Chuyện phân công lao động ở các gia đình trẻ không phải là vấn đề mới, nhưng không phải cặp đôi nào cũng làm được. Nhiều gia đình cũng vì vợ chồng không biết chia sẻ việc nhà với nhau nên dẫn đến tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Đâu còn là chuyện của đàn bà!
Anh Hoàng (ở quận Cẩm Lệ) được cả khu chung cư “ngưỡng mộ” về khoản giúp vợ việc nhà. Hai vợ chồng anh từ tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng lập nghiệp, kinh tế eo hẹp, không có điều kiện thuê người giúp việc nên cả hai phải tự xoay xở. Vợ đi làm ca nên có khi anh đón con từ nhà trẻ về, tự tay tắm rửa và cho con ăn. “Tôi nghĩ vợ cũng vất vả kiếm tiền như mình, chia sẻ gánh nặng việc nhà là điều phải làm thôi”, anh Hoàng nói.
Trường hợp gia đình chị Bích (ở quận Ngũ Hành Sơn) là câu chuyện khác. Vì sống chung với mẹ chồng nên khó nhờ chồng chia sẻ việc gia đình. Chị Bích kể, có hôm con sốt, chị thức cả đêm chăm con. Chị nhờ chồng ẵm con một lúc để chợp mắt là mẹ chồng bảo “mai chồng con còn đi làm mà!”. “Các bà mẹ chồng không chịu được cảnh con trai mình phải làm những việc xưa nay thuộc về đàn bà. Nhưng chồng mình cũng biết nghĩ, giúp vợ đón con và lau nhà, rồi lựa lời nói cho mẹ hiểu”, chị Bích chia sẻ.
Nói về điều này, chị Trâm (ở quận Hải Châu) thở dài: “Nhiều khi tôi đề nghị chồng phụ giúp việc nhà thì chồng từ chối. Dù tôi nhỏ to tâm sự để mong chồng chia sẻ việc nhà nhưng anh ấy không thay đổi”.
Chia sẻ công việc hợp lý
Chia sẻ công việc gia đình như thế nào cho hợp lý? Nhiều người vợ trẻ cứ lấy “bình đẳng giới” ra rồi chia việc nhà theo kiểu 50/50 như: vợ ngâm quần áo thì chồng giũ; vợ nấu cơm thì chồng rửa chén bát; vợ dọn giường tối thì sáng chồng gấp chăn màn…
“Tôi nghĩ không nên phân chia như vậy. Đàn ông có thể làm những công việc nặng như sửa đồ đạc trong nhà hoặc đơn giản chỉ đón con; còn những việc cần sự tỉ mỉ như nấu nướng, giặt giũ thì người vợ phải là chủ lực. Nói chung, cả hai vợ chồng cần bàn bạc cùng nhau xem công việc nào ai làm sẽ tốt hơn và phù hợp với thời gian của mỗi người. Đừng tị nạnh từng chút một, đừng làm vì bị bắt buộc rồi nhăn nhó, đá thúng, đụng nia khiến không khí gia đình nặng nề”, anh Thanh Huy (ở quận Hải Châu) chia sẻ.
Một chuyên viên tâm lý Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội phân tích: Chia sẻ việc nhà cũng chính là cách chăm sóc lẫn nhau, tận hưởng niềm hạnh phúc bình dị của cuộc sống vợ chồng. Điều này sẽ giúp người phụ nữ giảm gánh nặng và có thời gian dành cho bản thân, tinh thần vui vẻ. Đây cũng là cách để các ông chồng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái và làm việc nhà với vợ. Từ đó, tình cảm vợ chồng càng gắn bó, giữ được hạnh phúc gia đình.
“Nhưng người vợ phải biết khéo léo, không lớn tiếng xách mé mà cần động viên, dùng lời lẽ nhỏ nhẹ khuyến khích người chồng cùng tham gia công việc gia đình. Đồng thời, người vợ cần mạnh dạn giao công việc nhà cho chồng, từ những việc nhỏ nhất như đón con, đến việc phụ vợ cơm nước, lo cho con… Có nhiều cách để giữ mái ấm gia đình; trong đó, chia sẻ công việc gia đình là “vitamin” giúp các gia đình trẻ tạo sức đề kháng trước những mâu thuẫn, rạn nứt không đáng có”, chuyên viên tâm lý khuyên nhủ.
HÀ THU