Chính trị - Xã hội
Bài 2: Chưa khai thác triệt để
Nếu được khai thác hết tiềm năng, không gian hai bờ sông Hàn sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với đời sống tinh thần người dân và việc xây dựng hình ảnh Đà Nẵng trong mắt du khách trong nước cũng như bè bạn quốc tế.
Du lịch thưởng ngoạn sông Hàn được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng. |
Bờ Đông trầm lắng
Phía bờ đông sông Hàn chủ yếu là các quán ăn, quán giải khát; gần đây có thêm vài điểm tô tượng, xe đạp dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có rất ít người dân đến đi dạo, tập thể dục; nhiều không gian dành cho người đi bộ bị các hàng quán chiếm dụng để xe của khách vào buổi chiều.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết đường Trần Hưng Đạo (bờ Đông sông Hàn) kéo dài khoảng 4,3km. Nhưng đoạn từ khu vực cầu Trần Thị Lý đến gần cầu Rồng bị đứt đoạn bởi Làng châu Âu; đoạn từ cầu Sông Hàn xuống Nại Hiên chưa hoàn thiện, hệ thống lan can cũng chưa có, khá nhiều lô đất còn trống trên tuyến đường này.
Tất cả những lý do trên khiến hoạt động ở bờ Đông sông Hàn khá trầm lắng. Chỉ khu vực cầu Rồng là “sống” và đông đúc vào cuối tuần khi Rồng phun nước, phun lửa. Gần đây, Cầu tàu tình yêu thuộc dự án “Bến du thuyền và CLB thể thao dưới nước DHC-Marina” đang là điểm đến khá hấp dẫn đối với người dân Đà Nẵng cũng như du khách gần xa, nhất là giới trẻ.
“UBND thành phố vừa quyết định chọn đường Trần Hưng Đạo làm tuyến đường văn minh đô thị kiểu mẫu cấp thành phố. Đây là cơ hội để quận Sơn Trà phối hợp với các ban, ngành khác khai thác hiệu quả con đường này, tạo điểm đến cho người dân và du khách”, ông Xứng nói.
Bờ Tây thiếu không gian nghệ thuật
Theo ghi nhận của chúng tôi, được hình thành từ tháng 3-2012, trải qua 3 năm, chương trình “Âm nhạc đường phố” đã khẳng định vị trí trong lòng người dân thành phố. Tại một đêm diễn vào tháng 5 vừa qua, trời bất chợt đổ mưa, nhưng khán giả tìm chỗ ẩn nấp, đợi tạnh mưa lại ngay ngắn ngồi vào vị trí và tiếp tục thưởng thức chương trình.
“Có thể những buổi biểu diễn như thế này không có chất lượng cao như các chương trình ở rạp hát, nhưng mang đến cho mình cảm giác thỏa mái, dễ chịu vì giữa người biểu diễn và người xem dường như không có khoảng cách. Hơn nữa, ngồi giữa không gian lộng gió, một bên là phố phường đông vui, một bên là dòng sông Hàn thơ mộng, lại được xem biểu diễn nhạc thì còn gì bằng. Ngoài ra, “Âm nhạc đường phố” còn đáp ứng nhu cầu giải trí của nhiều người dân không có điều kiện đến rạp”, anh Quang (ở quận Hải Châu) chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài chương trình “Âm nhạc đường phố” do Trung tâm Tổ chức sự kiện thành phố tổ chức định kỳ 2 tuần/lần, tại đường Bạch Đằng, hầu như vắng bóng các loại hình nghệ thuật khác. Nghịch lý ở chỗ, trong khi người dân thành phố rất “khát” những đêm biểu diễn như thế thì loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn loay hoay tìm khán giả.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân làm nghệ thuật truyền thống đều có chung tâm trạng xót xa khi loại hình nghệ thuật này không được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. NSƯT Cao Đình Liên tâm sự, có nhiều biện pháp khá hữu hiệu được đưa ra để cứu nghệ thuật truyền thống như: sân khấu học đường, sân khấu màn ảnh nhỏ, đưa nghệ thuật truyền thống về phục vụ vùng sâu, vùng xa… Nhưng một giải pháp mà người ta quên lãng là đưa xuống phố, bởi đó là không gian tương tác tuyệt vời giữa người biểu diễn và khán giả.
