Chính trị - Xã hội

60 năm ngày truyền thống ngành Quản lý Nhà nước về tôn giáo (2-8-1955 – 2-8-2015)

Bảo đảm cho tôn giáo hoạt động thuận lợi

07:38, 28/07/2015 (GMT+7)

Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo (QLNNVTG) đã tạo được niềm tin trong chức sắc, đồng bào có đạo vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo. Điều dễ thấy từ hiệu quả của công tác này là sự đồng hành, tham gia tích cực của chức sắc, đồng bào có đạo cùng toàn thể nhân dân thành phố trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo. TRONG ẢNH: Nghi thức thả bóng bay, chim bồ câu cầu nguyện quốc thái dân an tại Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2559 ở chùa Pháp Lâm.
Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo. TRONG ẢNH: Nghi thức thả bóng bay, chim bồ câu cầu nguyện quốc thái dân an tại Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2559 ở chùa Pháp Lâm.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành QLNNVTG (2-8-1955 – 2-8-2015), ông Ngô Khôi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo thành phố có cuộc trao đổi với PV Báo Đà Nẵng về công tác này.

* Thưa ông, mục tiêu của công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo là gì?

- Mọi hoạt động của xã hội đều được Nhà nước quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật. Hoạt động tôn giáo cũng không nằm ngoài công tác QLNN. Mục tiêu của công tác này là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (TG) của nhân dân, quyền theo hay không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào; bảo đảm cho các tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động bình đẳng theo đúng quy định pháp luật; phát huy mặt tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo đối với sự phát triển của xã hội. QLNNVTG còn bảo đảm mục tiêu gìn giữ đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo.

* Ngành QLNNVTG của thành phố đã thực hiện các mục tiêu này như thế nào, thưa ông?

- Với chức năng là cơ quan tham mưu cho chính quyền các cấp trong công tác QLNNVTG, ngành QLNNVTG thành phố đã có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Có thể nêu một số điểm nổi bật trong công tác QLNNVTG trên địa bàn thành phố như sau: Đó là việc triển khai và thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật về TG của Đảng và Nhà nước trong hệ thống chính trị các cấp, trong chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo.

Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TG của các cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình TG của thành phố.

Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động TG. Các thủ tục này được niêm yết công khai tại cơ quan Ban Tôn giáo thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã, công khai trên website http://www.noivu.danang.gov.vn. Bên cạnh đó, Ban TG đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm dữ liệu về cơ sở thờ tự tôn giáo phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi.

Cho đến nay chưa có trường hợp nào trễ hẹn. Có thể nói công tác QLNNVTG đã tạo điều kiện cho các tổ chức TG hoạt động đúng theo hiến chương, điều lệ của Giáo hội, đúng quy định pháp luật đáp ứng nhu cầu “no ấm phần xác, thong dong phần hồn” của đồng bào có đạo.

Cùng với sự phát triển của thành phố, các tổ chức TG được Nhà nước thừa nhận đều có sự phát triển về số lượng tín đồ cũng như ngày càng nhiều cơ sở thờ tự được sửa chữa, xây dựng khang trang. Công tác này đã tạo được sự tin tưởng của chức sắc, đồng bào có đạo đối với Đảng, chính quyền, Mặt trận thành phố qua việc thể hiện trách nhiệm công dân đồng hành với sự phát triển của thành phố.

* Thưa ông, nói như vậy trong công tác QLNNVTG có dấu ấn của công tác dân vận?

- Tại Nghị quyết số 25-NQ/TW, khóa IX của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có quan điểm: “Cốt lõi của công tác TG là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các TG với sự nghiệp chung”. Thực hiện quan điểm này, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận thành phố vừa triển khai tuyên truyền gắn liền với vận động chức sắc TG, đồng bào có đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về TG, đồng thời thực hiện các chủ trương của Thành ủy, chính quyền, Mặt trận thành phố.

Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong việc tổ chức gặp mặt, đối thoại hằng năm giữa chức sắc các TG với lãnh đạo thành phố. Qua đó lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức TG. Đối thoại để tìm ra những điểm tương đồng, đi đến đồng thuận vì sự phát triển của thành phố, vì cuộc sống nhân dân trong đó có sự đồng hành của các tôn giáo.

Hiệu quả của công tác dân vận TG thể hiện sự đoàn kết của đồng bào có đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân thành phố, đồng thuận trong thực hiện các chủ trương lớn của thành phố, thể hiện ở nếp sống “tốt đời, đẹp đạo” trong các phong trào ở khu dân cư.

Nổi bật nhất là hoạt động từ thiện-xã hội của các tổ chức TG đã góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố. Trong việc hưởng ứng thực hiện các chủ trương lớn của thành phố, đặc biệt là công tác đền bù giải tỏa, chỉnh trang đô thị những năm qua đã có 25 cơ sở thờ tự của các TG di dời hoàn toàn hoặc di dời một phần để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị.

Các chức sắc, tín đồ TG đều đồng tình với chủ trương của thành phố. Chính quyền cũng quan tâm bố trí đất để xây dựng cơ sở thờ tự mới khang trang hơn. Qua tham mưu của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ, các cấp chính quyền, lãnh đạo thành phố cũng quan tâm bố trí đất ở khu tái định cư tập trung đông tín đồ TG để xây dựng thêm cơ sở thờ tự mới đáp ứng nhu cầu sinh  hoạt TG.

* Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã có 10 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Hội thánh Báptit Việt Nam (Nam Phương), Cao đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo; 14 điểm nhóm của các hệ phái Tin lành và 1 điểm sinh hoạt của Pháp tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt, với gần 1.000 chức sắc và khoảng 200.000 tín đồ.

Từ khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến nay, Ban Tôn giáo thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố cấp đăng ký sinh hoạt cho 21 chùa Phật giáo, nâng cấp 6 giáo họ lên giáo xứ, 2 điểm nhóm lên chi hội, hội thánh cơ sở; đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt cho 14 điểm nhóm Tin lành, 5 dòng tu và 1 điểm sinh hoạt của Pháp tạng Phật giáo Việt Nam. Thừa ủy quyền của UBND thành phố, Ban Tôn giáo thành phố đã giải quyết phong chức, phong phẩm 575 chức sắc các tôn giáo; phối hợp với Sở Ngoại vụ tiếp 30 đoàn nước ngoài đến thăm, làm việc, tìm hiểu về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam về tôn giáo.

SƠN TRUNG thực hiện

.