Chính trị - Xã hội

Tri ân người ngã xuống

08:10, 27/07/2015 (GMT+7)

Căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Kiên, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH - ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) mấy hôm nay có khá đông “khách” đến cùng lo ngày giỗ cho hai người con trai của mẹ là liệt sĩ.

“Khách” là các chị cán bộ phụ nữ ở thôn, xã đảm nhận việc đi chợ, nấu nướng. Mỗi người mỗi việc, chẳng mấy chốc mà 3 mâm cỗ với đầy đủ các món đã xong. “Chị em trong hội phụ nữ xã ai cũng vui khi được tự tay nấu bữa giỗ cho các liệt sĩ. Có cảm giác như đang làm đám giỗ cho chính người thân của mình”, chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong chia sẻ.

Có lẽ ở xã Hòa Phong chưa có đám giỗ nào ấm áp đến thế. Ấm áp bởi những câu chuyện, cái bắt tay thật chặt giữa chủ và khách. Ấm áp bởi tình cảm, sự biết ơn được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực mà nhiều ý nghĩa. “Khách” mà như người nhà.

Bây giờ, ở xã Hòa Phong, việc địa phương tổ chức đám giỗ cho liệt sĩ ở những gia đình liệt sĩ neo đơn, khó khăn đã trở thành nét đẹp lan tỏa khắp 15/15 thôn. Kinh phí do Hội Phụ nữ xã đảm nhận, có sự hỗ trợ thêm của chính quyền địa phương với giá trị từ 1-2 triệu đồng/đám giỗ.

Không chỉ ở huyện Hòa Vang, trên khắp địa bàn Đà Nẵng đang có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7 như: tổng dọn vệ sinh, trao quà, sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách. Hay ở quận Cẩm Lệ, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cụ thể hóa bằng những hoạt động ý nghĩa: đi sâu, đi sát thực trạng đời sống các gia đình chính sách để tặng những vật dụng thiết yếu như ti-vi, tủ thờ, bếp ga..., với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh quà của Chủ tịch nước dành cho các gia đình chính sách, Đà Nẵng còn trích ngân sách khoảng 9 tỷ đồng để tặng quà các đối tượng này. Hơn 1.000 ngôi nhà của các đối tượng chính sách được hỗ trợ sửa chữa đã hoàn thành. Nhiều gia đình chính sách khó khăn sẽ có chỗ an cư ổn định. Hơn thế, trong mỗi ngôi nhà, trong từng viên gạch được thay mới đều có sự sẻ chia, tri ân của cả cộng đồng. Không chỉ đến tháng 7, những hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách được triển khai, mà ngay từ đầu năm, Đà Nẵng luôn chú trọng việc cải tạo, nâng cấp nghĩa trang, tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Cứ vào tối 14 và 30 âm lịch hằng tháng, tại nhiều nghĩa trang trên địa bàn Đà Nẵng, những nén nhang tri ân được đoàn viên thanh niên thắp lên để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, bên cạnh việc thực hiện phong trào xây dựng nghĩa trang liệt sĩ “xanh - sạch - đẹp”, thời gian đến, thành phố triển khai Đề án “Nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2018”; rà soát, xây dựng kế hoạch giảm nghèo đối với hộ người có công cách mạng trên địa bàn; quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo… Các anh đã ngã xuống, có người được tìm thấy, gọi tên; có người vẫn chỉ là mộ gió. Dẫu vậy, các anh vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, tinh thần của các anh vẫn “tiếp lửa” cho thế hệ hôm nay.

PHƯƠNG TRÀ

.