.

Giải quyết rốt ráo các bức xúc

.

Chiều 8-7, trong phiên thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì, các đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận 16 nội dung, trong đó có những nội dung nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm như: xây dựng trái phép tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân, xử lý việc giấu đất tái định cư, dự án 84 Hùng Vương, chủ trương số hóa truyền hình, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mái hiên di động…

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì kỳ họp. Ảnh: VĂN NỞ
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì kỳ họp. Ảnh: VĂN NỞ

Làm rõ trách nhiệm trong xây dựng trái phép

Về việc xây biệt thự trái phép tại tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Trần Văn Lương cho rằng: Vụ việc này xảy ra từ năm 2010 đến nay, trách nhiệm của kiểm lâm đã làm những bước cần thiết. Từ năm 2012- 2014, lực lượng kiểm lâm cũng đã tiến hành kỷ luật khiển trách 4 cán bộ thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả như trên. Tuy nhiên, theo ông Lương, việc xử lý về mặt hành chính thuộc thẩm quyền của UBND quận Liên Chiểu.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho biết, đây là phần đất rừng được quản lý theo Nghị định 01 của Chính phủ. Năm 2012, ông Phan Như Thạch có đơn xin chuyển đổi diện tích đất trên và được UBND trả lời bằng thông báo, là giao Sở Tài nguyên và  Môi trường và quận Liên Chiểu xem xét trình thành phố nhưng sau đó không nhận được trả lời. Đó là nguyên nhân khiến sự việc kéo dài đến ngày hôm nay.

Có mặt tại buổi thảo luận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu thừa nhận, đơn vị có nhận được đơn và giao cho cơ quan chuyên môn trả lời là không chuyển đổi được; tuy nhiên phòng chuyên môn đã không phát hành văn bản trả lời này. Sở đã tiến hành kiểm điểm đối với phòng này.

Số hóa truyền hình: bị động, lúng túng

Đại biểu Huỳnh Thị Tam Thanh không đồng tình với thực tế triển khai Đề án Số hóa truyền hình trên địa bàn thành phố.

“Các gia đình khá giả có thể sử dụng các thiết bị tương thích theo tiêu chuẩn truyền hình kỹ thuật số nhưng đối với những gia đình nghèo thì sao? Xin hỏi thành phố đã chuẩn bị như thế nào để số hóa, các hộ nghèo theo tiêu chuẩn thành phố (không phải theo tiêu chuẩn Trung ương) có được hỗ trợ hay không. Tôi mong thành phố quan tâm kịp thời để việc tiếp nhận thông tin không bị gián đoạn”, đại biểu Tam Thanh nói.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Kim Sơn cho biết thêm, Đề án Số hóa truyền hình là chủ trương của Chính phủ, Đà Nẵng được chọn là 1 trong 5 thành phố thực hiện thí điểm trước 6 tháng so với cả nước. Số hóa truyền hình sẽ được triển khai nếu đáp ứng được các yêu cầu như Liên bộ Thông tin và Truyền thông-Tài chính có các thông tư liên tịch, đảm bảo việc thực hiện, trong đó có chuyện tài chính; các cơ quan liên quan phải cung cấp đủ hạ tầng truyền dẫn và phải xác định cho rõ đối tượng được hưởng đầu thu số (hộ nghèo, cận nghèo) theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa ra thông tư liên tịch; đơn vị truyền dẫn (VTV) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, tiêu chuẩn nghèo của thành phố hiện cao hơn chuẩn của Trung ương nên cần phải có con số chính xác, hợp lý.

Y tế xã, phường: đầu tư cào bằng

Phát biểu về vấn đề y tế xã, phường, đại biểu Lê Thị Nam Phương cho rằng, hiện nay hệ thống y tế giữa xã và phường đang đầu tư cào bằng cả con người lẫn cơ sở vật chất. Nhưng điều đặc biệt là ở các khu vực trung tâm, việc khám, chữa bệnh ở phường rất ít, trong khi ở các xã, nhất là khu vực xa trung tâm lại rất nhiều, thậm chí quá tải.

Như vậy, tuyến xã đảm trách vai trò quan trọng hơn so với tuyến phường vì lý do địa lý, điều kiện ở xa trung tâm. Sắp tới khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, người bệnh sẽ được lựa chọn nơi khám, chữa bệnh. Điều đó có nghĩa, người dân ở khu vực trung tâm rất ít ai chọn về trạm y tế phường để khám.

“Nếu chúng ta không có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thì sẽ dẫn đến sự bất hợp lý, đó là xã đảm trách quá nhiều việc nhưng sự đầu tư lại không hề tương xứng. Tôi đề nghị trong nghị quyết HĐND sắp tới cần quan tâm vấn đề này, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người dân, nhất là ở các vùng xa”, đại biểu Phương đề nghị.

Nói thêm về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho biết, các trạm y tế xã, phường hiện nay đang hoạt động theo Nghị định 17 của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có nội dung khám, chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, ngành Y tế cũng nhận thấy một số vấn đề nảy sinh như đại biểu Nam Phương trình bày.

“Hiện nay, chúng ta đang đầu tư một cách đồng đều, điều này sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế. Thời gian qua, Sở Y tế đã có sự đầu tư đặc biệt cho một số trạm y tế xã để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh”, đại biểu Yến bổ sung.

Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đại biểu Tạ Tự Bình cho biết, đây là lĩnh vực mà tại hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp tháng 4 vừa rồi Thường trực HĐND thành phố cũng đã có ý kiến, tỷ lệ trễ hẹn, xin lỗi công dân khá nhiều.

Qua 2 quý, kết quả giám sát như sau: Quý 1-2015, số lượng hồ sơ trễ hẹn là 112/9.494 hồ sơ, chiếm 1,17%. Phân tích cụ thể, trong 112 hồ sơ trễ hẹn, lỗi do các cơ quan phối hợp là 89 hồ sơ; chiếm 79%. Trong quý 2, có 14/20.823 hồ sơ. Tuy các đơn vị có sự chuyển biến nhưng cần phải làm rõ hơn trách nhiệm này: tỷ lệ trễ hẹn giảm sâu nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn do các cơ quan phối hợp (89/112 hồ sơ trong quý 1 và 11/14 hồ sơ trong quý 2). Điều đó có nghĩa cơ chế phối hợp vẫn chưa ổn.

Ông Bình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND thành phố sửa đổi quy chế phối hợp, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Năm 2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 9375 về quy chế phối hợp nhưng qua cơ chế giám sát thì thấy việc này vẫn chưa có hiệu quả, vì thế cần sửa đổi.

Báo cáo thiếu, không chính xác 1.367 lô đất

Kết luận phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố  Trần Thọ cho rằng, sự việc xây dựng trái phép tại Rừng đặc dụng Nam Hải Vân thời gian qua đã thu hút dư luận của địa phương và cả nước. Việc hợp đồng giao khoán trồng rừng nhưng lại chuyển cho người khác là không đúng quy định theo Nghị định 01 của Chính phủ.

Trước kỳ họp HĐND diễn ra một ngày (6-7), Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đã có quyết định thu hồi đất; việc xử lý hậu quả vừa qua của UBND thành phố vừa cân nhắc, thận trọng và đúng quy định pháp luật. Ngày 4-7, UBND thành phố đã có văn bản chính thức không đồng ý cho tồn tại khu biệt thự trái phép này.

HĐND thành phố hoan nghênh việc xử lý nghiêm minh của các đơn vị trên, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan vận động hộ vi phạm tự giác tháo dỡ, chậm nhất là cuối tháng 8 năm 2015. Qua vụ việc này, HĐND thành phố yêu cầu các cấp chính quyền cần kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình khi để sự việc kéo dài suốt một thời gian mà không xử lý dứt điểm.

Đối với việc giấu đất tái định cư, đồng chí Trần Thọ kết luận, một số phát ngôn của các cơ quan liên quan và một vài số liệu trong báo cáo không nhất quán nên dư luận không đồng tình. Sau nhiều lần chỉ đạo nghiêm túc, kiểm tra kỹ lưỡng, yêu cầu báo cáo Thường trực HĐND, ngày 4-7, UBND thành phố đã có báo cáo và nêu rõ: 17.702 lô đất là số đất có thực tế trên địa bàn thành phố tại các dự án.

Có 6 đơn vị báo cáo còn thiếu, không chính xác 1.367 lô đất, trong đó Công ty CP Vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng 1.301 lô; Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng 29 lô; Ban Giải tỏa đền bù số 1 là 22 lô; Công ty Phát triển hạ tầng Đà Nẵng 8 lô; Trung tâm Phát triển quỹ đất 4 lô và Ban Quản lý dự án xây dựng số 3 là 3 lô.

