Chính trị - Xã hội
Hai trái chuối và những giọt mồ hôi đầu tiên
Tôi rất tin vào ý nghĩa của những lần-đầu-tiên. Tôi về Báo Đà Nẵng công tác vào một ngày giữa tháng 4 nắng vàng rực trên các con đường, công việc đầu tiên mà tôi được giao là viết bài về một điểm sáng thiện nguyện ở quận Hải Châu. Món quà đầu tiên trong đời làm phóng viên mà tôi nhận được từ buổi tác nghiệp chắc chẳng mấy ai “đụng hàng”, vì đó là… hai trái chuối.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hôm đến nhà hai vợ chồng già của điểm thiện nguyện ấy, tôi may mắn gặp được cả hai. Những phút đầu dè dặt chóng qua khi người chồng mang ra một đĩa chuối và mời tôi ăn cho bằng được. Lúc đấy là đầu giờ chiều, tôi còn ngang bụng nhưng vẫn lấy một quả rồi vừa ăn, vừa phỏng vấn và ghi chép. Càng chuyện trò, ông bà càng cởi mở, càng chia sẻ nhiều thêm về công việc tình nguyện của mình mà không đợi tôi hỏi.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện vui vẻ đến mức khi tôi gấp sổ lại rồi, ông bà còn nhiệt tình cho tôi xem hình ảnh về những chuyến đi thiện nguyện. Đến lúc ra về, người chồng còn kiên quyết bắt tôi lấy thêm một trái chuối nữa “để đem về cơ quan mà ăn”. Tôi không cách gì khước từ được, đành lấy thêm một trái nữa cho vào ba lô.
Đến tối, tôi đem trái chuối được tặng ra khoe với ba mẹ, bảo rằng đây là món quà đầu tiên trong “nghiệp” làm báo của con. Món quà này khó lòng mà giữ được lâu nhưng tôi nghĩ chắc mình sẽ nhớ hoài trong những năm tháng sau này.
Nhưng những ngày đầu làm báo không phải lúc nào cũng được thuận lợi như vậy. Sau đó vài tuần, tôi được giao đi xác minh một đơn thư khiếu nại một trường THCS trên địa bàn thành phố. Lần này, xác định nhiệm vụ khó khăn hơn lần trước, vì “viết để chê” thì thế nào cũng khó hơn “viết để khen”. Quả vậy, hôm tôi đến gặp ban giám hiệu, tôi tự dặn mình hít sâu, thở đều, nói chậm để kịp suy nghĩ.
Vậy mà cuối cùng chuyện không như là… mơ, tôi đã không có đủ kinh nghiệm để bố trí cách gặp nguồn tin hợp lý (gặp ai trước ai sau), tôi chuẩn bị sẵn câu hỏi nhưng lại không đầy đủ. Cuối cùng, tôi vừa đi vừa về gần hai chục cây số giữa cái nắng mùa hè mà không thu hoạch được gì. Hôm đó là thứ sáu; hai ngày cuối tuần ấy, tôi buồn đến mức cảm giác mình bị tự kỷ. Chuyện diễn ra cách đây chưa lâu nhưng giờ nghĩ lại, tôi vẫn phải phì cười về độ trẻ con của mình - một phóng viên mới vào nghề.
Sau đó, tôi được đi cùng các anh chị phóng viên để học hỏi, hay nói đúng hơn là học nghề. Những bài học rút ra từ các lần ấy tôi đều ghi chép vào một blog nhỏ của mình trên mạng. Có lần tôi được đi theo một phóng viên xác minh một đơn kiến nghị khác. Hôm đó, anh phóng viên ấy phỏng vấn, ghi chép, tôi chỉ ngồi nghe và chụp vài bức ảnh. Buổi nói chuyện kéo dài hơn một giờ đồng hồ, tôi ấn tượng với cách anh nói chuyện lúc cương lúc nhu, lúc thân mật, xuề xòa, lúc rắn như thép. Trong một tiếng đồng hồ anh gặp được đúng người, thu được đúng thông tin. Hôm đó, tôi viết được hẳn một bài dài trong blog nhỏ “nghề nghiệp” của mình.
Tôi không phải là phóng viên được đào tạo bài bản. Tôi bước chân vào nghề hoàn toàn tình cờ. Học được điều gì từ những người đi trước, tôi tẩn mẩn chép lại cho khỏi quên. Còn những bài học tự mình rút ra từ những lần đi lấy tin, đi viết bài, tôi nhớ bằng chính những niềm vui, nỗi buồn (đôi khi cũng nhớ bằng mồ hôi và nước mắt). Đến thời điểm này, tôi mới là “cô phóng viên” trải nghiệm nghề báo được 1,5 tháng, nhưng tôi thấy mình đã khác với “cô sinh viên” lắm rồi. Việc học từ thực tế đã giúp tôi phần nào chững chạc lên, biết suy tính cho công việc.
Tôi nhận ra mình thích công việc này, dù đó không phải là ngành tôi học ở bậc đại học. Nghề làm báo luyện cho tôi tính quan sát, óc tò mò muốn tìm hiểu, kỹ năng lên kế hoạch cho từng lần đi lấy tin. Một người bạn ngoài nghề của tôi từng bảo “nghề báo của em quả là một nghề cross-border (xuyên biên giới)”. Tôi hiểu ý anh muốn nói rằng, để làm nghề này phải có sự hiểu biết nhất định ở nhiều lĩnh vực. Đường còn dài, còn nhiều đoạn chông gai trắc trở…
… Nhưng tôi biết, mình phải có niềm tin!
KHANG NINH