Về điều này, nghệ nhân Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi sông Yên (huyện Hòa Vang), trăn trở: “Tại sao hô hát bài chòi của Hội An lại được thế giới biết đến? Chúng tôi cũng ao ước có một không gian như thế để hát cho bà con mình nghe”.
Không chỉ nghệ thuật truyền thống, nhiều nhóm nhạc trẻ của Đà Nẵng chỉ biết tìm khán giả ở các phòng trà, quán cà-phê. Một số cũng xuống đường phố hát để thỏa đam mê và chia sẻ niềm đam mê với những người yêu nhạc. Nhưng vì hoạt động theo kiểu tự phát nên họ bị “đuổi” hết chỗ này lại chạy sang chỗ kia.
Anh Hồng Nam (thành viên nhóm Du ca) chia sẻ: “Chúng tôi chơi theo kiểu nghệ thuật đường phố, không hướng đến sự ồn ào, náo nhiệt; không sân khấu, không thiết bị âm thanh hay ánh sáng…; mang đến cho người đi đường những giây phút thư giãn. Hy vọng thành phố dành những khoảng không gian nhất định trên hai bờ sông Hàn cho hoạt động này. Thực lực của tuổi trẻ Đà Nẵng có, sao không tạo sân chơi cho họ, định hướng họ những điều tốt đẹp. Hơn nữa, điều tốt đẹp đó sẽ lan tỏa đến mọi người”.
Du lịch đường sông: chưa khai thác hết!
Hiện nay, du lịch thưởng ngoạn sông Hàn được nhiều du khách lựa chọn và nhiều doanh nghiệp cũng tham gia khai thác du lịch đường sông. Đến nay, có gần 30 tàu du lịch phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh hai bên sông Hàn với các thương hiệu như: Hàn Giang, Tiên Sa, Phú Quý, Công Danh, Cầu Rồng Sông Hàn, Hoàng Long Yến…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, chương trình du ngoạn trên sông Hàn không đủ hấp dẫn, đội ngũ phục vụ chưa có tính chuyên nghiệp nên chưa tạo sản phẩm độc đáo và ấn tượng cho du khách.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, cho rằng tàu du lịch trên sông Hàn hiện nay chủ yếu cải hoán từ tàu cá, mỗi tàu một kiểu, không có sự đồng bộ. Đặc biệt, hai bên bờ sông không đủ ánh sáng để du khách có thể cảm nhận hết việc “thưởng ngoạn sông Hàn”.
Để du lịch đường sông tiếp tục phát triển, thành phố cần có tầm nhìn quy hoạch cho 20-30 năm sau; cần đầu tư sản phẩm du lịch hai bên bờ sông, tiêu chuẩn về hạ tầng cầu tàu; cần tạo tổ hợp dịch vụ tại mỗi cầu tàu gồm: mua sắm, giải trí, ăn uống, vệ sinh…; hình thành khu trung tâm du lịch đường sông…
“Tất cả cần có thời gian. Nhưng theo tôi, việc cần làm ngay là trang trí ánh sáng hai bên bờ sông và đầu tư phần thuyết minh. Nhiều hướng dẫn viên chỉ biết làm du khách cười mà không khai thác yếu tố văn hóa - lịch sử. Chỉ cần nói về lịch sử sông Hàn, kể về những chiếc cầu, Thành Điện Hải, Thoại Ngọc Hầu; hay kể về sự đổi thay của thành phố để có được hai bờ sông Hàn đẹp, hiện đại như hôm nay… mới để lại điều gì đó trong lòng du khách. Bởi bản thân du khách khi du ngoạn trên sông không phải để ăn uống hay nhu cầu nào khác ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp và hiểu về vùng đất này”, ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