Chính trị - Xã hội

Chăm lo giáo dục thế hệ trẻ

13:52, 14/07/2015 (GMT+7)

Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Liên Chiểu có nhiều phương pháp giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến đạt hiệu quả cao, nhiều năm liên tục dẫn đầu toàn Thành Hội ở lĩnh vực này.

Hội trại “Tiếp bước cha anh” ở quận Liên Chiểu.
Hội trại “Tiếp bước cha anh” ở quận Liên Chiểu.

Các cấp Hội CCB tại quận Liên Chiểu xác định việc cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên chậm tiến là nhiệm vụ thường xuyên và xem đây là một chỉ tiêu thi đua trong chương trình công tác hằng năm. Quận Hội quán triệt toàn thể hội viên trước hết phải gương mẫu giáo dục trong gia đình, không để con em mình vi phạm pháp luật hoặc có các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, sau đó phải nêu cao trách nhiệm đối với việc giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến. Các hội cơ sở phân công từng chi hội chịu trách nhiệm giúp đỡ, cảm hóa các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Thường trực Hội CCB phường Hòa Minh vừa giao cho cán bộ chi hội trực tiếp giúp đỡ đối tượng, vừa thường xuyên kiểm tra, rà soát mức độ tiến bộ của đối tượng để cùng phối hợp giáo dục. Nhân dân ở khu phố Trung Nghĩa (phường Hòa Minh) vẫn còn nhớ chuyện thanh niên T.N.K trước đây thường quậy phá, gây rối trật tự, đã được CCB Nguyễn Văn Trường cảm hóa trở thành công dân tốt, ngày ngày chăm chỉ phụ giúp bố mẹ làm ăn lương thiện, rồi hăng hái tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Hội CCB phường Hòa Hiệp Nam sau khi cảm hóa được đối tượng, tiếp tục liên hệ xin việc làm cho đối tượng ở các nhà máy, công ty đóng trên địa bàn. CCB Nguyễn Văn Đức là chủ doanh nghiệp chế biến gỗ đã nhận hàng chục thanh niên chậm tiến vào làm việc. Theo anh Đức, không có việc làm là một nguyên nhân khiến thanh niên lêu lổng, quậy phá và anh muốn giúp những thanh niên này ổn định cuộc sống.

Hằng tháng, Thường trực Quận Hội xuống tham gia sinh hoạt với hai chi hội và luôn chú trọng việc giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến. Chủ tịch Hội CCB quận Trần Văn Thanh khẳng định: Cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến phải xuất phát từ tình thương, trách nhiệm và sự gương mẫu của bản thân, gia đình người làm công tác cảm hóa. Nếu bản thân và gia đình CCB không gương mẫu thì nói đối tượng không nghe theo. Còn không có tình thương, không có trách nhiệm thì khó có thể nghĩ ra cách để tiếp cận, giáo dục đối tượng và cũng không đủ kiên nhẫn để cảm hóa đối tượng.

“Với nhiều cháu, mình phải khuyên nhủ hàng chục lần, phải phối hợp với các đoàn thể khác, tạo ra sự tác động nhiều chiều mới làm đối tượng chuyển biến. Không ít trường hợp phải kết hợp với công an, tổ dân phố, đưa ra giáo dục trước cộng đồng”, ông Thanh chia sẻ.

Bằng sự cưu mang, tấm lòng độ lượng và bằng những cách làm khéo léo, sát thực tế, Hội CCB quận Liên Chiểu đã đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến; thiết thực góp phần giáo dục đạo đức, nếp sống văn hóa, văn minh cho thế hệ trẻ. Ba năm qua, CCB toàn quận đã cảm hóa thành công hàng trăm thanh-thiếu niên chậm tiến và đã giúp nhiều cháu có việc làm ổn định.  

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.