẩm quyền của Tòa án, ĐB thống nhất phương án thứ nhất, không nên đưa các quyết định nội bộ của cơ quan, đơn vị ra Tòa án xét xử, trừ quyết định buộc thôi việc.
Về Luật Thống kê (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) thống nhất giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thống kê (Điều 7), phù hợp với chủ trương từ nay đến năm 2016 giữ ổn định cơ cấu Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan cho công tác thống kê, luật cần phải bảo đảm tính độc lập của cơ quan này.
ĐB đề nghị bổ sung vào luật quy định về thống kê ngoài hệ thống thông tin thống kê Nhà nước. Như vậy vừa bảo đảm chặt chẽ quy định của pháp luật, vừa động viên các tổ chức, doanh nghiệp góp phần vào công tác thống kê, cung cấp thêm thông tin dự báo, hoạch định chính sách của Nhà nước, đồng thời đảm bảo các đơn vị này hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý của Nhà nước.
ĐB đề nghị nên điều chỉnh hoạt động thống kê ngoài Nhà nước theo hướng quy định các nguyên tắc cơ bản, đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện hoạt động thống kê, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động thống kê này.
Về quyền khai thác thông tin thống kê chính thức của các cơ quan Nhà nước, ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng nên mở rộng quyền này ở mọi cấp độ. Đồng thời, cần quy định đầu mối chịu trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê, tránh trường hợp thời gian qua, các nhà nghiên cứu phải trực tiếp liên hệ các bộ phận của cơ quan thống kê địa phương nên rất tốn kém thời gian, chi phí trong việc tiếp cận số liệu thống kê.
* Sáng cùng ngày, tại phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các đại biểu Quốc hội đều tỏ ý tán thành với báo cáo chủ trương đầu tư dự án, cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Các ý kiến đồng tình với việc khẳng định, sân bay Long Thành là một dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư. Đa số các ý kiến đưa ra đều khẳng định, đây là một chủ trương đầu tư đúng đắn, khi đi vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế.
PHẠM HỮU HOA - B.T