Chính trị - Xã hội
Thao thức một dòng sông
ĐNĐT - Lần đầu tiên, một chương trình "uống nước nhớ nguồn" diễn ra trên dòng sông Hàn với sự tham gia của hàng trăm nhân chứng lịch sử và đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng sâu sắc về sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chương trình "Thao thức một dòng sông" diễn ra vào đêm 24-7, do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên phối hợp với Tạp chí Văn hóa Quân sự và Hội Doanh nhân CCB thành phố Đà Nẵng tổ chức.
… Chạng vạng tối, 9 tàu du lịch xuất phát tại cảng Sông Hàn hướng về bến Đò Xu (quận Cẩm Lệ) - nơi diễn ra trận đánh máu lửa của Tiểu đoàn 1 Quảng Đà vào Tết Mậu Thân 1968. Trên các tàu, rực rỡ đèn hoa, khẩu hiệu. Hàng vạn hoa đăng, hương đăng được thả trên sông Hàn trong suốt hành trình. Đặc biệt, hình tượng Tượng đài Tổ quốc ghi công lung linh, nhấp nháy, di chuyển giữa đoàn tàu, cuốn hút sự chú ý của hàng ngàn người dân hai bên bờ sông.
Chương trình bắt đầu bằng câu chuyện của đại tá, CCB Lê Ngọc Bảy, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 1 Quảng Đà. Vị nhân chứng lịch sử dẫn dắt mọi người nhớ lại trận tấn công Sở chỉ huy Quân đoàn 1 của địch và những trận đánh mở đường máu tại xã Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Người CCB già đã làm bao người xúc động về những chiến công và những hy sinh, tổn thất của một đơn vị từng nổi tiếng với Mật danh R20 (Trên trời có phản lực cơ/Dưới đất có R20).
Những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa của các đơn vị R20, V25, Tiểu đoàn đặc công 89, Đội Biệt động Lê Độ, Đoàn 126 Hải Quân cùng nhau ôn lại bao chiến công, kỳ tích, bao gian nan, khốc liệt trong những năm diệt thù cứu nước. “Chương trình như làm sống lại một thời xả thân chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, làm ấm lòng bao thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng và có tác dụng sâu sắc về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”, Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) khẳng định.
Còn lời phát biểu cảm tưởng của anh chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 1 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, khiến mọi người cảm thấy hết sức tâm đắc, vì người lính trẻ này như nói thay cho mình về tâm nguyện học hỏi, tiếp nối truyền thống cha anh, ra sức phấn đấu vươn lên, tự giác thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị, góp phần xây dựng và giữ gìn thành phố quê hương.
Lễ Tưởng niệm do Thượng tọa Thích Huệ Vinh (Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng) chủ trì. Những lời nguyện cầu. Bao lòng thành kính. Trên các khoang tàu, mọi người cùng nghiêm trang tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ. Dưới sông, những dòng hoa đăng sáng lung linh, nhấp nhô, gợi nhớ bao máu xương đã đổ xuống cho nước nhà độc lập, cho cuộc sống thanh bình, no ấm hôm nay. Trong khói hương bảng lảng, ai nấy như thấy lòng lắng lại theo lời người chủ tế: “Ai làm giàu chính đáng, khuyến khích họ giàu thêm/Nhưng không được quên những người nghèo khổ/Mãi mãi tri ân những anh hùng, liệt sĩ/Máu thấm đất, máu hòa nước sông Hàn linh thiêng”.
Tại chương trình, 18 CCB có hoàn cảnh khó khăn đã được trao tặng những món quà tình nghĩa, do các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ủng hộ như một sự minh chứng về đạo lý đền ơn đáp nghĩa. Cùng với đó, những bản nhạc trầm hùng, những bài thơ sâu lắng càng làm quyện hòa, âm vọng “tiếng ngàn xưa và cả tiếng mai sau”…
Đêm “Thao thức một dòng sông” đã khép lại, nhưng nhiều người còn nhắc mãi những câu biền ngẫu đầy xúc động trong bài Văn tế tại chương trình uống nước nhớ nguồn này:
“Tổ quốc giao Quảng Nam-Đà Nẵng làm điểm tựa
Đà Nẵng kiên cường làm người lính tiên phong
Một đầu Thái Phiên rơi xuống
Cả thành Thái Phiên đứng lên
Một anh hùng Lê Độ bị địch hành hình
Bảy Dũng sĩ Thanh Khê làm kẻ thù khiếp sợ…”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM