Chính trị - Xã hội
Vượt áp lực cạnh tranh thông tin
Sự ra đời của hàng loạt các loại hình truyền thông trên môi trường Internet đã làm hoạt động của báo chí ngày càng sôi động, nhưng song hành với sự đa dạng đó là áp lực cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt.
Cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, đòi hỏi những người làm báo phải nỗ lực trong quá trình tác nghiệp để chuyển tải tin tức đến người xem một cách chính xác, kịp thời. |
Lọc nhiễu thông tin
Báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội… hòa vào dòng chảy của báo chí Việt Nam và tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ khiến hoạt động báo chí ngày càng sôi động. Tuy nhiên, kèm theo sự đa dạng và phong phú của mạng lưới báo chí với nhiều loại hình khác nhau là sự nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn không nhỏ cho những người làm báo.
Cách đây một năm, từng có tờ báo chính thống đưa tin không chính xác về một sự việc cưỡng chế ở Đà Nẵng, đăng bài viết phản ánh sai lệch bản chất vụ việc. Đáng tiếc, từ bài báo đó, kẻ xấu đã lợi dụng để xuyên tạc, phát tán trên các trang blog cá nhân, trang mạng xã hội những nội dung suy diễn sai lạc, gây bức xúc cho chính quyền và người dân thành phố, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, chính sách nhân văn của Đà Nẵng. Trước sự việc này, người cầm bút “phải có cái tâm, sự chân thành, lòng trung thực” để nói lên sự thật, lọc nhiễu loạn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, khai thác những nguồn tin đáng tin cậy nhất để đưa đến bạn đọc bài viết sát, đúng với tính chất và diễn biến sự việc.
Có thể thấy, báo chí, nhất là báo mạng, đang đứng trước một thách thức rất lớn khi phải cạnh tranh thông tin xét về bình diện thời gian hiển thị. Tính mới lạ, nhanh nhạy ngày càng được đề cao khi báo mạng trở thành một công cụ truyền tải thông tin được nhiều người ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặt trái của áp lực về thời gian, tính hấp dẫn của thông tin lại đi ngược với yêu cầu về độ chính xác, tính chân thực.
Cạnh tranh thông tin khiến nhiều sự việc được đăng tải cấp tốc, nhanh với tốc độ chênh nhau có khi chỉ vài phút. Tuy nhiên, điều đó khiến không ít thông tin thiếu độ chính xác; thậm chí cùng một sự việc mà nội dung đưa ra của mỗi báo mỗi khác, gây nhiễu loạn, làm bạn đọc càng thêm rối rắm. Người làm báo nếu không đến tận nơi, bám sát thực tế, chủ động nắm bắt thông tin thì sẽ không tránh khỏi lúng túng trước lượng thông tin các trang mạng đăng tải và sự thiếu chính xác, dẫn sai thông tin là điều dễ mắc phải.
Phối hợp tác nghiệp
Mỗi lần cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra là một lần thách thức đối với những người làm báo. Bởi sự kiện này chính là dịp chứng minh sức mạnh của sự phối hợp trong tác nghiệp để có những tác phẩm báo chí theo nhiều thể loại khác nhau, đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.
Ai chụp ảnh, người nào quay phim, đề tài này phân cho ai, người nào phụ trách phỏng vấn, viết bài, phản ánh không khí cuộc thi…, tất cả đều được lên kế hoạch cụ thể nhằm có sự phối hợp nhuần nhuyễn nhất. Đối với trang thông tin điện tử Báo Đà Nẵng, để sớm chuyển tải đến bạn đọc thông tin về cuộc thi này, tổ phóng viên được chia thành từng nhóm nhỏ, tác nghiệp ngay tại khu vực diễn ra cuộc thi và những địa bàn trọng điểm.
Thông tin được chuyển về đầu mối xử lý kịp thời, nhanh nhạy. Nhờ vậy, những hình ảnh đặc sắc về các màn trình diễn pháo hoa, không khí lễ hội cùng những hoạt động phụ trợ bên lề cuộc thi được chuyển tải đến bạn đọc kịp thời, nhanh nhạy. Đặc biệt, trong khi các báo bạn còn chờ hình ảnh của đội thắng cuộc từ Ban tổ chức gửi thì phóng viên Báo Đà Nẵng đã có ngay những hình ảnh này trên trạng mạng điện tử, cập nhật tin tức sớm nhất. Đây là thành quả của sự phối hợp tác nghiệp giữa các nhóm phóng viên và vì thế, thông tin nhanh chóng được chuyển tải đến bạn đọc.
Thực tế, trong một số trường hợp, các tác phẩm báo chí có thể hay, hấp dẫn và cuốn hút hơn, sức cạnh tranh thông tin sẽ mạnh mẽ hơn nếu có sự phối hợp trong tác nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng đạt được điều đó. Vì nhiều lý do, phóng viên chỉ muốn độc lập tác nghiệp, không muốn “đứa con” mình “thai nghén” phải chia sẻ với người khác, hoặc có thể do cơ chế phối hợp chưa tốt giữa các bộ phận trong một cơ quan báo… Điều đó có thể khiến thông tin bị chậm trễ, hoặc thiếu tính đa dạng, thiếu sự hấp dẫn, không đi đến cùng sự việc, không phản ánh được nhiều góc cạnh của vấn đề. Và rốt cuộc, bài báo đăng tải không đủ sức cạnh tranh với báo bạn, không tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc.
Hiện nay, các phương tiện truyền thông cũng như kênh thông tin đại chúng, các loại hình báo chí được tích hợp lại trên nền Internet, tạo sự thuận tiện tối đa cho bạn đọc. Và cũng vì thế, sự cạnh tranh thông tin cũng ngày càng quyết liệt hơn. Ngoài những yếu tố cần thiết của người làm nghề như kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, người làm báo cần nhất phải giữ cho mình một cái tâm trong sáng, sự trung thực và chân thành. Có như vậy, dù không thể cạnh tranh về tốc độ chuyển tải nhưng nếu nội dung sâu sắc, hấp dẫn, sát thực thì sức hút với bạn đọc sẽ không hề suy giảm. Bài báo hay sẽ tạo được uy tín khi độ chính xác, tính chân thực, sự công tâm được đề cao.
Nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ từng nói: “Trong nghề buôn đừng đi buôn chữ!”. Và quả thực, tâm có sáng, ngòi bút mới sắc; nhờ vậy, thông tin mới đủ sức cạnh tranh, đủ mạnh để mang lại uy tín cho người viết và tạo chỗ đứng vững chắc của tờ báo trong lòng bạn đọc.
HÀ AN