Chính trị - Xã hội

Chuyển giao mô hình Chính quyền điện tử Đà Nẵng cho 16 tỉnh, thành

21:34, 24/07/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Chiều 24-7, dưới sự chứng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố ký kết chuyển giao nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng đến 16 tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước.

Ký kết chuyển giao nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng đến các tỉnh, thành phố.
Ký kết chuyển giao nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng đến các tỉnh, thành phố.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Phạm Kim Sơn cho biết, 14 tỉnh gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Quảng Nam, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Tiền Giang và 2 thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ tiếp nhận miễn phí 4 bộ tài liệu về nền tảng Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng.

Đó là tài liệu kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng gồm: kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc kỹ thuật, kiến trúc an toàn an ninh thông tin, kiến trúc dịch vụ, kiến trúc tiêu chuẩn.

Tài liệu mô tả hạ tầng công nghệ thông tin gồm các hạ tầng kỹ thuật thành phố (mạng LAN, trung tâm dữ liệu, mạng wifi công cộng), Trung tâm thông tin dịch vụ công, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin.

Tài liệu về kiến trúc ứng dụng Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng - DNG eGov Platform và các ứng dụng quan trọng được tích hợp trong nền tảng này như: cổng ứng dụng dùng chung, hệ thống đăng nhập một lần (SSO), môi trường tích hợp - liên thông với 1.196 dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử, quản lý văn bản điều hành, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống đánh giá cán bộ - công chức - viên chức và đánh giá sự hài lòng của người dân, Cổng thông tin điện tử thành phố, 24 trang thông tin điện tử sở, ban, ngành, 8 trang thông tin điện tử quận/huyện và 33 trang thông tin điện tử phường/xã.

Đĩa CDRom chứa mã nguồn DNG eGov Platform và các ứng dụng vận hành trên nền tảng này, kèm tài liệu hướng dẫn sử dụng và cài đặt hệ thống.

“Có được những bộ tài liệu này, các địa phương bạn không phải tự mò mẫm xây dựng và tốn tiền nghiên cứu, áp dụng từng bước nữa, mà có thể khai thác, ứng dụng kiến trúc phù hợp để áp dụng. Các địa phương bạn có yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi cũng sẵn sàng. Nhưng cần bố trí ngay nguồn lực, cán bộ quản lý, kỹ thuật phù hợp để tiếp nhận nền tảng ứng dụng sẵn sàng khai thác, vận hành nhanh. Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết từ kinh nghiệm của Đà Nẵng là phải quyết tâm, quyết liệt, cùng vào cuộc, đồng thuận và hỗ trợ đồng bộ”, ông Phạm Kim Sơn nhấn mạnh. 

Ngay sau khi ký kết chuyển giao, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ 3 tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau triển khai mô hình Chính quyền điện tử tại các địa phương này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết bày tỏ sự phấn khởi, vinh dự của Đà Nẵng vì đã đóng góp vào sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính của cả nước. Đồng thời chia sẻ trách nhiệm học hỏi kinh nghiệm thu được của các tỉnh, thành bạn trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhiều năm qua.

"Các bạn tiếp nhận nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng nhưng có thể các bạn triển khai, khai thác tốt hơn và thu được nhiều kết quả hơn, chúng tôi mong được chia sẻ và học hỏi nhiều hơn từ các bạn. Tin rằng dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm dựa trên một mô hình chung, phù hợp với nhu cầu và nguồn lực tại các địa phương, hướng đến sự phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, sự phồn vinh và thịnh vượng chung của đất nước", ông Phùng Tấn Viết nói.

HOÀNG HIỆP

.