Chính trị - Xã hội
Làm báo ở Khu 5
Dấn thân vào nghề cầm bút đã ngót nghét 45 năm trên địa bàn Khu 5, nhà văn - nhà báo Nguyễn Bá Thâm, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng, đã nếm trải biết bao thăng trầm khi tác nghiệp.
Đoàn cán bộ dân chính (văn nghệ sĩ, báo chí, dân y) của Chi 4 trước khi về chiến trường Khu 5. Ông Nguyễn Bá Thâm ngồi thứ 3, hàng đầu, từ phải sang. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông chia sẻ cơ duyên đến với nghề “đánh vật với từng con chữ” của mình. Đó là vào năm 1970, Nguyễn Bá Thâm tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được bổ sung vào đội ngũ viết văn, làm báo cho chiến trường miền Nam.
Tháng 8-1970, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lớp viết văn phục vụ chiến trường. Học viên được tuyển chọn từ những sinh viên của khoa Văn và khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, người viết văn trong quân đội và một số giáo viên đã từng làm báo, viết văn. “Lớp chúng tôi là khóa 4, khóa đặc biệt viết văn phục vụ chiến trường, gồm 73 học viên, trong đó 70 là người Việt Nam và 3 của nước bạn Lào”, nhà văn Nguyễn Bá Thâm cho biết.
Sau 4 tháng học tập, đến tháng 2-1971, lớp được chuyển lên huấn luyện nghiệp vụ quân sự tại Trường 105B (Lương Sơn, Hòa Bình). Sau hơn 2 tháng làm quen với các kỹ thuật vận động trên chiến trường, cách sử dụng một số loại vũ khí bộ binh, những nhà văn, nhà báo tương lai được phân chia thành các đoàn để vào phục vụ chiến trường miền Nam.
Ngày 15-4-1971, đoàn cán bộ viết văn, làm báo của Khu 5 gồm 23 người chính thức lên đường. Đoàn được trang bị 1 khẩu súng AK, 1 khẩu CKC. Ngoài ra, ai hưởng chế độ sơ cấp còn được cấp 1 khẩu súng ngắn K54. Phương tiện tác nghiệp mỗi người chỉ có cuốn sổ tay, cây bút Trường Sơn và lọ mực Hồng Hà hoặc Cửu Long, duy nhất trong đoàn chỉ có một chiếc máy ảnh của đồng chí Đoàn Từ Diễn (sau này làm Tổng Biên tập Báo ảnh Việt Nam).
Sau hơn một tháng hành quân bằng các phương tiện tàu hỏa, ô-tô và đi bộ, ngày 24-5-1971, đoàn về đến huyện H40, tức huyện Đăk Glei (Kon Tum) hiện nay. Bấy giờ, sư đoàn 2 ngụy đang càn lên căn cứ địa Khu 5 đóng tại Trà My (Quảng Nam), do đó Khu ủy phải chạy càn vào H40. “Chúng tôi được người của Tuyên huấn Khu ủy 5 lên đón tại H40”, ông Thâm cho biết thêm.
Khu ủy 5 về lại Trà My (Quảng Nam) được một thời gian, Ban Văn học Quân khu 5 sang xin 3 người là Nguyễn Bảo, Nguyễn Hồng và Vũ Thị Hồng về bên ấy. “Trước đó, anh Nguyễn Trí Huân, về sau là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội đã về Ban Văn học Quân khu 5 theo đường quân đội, vì anh Huân là bộ đội đi học”, nhà văn Nguyễn Bá Thâm nhớ lại. Số cán bộ còn lại được biên chế về báo Cờ Giải phóng, Tiểu ban Văn học, Tiểu ban Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (trong đó có Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ).
Theo yêu cầu nhiệm vụ, phần lớn các nhà văn, nhà báo được phân công xuống các tỉnh Tây Nguyên - Trung Trung Bộ. Chỉ số ít ở lại cùng với cán bộ của Ban Tuyên huấn đi sản xuất. “Bấy giờ, sản xuất để tồn tại. Mỗi năm tôi đi sản xuất được giao chỉ tiêu 1,4 tấn chất bột, muốn trồng sắn hay bắp cũng được. Tuy là sản xuất nhưng cũng gian khổ, đói kém đến mức một người bạn tưởng tôi là người dân tộc, tóc dài quá vai, người gầy tọp nên viết tặng câu thơ: “Bạn tôi người con của rừng/ Ba tháng không có hạt cơm”, ông Thâm bùi ngùi chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm nhớ lại kỷ niệm thời một thời làm báo, viết văn ở chiến trường. |
Tháng 8-1972, Nguyễn Bá Thâm nhận nhiệm vụ xuống đồng bằng nam Quảng Ngãi, bắc Bình Định để thu thập tư liệu, viết bài về cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân nơi đây. Những ngày đầu về xã Phổ Khánh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), Xã đội trưởng đưa ông ra suối nước lạnh để xem du kích đánh chặn địch. Nhờ đó, bài báo đầu tiên của ông ra đời với tên gọi “Một ngày đánh địch lấn chiếm” (Báo Cờ Giải phóng Quảng Ngãi, số tháng 10-1972).
