.

"Sân khấu hóa" tuyên truyền pháp luật

.

Hơn 3 năm qua, mô hình tuyên truyền kiến thức pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa bằng tiểu phẩm, bài hát, kịch, hò, vè… được triển khai trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Theo đó, việc tuyên truyền kiến thức pháp luật trở nên dễ hiểu, người dân nắm được nhiều thông tin hơn.

Ông Lê Kim Lượng, Bí thư Chi bộ 5 Xuân Thiều, bên tấm giấy khen đơn vị đoạt giải nhất Hội thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2014.
Ông Lê Kim Lượng, Bí thư Chi bộ 5 Xuân Thiều, bên tấm giấy khen đơn vị đoạt giải nhất Hội thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2014.

Ông Lê Kim Lượng, Bí thư Chi bộ 5 Xuân Thiều không giấu niềm vui khi khoe với chúng tôi giấy khen dành cho đơn vị đoạt giải nhất hội thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2014, cùng cờ giải nhất toàn đoàn hội thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy của đơn vị mình phụ trách.

Là người có uy tín và có duyên với các phong trào văn nghệ, thể thao, người Bí thư Chi bộ 70 tuổi này được bầu làm “đoàn trưởng”. Công việc chính của ông là có mặt sớm tại điểm tập luyện để đôn đốc và nhắc nhở các thành viên. Ông chia sẻ, thành tích này nhờ quá trình tập luyện nghiêm túc và công phu của 12 “diễn viên” không chuyên. “Mỗi người mỗi việc, mỗi hoàn cảnh, nhưng đều tham gia có trách nhiệm”, ông Lượng kể.

“Việc tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa giúp các “diễn viên” và người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Như tiểu phẩm mà chúng tôi giành giải nhất vào năm ngoái có thông điệp phê phán tình trạng người tham gia giao thông uống rượu, bia, rồi phóng nhanh, vượt ẩu nên phải ngồi xe lăn suốt đời. Việc này thì ai cũng có thể chứng kiến hằng ngày nhưng họ ít quan tâm. Khi họ xem những người sống cạnh mình thể hiện câu chuyện, sự việc chân thực trên sân khấu thì sẽ càng hiểu sâu sắc vấn đề và ý thức cũng được nâng cao hơn”, ông Lượng bộc bạch.

Ở 7 khu vực còn lại của phường Hòa Hiệp Nam, quá trình chuẩn bị cho mỗi đợt thi, từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng và diễn xuất… đều được đầu tư công phu. Từ đó, có nhiều tác phẩm đạt chất lượng và để lại nhiều ấn tượng như: Chuyện nhà anh Sáu (nội dung về bạo lực gia đình) của Chi bộ Xuân Thiều 1; Kỷ vật nhớ đời (phản ánh về tai nạn giao thông) của khu vực Xuân Thiều 3 hay Chuyện làng biển (viết về tệ nạn ma túy) của khu vực Nam Ô 3…

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Quân, Phó Trưởng Công an phường Hòa Hiệp Nam, khẳng định từ khi mô hình sân khấu hóa được triển khai trong toàn phường, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là về kiến thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên, các loại tội phạm được kiềm chế, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

“Muốn xây dựng, bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội có kết quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân là hết sức quan trọng”, Trung tá Nguyễn Văn Quân nhấn mạnh.

Đầu năm 2012, Công an phường đã tham mưu cho UBND phường ban hành văn bản có nội dung trọng tâm là tổ chức hội thi tuyên truyền về kiến thức pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa như: thi trắc nghiệm; xây dựng và diễn tiểu phẩm... Hơn 130 tổ dân phố được chia 8 khu vực và sau đó chia 2 cụm, mỗi cụm có 4 đội.

Các đội tự viết kịch bản và các “diễn viên” cũng do các đơn vị tự “tuyển” trong khu vực rồi dàn dựng và tập luyện. Dàn “diễn viên” của các đội đầy đủ các thành phần, từ Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ..., đến tổ bảo vệ dân phố và quần chúng nhân dân. Chủ đề khá rộng và phong phú nhưng cũng gần gũi như: thi tìm hiểu về Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật PCCC…

Còn nội dung tiểu phẩm tập trung cơ bản vào Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Thông qua đó phản ánh thực tế ở địa phương, biểu dương gương người tốt việc tốt trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phê phán thói hư tật xấu, những vấn đề tồn tại…

“Các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, kiến thức pháp luật được truyền tải tới mỗi người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, các tệ nạn xã hội và số vụ vi phạm pháp luật giảm theo từng năm, các hoạt động mê tín dị đoan được loại trừ...”, ông Quân nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm UBND quận Liên Chiểu dự kiến chọn mô hình này để nhân rộng và áp dụng trong toàn quận.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.