Theo đồng chí Trần Thọ, nguyên nhân là những năm trước thành phố triển khai đồng loạt nhiều dự án nên tiến hành chia nhỏ, giao nhiều đơn vị cùng thực hiện. Giao nhiều ban, nhiều công ty làm nhưng trách nhiệm, quyền hạn không được quy định rõ ràng bằng văn bản pháp quy, có chồng lấn giữa tham mưu và quyết định. Ngoài ra, người đứng đầu tại các đơn vị thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc trong báo cáo với lãnh đạo thành phố.

Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Văn phòng UBND thành phố không nắm kỹ tình hình. Do hiện nay một số lãnh đạo các công ty đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, các đại biểu tham gia thảo luận cũng đồng tình việc xử lý kỷ luật Đảng, không xử lý về mặt chính quyền.

Về khu đất số 84 Hùng Vương, hiện có hai dự án. Dự án Viễn Đông Merian (rộng 11.170m2) được khởi công năm 2008, dự kiến hoạt động quý 2-2011; thành phố tiến hành giải tỏa xong, giao đất sạch nhưng chủ đầu tư không chịu triển khai.

Ngày 8-12-2014, nhà đầu tư đã làm việc với thành phố và cam kết: cuối 2015 sẽ thi công xong phần ngầm, đầu năm 2016 xây phần thân và đưa vào sử dụng vào cuối 2017. Riêng dự án Bãi đỗ xe ngầm và công viên công cộng (rộng 5.900m2) được khởi công tháng 9-2009 và sử dụng vào tháng 9-2012 nhưng kết quả không như dự kiến.

Cuối năm 2013, UBND thành phố ra quyết định thu hồi 5.900m2 đất của dự án này. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ và không kịp thời, đến nay vẫn chưa làm. Đồng chí Trần Thọ kết luận: thống nhất thực hiện nghiêm việc thu hồi diện tích này theo quyết định UBND thành phố; giữ nguyên chủ trương xây bãi đỗ xe ngầm bằng ngân sách thành phố hoặc từ nhà đầu tư khác. Trước mắt, đề nghị thành phố chỉ đạo tháo hàng rào bằng tôn để làm công viên phục vụ người dân, giao các đơn vị triển khai từ nay đến cuối năm 2015 bằng ngân sách thành phố.

Về Đề án số hóa truyền hình, đồng chí Trần Thọ đề nghị Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình Trung ương và trình bày rõ bất cập, hạn chế khi triển khai thí điểm dù chưa đủ điều kiện; đồng thời giao các Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát, cấp cho các hộ nghèo trên địa bàn thành phố đầu thu để xem truyền hình từ nguồn kinh phí, ngân sách thành phố. Trong tháng 8-2015 phải làm dứt điểm việc này.

Tháo mái hiên di động: Chủ trương đúng, cách làm sai

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị cần xem lại cách triển khai thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, đặc biệt là việc tháo dỡ mái hiên di động. “Đi đâu tôi cũng thấy người dân phản ứng dữ dội, quyết liệt về vấn đề này. Phải nói lại cho rõ, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của thành phố nhưng khi giao cho các đơn vị triển khai thực hiện lại sai, không có kế hoạch cụ thể, gây hiểu nhầm, bức xúc rất lớn. Có những con đường phía bên phải tháo nhưng bên trái lại để nguyên, rồi có đơn vị tiến hành tháo hàng loạt về rồi cũng chất từng đống mà không biết bước tiếp theo sẽ làm gì.

Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm phương án khả thi nhất để thực hiện việc này. Việc tháo dỡ phải có lộ trình, có phương án thay thế, có kịch bản rõ ràng. Nên thí điểm phương án mới tại một số tuyến đường tiêu biểu, từ đó rút ra những cái được và không được rồi tiếp tục triển khai tiếp. Không nên làm một cách dàn trải, chạy theo hình thức, thi đua để người dân bức xúc và chịu tốn kém cũng như thời tiết khắc nghiệt”, đại biểu Bình nói.

Về vấn đề này, đồng chí Trần Thọ cho biết, vừa qua các tổ đại biểu cũng đề cập nhiều, báo chí cũng góp ý, phản ánh. Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy nêu rõ, chỉ chọn những tuyến đường chính như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Bạch Đằng để triển khai thí điểm. Ngoài ra, mỗi quận chọn 1 tuyến chính và vận động nhân dân tự giác tháo dỡ. Tuy nhiên, các địa phương lại quá “nhiệt tình” triển khai một cách đại trà, nên dân bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Đồng chí Trần Thọ yêu cầu Sở Xây dựng thiết kế mẫu mái hiên di động, chọn các phương án có hiệu quả, vừa che nắng che mưa, vừa phù hợp mỹ quan đô thị, trong tháng 8-2015 phải giải quyết dứt điểm.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.