Tuy nhiên, nhiệm vụ của người viết văn, làm báo lúc này ngoài công việc chuyên môn, chủ yếu là tuyên truyền vận động nhân dân về đường lối chính sách của cách mạng. Vì vậy, khi đi với du kích xã Phổ Thạnh, Đại đội Lê Thị Hồng Gấm (Quảng Ngãi)…, không ít lần Nguyễn Bá Thâm trong vai người đi bắt ghẹ, bắt cá để quan sát địch. Thậm chí, ông còn vô khu dồn Thạch Bi (Phổ Thạnh, Đức Phổ) của địch để nói chuyện Bác Hồ, nói chuyện miền Bắc, đọc thơ tình yêu của thanh niên miền Bắc để cho dân nghe như thơ Xuân Diệu, Puskin…
Từ những ngày đi thực tế đó, tác giả Nguyễn Bá Thâm đã cho ra đời một số truyện ký về đề tài chiến tranh cách mạng như: Ngôi nhà của Bác, Muối trắng, Gió chuyển mùa… Trong đó, Muối trắng được ông dồn trí lực, tình cảm dành cho những diêm dân, điển hình là 4 du kích xã Phổ Thạnh hy sinh trong một trận càn để bảo vệ cánh đồng muối khi tất cả đều chưa có gia đình. Vì lúc bấy giờ, muối Sa Huỳnh sản xuất được bao nhiêu đều cõng lên căn cứ. Viết không có bàn ghế, ông kê ba-lô tốc ký.
Nhà báo Nguyễn Bá Thâm nhớ lại: “Tôi đi theo đơn vị giải phóng Tiên Phước cùng với anh Phan Tứ ở Bộ Tư lệnh tiền phương. Anh yêu cầu: “Cậu ngày hôm nay có được cái gì rồi? Ngồi viết đi, ghi chép ra để gửi cho Đài Phát thanh giải phóng”. Song, nhắc đến những kỷ niệm sâu đậm thời làm báo, viết văn ở chiến trường, nhà văn Nguyễn Bá Thâm nhìn nhận: “Tuổi trẻ chúng tôi khi vào miền Nam lòng phơi phới, xem cái chết nhẹ như không. Anh em đi bộ từ Trà My vào Phú Yên, Khánh Hòa hằng tháng trời, trong điều kiện máy bay, pháo bầy, pháo chùm của địch có thể chụp xuống đầu bất cứ lúc nào nhưng không ai tính toán thiệt hơn. Dọc đường, nhìn chị em sốt rét rụng hết tóc vẫn kiên cường bám trụ, tôi nhủ thầm: “Nếu như kết thúc chiến tranh mà mấy cô này còn sống thì phải đưa vào tủ kính để người người chiêm ngưỡng”.
Từ miền Bắc vào, không ai có thể tưởng tượng hết sự gian khổ của vùng căn cứ địa cách mạng Khu 5. Thức ăn hằng ngày chủ yếu là củ môn, ruột dớn. Đêm đói bụng, anh em chống đói bằng cách kể các món ăn ngon của miền Bắc để nuốt nước bọt cho quên đi. Chuối, sắn bị chất độc hóa học, ruột sần lại, cưng cứng, nhơn nhớt nhưng vẫn phải ăn. Điều làm cho chúng tôi sống không sợ hy sinh, quyết vượt mọi khó khăn đó là được nhân dân ủng hộ”. Ông kể rằng, mặc dù dân cũng bị chất độc hóa học, bom, đói như vậy nhưng dọc đường hành quân, chiều nào cũng có bó rau, khúc mía, lá sắn, củ sắn… để tại trạm khách dành cho bộ đội.
Đặc biệt, tháng 1-1973, Nguyễn Bá Thâm đi cùng Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 5, Sư đoàn 711) đánh vào cánh bắc thôn Thành Đức 1, Thành Đức 2 (Phổ Thạnh, Đức Phổ). Tiểu đoàn bị tổn thất, chỉ còn 15 tay súng, phải chui vào ghềnh đá của thôn Thành Đức 1 lánh địch. Bộ đội ở đó 3 ngày, lấy gạo sống và bắt cua đá để ăn. Hang này có hai cửa, một thông lên trên và một ngập trong nước, nhưng rất kín đáo nên địch không thể phát hiện được. Đến đêm thứ 3, tình hình đã yên, bà con mới đưa thuyền thúng cập vào, giấu bộ đội dưới lưới đánh cá rồi chở về cửa Lại Giang (Hoài Nhơn, Bình Định)…
Những kỷ niệm đó đã khiến ông khi viết về đề tài chiến tranh phải luôn trăn trở, có trách nhiệm với từng con chữ của mình. Trao đổi về kinh nghiệm nghề nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Bá Thâm thẳng thắn nói: “Đối với người làm báo, cần trung thực, chính xác, phải kiểm chứng nếu có điều kiện. Ghi chép cẩn thận, những tư liệu làm xong nên đề nghị người cung cấp ký xác nhận. Phải bám thực tế cuộc sống, nếu không có thực tế thì không thể có bài báo hay. Ngoài ra, đối với người viết văn còn cần phải quan sát để nắm bắt thần thái, cử chỉ, hành động, mô tả làm tác phẩm trở nên mềm mại”.
NGUYỄN AN KHÁNH