Chính trị - Xã hội
Tính nhạy bén - tố chất bắt buộc của người làm báo
Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có chức năng quay phim, chụp ảnh, kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể tham gia làm báo. Thực tế này đòi hỏi người làm báo chuyên nghiệp phải có sự nhạy bén gấp bội để nhìn ra vấn đề, phân tích được vấn đề, biết chọn lọc vấn đề... Cùng một sự kiện diễn ra nhưng sẽ có rất nhiều cách đưa tin, phản ánh khác nhau….
Sự nhạy bén quyết định “góc nhìn”
Theo những nhà báo nhiều kinh nghiệm thì “góc nhìn”, cách đặt vấn đề, triển khai vấn đề quyết định tính hay hay dở, thu hút hay nhàm chán của một bài báo, trong mọi thời đại. Nhà báo Trần Tuấn, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại miền Trung, cho rằng người làm báo thực sự cần biết đặt mình trong những vấn đề thời sự của đất nước, của nhân loại - những thời sự ít lặp lại và biến mình thành nhân vật sống động, đầy dấu ấn trong thời sự đó.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa thời sự báo chí phải là điều gì to tát hay cần được đặt trên một địa bàn rộng lớn. Có thể khi phản ánh về một trận lũ quét tại một làng quê nghèo, 100 tờ báo vẫn sẽ có 100 bài báo khác nhau, đàng hoàng, sinh động, nếu họ là những nhà báo độc lập, nhạy bén và biết cách khai thác. Thời sự ở trong mỗi phận người, trong cuộc đời một ông già dành 50 cuộc đời gánh nước, của cô bé bán vé số dạo, người bán rong… Chung quy lại, đó là thời sự của bạn đọc - những vấn đề mà bạn đọc quan tâm.
Theo nhà báo Trần Tuấn, một người làm báo nhạy bén phải biết chọn lấy một điểm nhìn giữa đám đông, biết đặt câu hỏi thứ 101, khi đến sau 100 phóng viên với 100 câu hỏi trước đó. Một nhân vật nổi tiếng đến nỗi khi bạn được Ban biên tập yêu cầu viết chân dung họ, bạn cảm thấy không còn gì để viết, vì những nhà báo khác đã “càn quét” hết rồi, thì đó là lúc phẩm chất nhạy bén và tính yêu nghề của bạn phát huy tác dụng. Bạn chính là người sẽ vớt “mẻ lưới cuối cùng về nhân vật”, nhà báo Trần Tuấn nói.
“Sự nhạy bén vừa là tố chất sẵn có, vừa qua quá trình rèn luyện, trải nghiệm thực tiễn. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi nhiều người tốt nghiệp trường báo chí hẳn hoi nhưng không thể làm báo được mà phải rẽ sang ngành khác. Ngược lại, có những người không tốt nghiệp trường báo chí nhưng vẫn là những nhà báo giỏi”, nhà báo Tú Phương (Báo Đà Nẵng) chia sẻ quan niệm. Theo nhà báo Tú Phương, sự chăm chỉ quyết định trên 80% sự thành công, trưởng thành của người làm báo. Chịu khó học hỏi, chịu khó suy ngẫm, đọc - viết sẽ nâng cao kỹ năng, tốc độ viết, sự nhạy bén trong nhìn nhận vấn đề đối với người làm báo.
Đối với phóng viên trẻ Thảo Miên - đang công tác tại một tờ báo ngành trên địa bàn Đà Nẵng, sự nhạy bén của người làm báo không phụ thuộc tuổi đời. Không thể nói một phóng viên trẻ không nhạy bén hoặc kém nhạy bén hơn các bậc đàn anh, đàn chị trong nghề; mà trên một vài phương diện, nhà báo trẻ sẽ có những góc nhìn trẻ, để rồi tạo nên những tác phẩm đầy sinh khí, mới mẻ và thu hút.
“Dấn thân” là hạnh phúc
Cũng theo nhà báo Tú Phương, nghề báo đòi hỏi rất nhiều yếu tố: sự nhạy bén là một phần; ngoài ra cần có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề và điều đặc biệt là phải có tình yêu nghề và phải dấn thân. Có nhiều cách để dấn thân, trong một tờ báo, không có phóng viên nào, làm mảng nào là không quan trọng, điều cốt yếu là bạn có làm hết mình hay không, có đeo bám được đến cùng vấn đề, sự kiện, lĩnh vực mà mình phụ trách hay không.
Có nhà báo còn tâm sự rằng, nếu không đi, không vào rừng, lên núi để có những bài viết ngồn ngộn hơi thở cuộc sống thì họ sẽ cảm thấy “nghẹt thở”. Tại sao có những nhà báo trên thế giới, kể cả nhà báo tự do lẫn có tổ chức, tình nguyện lên đường tìm những sự thật về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dù biết rằng họ có thể trở thành con tin, và bị hành quyết man rợ bởi nhóm phiến quân đang là nỗi ám ảnh của nhân loại thế kỷ 21 này.
Những nhà báo ấy sẵn sàng chấp nhận cái chết, bởi đối với họ hạnh phúc là được dấn thân, vì tình yêu nghề, vì những tác phẩm báo chí nóng bỏng thời sự về nỗi sợ hãi, cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Sự nhạy bén nếu không song hành với khao khát dấn thân của người làm báo thì kết quả là ngòi bút của họ dù hấp dẫn, lôi cuốn đến đâu cũng khó sâu sắc, khó chạm đến phần “chìm” của những “tảng băng” trong ngồn ngộn hiện thực đời sống.
Nhà báo Trần Tuấn cho rằng, nghề báo đôi khi rất cần những thử thách. Đặt trong một hoàn cảnh nhất định, một sự biến động nhất định, con người ta mới nhận ra nhau. Tính nhạy bén, sự dấn thân hay rất nhiều phẩm chất cần có của một nhà báo chân chính cần được tạo cơ hội, được bồi đắp, song trước hết bản thân người làm báo phải không ngừng nỗ lực, không ngừng tôi luyện và làm mới mình.
NGỌC DUNG