.

Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6: Con đã lớn khôn

.

Trên trang giấy trắng tinh in đầy dòng chữ ngây ngô: “Ngày 15-3, con nhặt được tờ 5.000 đồng và đã trả lại bạn”, “Hôm nay con quét nhà, rửa chén giúp mẹ”, “Con nhặt được một chiếc bút máy và đã nhờ cô Tổng phụ trách tìm lại người đánh rơi”… Bìa cuốn tập ấy ghi rõ: “Nhật ký làm theo lời Bác” của Liên đội Trường tiểu học Ngô Sỹ Liên (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Viết “Nhật ký làm theo lời Bác” nên bắt đầu từ những việc làm tốt nhỏ nhặt nhất.  Trong ảnh: Thiếu nhi quận Liên Chiểu chăm chú đọc nhật ký từ những người bạn của mình.
Viết “Nhật ký làm theo lời Bác” nên bắt đầu từ những việc làm tốt nhỏ nhặt nhất. Trong ảnh: Thiếu nhi quận Liên Chiểu chăm chú đọc nhật ký từ những người bạn của mình.

Từ những điều nhỏ nhặt nhất

Trong cuốn nhật ký của Liên đội Trường tiểu học Ngô Sỹ Liên, những dòng chữ của cô học trò Nguyễn Thị Phương Nhi (lớp 4/4) thật giản đơn và bình dị. Từ những việc ở nhà như: phụ mẹ trông em, nấu cơm, nhặt rau…, cho đến việc dọn vệ sinh sạch sẽ, giúp bạn yếu đạt điểm 10, bỏ heo đất giúp bạn nghèo ở trường đều được em ghi lại rất chi tiết. Đằng sau những con chữ của Phương Nhi nói riêng và tất cả các bạn nhỏ trong cuốn nhật ký này nói chung là tấm lòng biết bao dung, thương yêu những người xung quanh và cũng là lời tự vấn mình phải tốt hơn mỗi ngày.

Trong khi đó, 50 trang trong cuốn “Nhật ký làm theo lời Bác” của Liên đội Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê) cũng kín chữ, hình ảnh về Bác Hồ. Các em không chỉ kể về một việc làm tốt mà còn ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm đối với Bác.

Em Lê Khả Anh Tuấn (lớp 4/1, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) viết: “Hôm nọ, trên đường đi học về, em thấy một chiếc ví hoa rất đẹp nằm trên đường… Em nghĩ, với số tiền đó, em có thể mua được rất nhiều thứ mà mình thích… Sau một hồi suy nghĩ, em quyết định quay trở lại trường, gặp cô tổng phụ trách để nhờ cô gửi lại chiếc ví cho người đánh rơi”.

Trong cuốn nhật ký của Liên đội Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), em Nguyễn Quang Huy (lớp 5/6) bày tỏ suy nghĩ trước câu chuyện “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” của Bác. Từ đây, em đề nghị bố mẹ giúp đỡ một gia đình khó khăn làm nghề nhặt ve chai ở tổ dân phố. Mỗi ngày, em bỏ vào heo đất số tiền nho nhỏ từ khoản tiêu vặt của mình và bố mẹ Huy cũng đồng ý trích một phần thu nhập để giúp gia đình ấy trang trải cuộc sống, nuôi con nhỏ.

Lan tỏa

Năm 2010, phong trào viết “Nhật ký làm theo lời Bác” được khởi nguồn từ Đội Thiếu niên tiền phong quận Liên Chiểu. Đầu năm học 2011-2012, phong trào được Hội đồng Đội thành phố triển khai ở tất cả 145 liên đội trên địa bàn. Hoạt động này được Hội đồng Đội Trung ương đánh giá cao về hiệu ứng xã hội tích cực trong học sinh và đã triển khai trên cả nước.

Theo đó, phong trào được phát động trong các tổ chức cơ sở Đoàn - Hội - Đội trực thuộc. Mỗi đoàn viên - hội viên - thiếu nhi có một việc làm thiết thực, hiệu quả theo lời Bác và viết vào nhật ký hằng ngày. Đặc biệt, một số cơ sở Đoàn, Hội, Đội đã triển khai sáng tạo, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức thu qua đĩa CD các bài viết nhật ký “Học tập và làm theo lời Bác”, các gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền trong các buổi họp, giờ chào cờ...

Việc học tập Bác không ở đâu xa mà thể hiện bằng những hành động cụ thể, những việc tốt trong cuộc sống hằng ngày. Với các em thiếu nhi, việc học tập Bác được khuyến khích làm theo “5 điều Bác Hồ dạy”, đúng như lời Bác căn dặn “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Hội đồng Đội thành phố đã dành riêng giải thưởng Liên đội xuất sắc nghìn việc tốt cho các liên đội đạt thành tích tốt trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến nay, hơn 100 liên đội xuất sắc đã được nhận giải thưởng này.

Ông Mai Xuân Mùi, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố, cho rằng phong trào viết “Nhật ký làm theo lời Bác” thực sự có tác dụng trong đời sống của các em và  thực tế đã đi vào chiều sâu. Chúng ta không cần các em phải làm điều gì to tát mà nên bắt đầu từ những việc làm tốt nhỏ nhặt nhất.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.