Chính trị - Xã hội
Giải pháp tích cực góp phần đổi mới công tác cán bộ
Chiều 28-7, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn, về thực hiện thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2006-2015.
Cùng dự có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy. Ảnh: Đoàn Lương |
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao những cải cách đột phá của thành phố Đà Nẵng về cải cách hành chính và công tác cán bộ trong thời gian qua và cho biết, trong chuyến công tác này, đoàn công tác sẽ tìm hiểu, học tập, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng về quy trình, nội dung, cách thức thi tuyển, hội đồng thi và kết quả sử dụng nhằm giúp Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện đề án chung về đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 8 năm qua, Ban Tổ chức Thành ủy cho biết, đến nay đã có 48 lượt cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển; trong đó có 19 lượt sở, ban, ngành và 29 lượt UBND quận, huyện. Đặc biệt trong năm 2013, Đà Nẵng tổ chức thi tuyển chức danh Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thuộc UBND thành phố (chức danh tương đương phó giám đốc sở thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý); đến năm 2015, thực hiện tuyển chọn chức danh Giám đốc Sở Xây dựng.
Trong thời gian qua, đã có 433 ứng viên dự thi và 136 ứng viên trúng tuyển. Bình quân có 3 ứng viên dự thi cho một vị trí chức danh; riêng vị trí Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Quản lý, sửa chữa công trình giao thông (thuộc Sở Giao thông vận tải), Trưởng phòng Tổng hợp của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) có đến 5-6 ứng viên dự thi.
Thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và cạnh tranh; do vậy thông qua thi tuyển tuyển chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị. Đây là giải pháp tích cực góp phần đổi mới công tác cán bộ, nhất là đổi mới cơ chế đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.
Kết quả rõ nhất là đòi hỏi ứng viên tham gia dự tuyển phải thâm nhập thực tế để tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị, nắm bắt những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát hiện những tồn tại, hạn chế. Từ đó, mới có cơ sở phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng cũng như xây dựng phương án, chương trình hoạt động, xác định nhiệm vụ, quy mô, sản phẩm, dịch vụ; đề ra các giải pháp và định hướng phát triển đơn vị.
Trong quá trình tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị luôn quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý công tác cán bộ; do đó, từ việc xác định số lượng, đối tượng dự thi, thành lập Hội đồng thi, ra đề thi, chấm thi đến việc công nhận kết quả và bổ nhiệm người được trúng tuyển đều tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự kiểm tra, giám sát của các đoàn thể, đặc biệt việc xét chọn những người đạt kết quả cao để đề nghị bổ nhiệm vào chức danh cần tuyển được cấp ủy Đảng và thủ trưởng đơn vị thống nhất cao.
Với phương thức tổ chức này đã thể hiện rõ quan điểm trong công tác thi tuyển cán bộ là Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển cán bộ…
Đoàn Lương