Chính trị - Xã hội
Vài kinh nghiệm trong công tác kiểm sát
Qua 18 năm thành lập và phát triển, Viện KSND quận Ngũ Hành Sơn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể gặt hái nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.
Giai đoạn từ 2008-2014, đơn vị được công nhận “Tập thể tiêu biểu xuất sắc”, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hai lần được Viện KSND tối cao tặng cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2014, chi bộ đơn vị được Thành ủy Đà Nẵng tặng cờ “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm liền.
Để có được những thành tích trên là sự phấn đấu, nỗ lực hết mình của tập thể lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên, cùng với những những giải pháp sáng tạo, kinh nghiệm hay mà lãnh đạo viện đã áp dụng.
Sát người, sâu việc trong công tác chỉ đạo điều hành
Hằng năm căn cứ vào chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, kế hoạch công tác kiểm sát của Viện KSND thành phố, nhiệm vụ chính trị địa phương, lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình công tác quán triệt, triển khai để cán bộ công chức đơn vị có bản đăng ký thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Lãnh đạo viện, trực tiếp là Viện trưởng - công tâm, trách nhiệm, hướng mọi hoạt động nghiệp vụ vì con người, sâu sát công việc nên duy trì được tình đoàn kết, không khí thân tình, cởi mở, tinh thần trách nhiệm được củng cố, năng lực, sở trường cá nhân được phát huy. Đây là động lực, mục tiêu của phong trào thi đua.
Nâng cao công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố
Là đơn vị đầu tiên của Viện KSND thành phố Đà Nẵng xây dựng Quy chế liên ngành trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Đơn vị thành lập tổ công tác do Phó Viện trưởng làm tổ trưởng, 11 cơ quan là thành viên. Hằng tháng, các thành viên báo cáo, Viện KSND tổng hợp, đề xuất giải pháp lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm gửi về Thường trực Quận ủy, UBND quận đồng thời chủ trì cùng Cơ quan CSĐT phân loại, phối hợp, xử lý. 6 tháng một lần, Viện KSND cung cấp tình hình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm để Ban Tuyên giáo Quận ủy đưa vào tập san sinh hoạt định kỳ, làm tư liệu sinh hoạt cho các chi bộ ở các khu dân cư, từ đó thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Qua công tác này, đơn vị thực hiện 2 giải pháp được xem là bước đột phá, trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đó là: trực tiếp kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đối với CQCS điều tra Công an cùng cấp, đồng thời phối hợp kiểm tra Công an cấp phường và gắn việc thực hiện chức năng của ngành với nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao chất lượng trong việc đề xuất biện pháp tham mưu cho cấp ủy và UBND cùng cấp.
Với những giải pháp trên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hằng năm đều đạt và vượt ít nhất 2% so với Nghị quyết 37 của Quốc hội. Nhờ nắm chắc, quản lý tốt tố giác, tin báo tội phạm, vai trò, vị trí của Viện KSND được nâng lên; cấp ủy tin yêu, UBND cùng cấp tin tưởng, hình ảnh của Viện trưởng Viện KSND được các ngành tín nhiệm cao.
Trong thực hiện quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp giải quyết các vụ án hình sự
Để thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố, gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra, đơn vị đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân của Kiểm sát viên (KSV) và công tác phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND, kiên trì thực hiện 100% vụ án phải có yêu cầu điều tra, KSV phải thường xuyên trao đổi với điều tra viên về kết quả thực hiện yêu cầu điều tra. Các vụ án trước khi kết thúc điều tra 15 ngày, điều tra viên chuyển toàn bộ hồ sơ để KSV kiểm tra toàn diện về vụ án. KSV phải có kế hoạch đề xuất lãnh đạo xét, duyệt trước khi thực hiện phúc cung đối với vụ việc cần thiết. Lãnh đạo viện trực tiếp kiểm tra hồ sơ 2 lần, đối với án nghiêm trọng là 3 lần. Với những giải pháp trên, từ 2010 đến nay, tỷ lệ kết thúc điều tra hằng năm đạt trên 86%, tỷ lệ truy tố đạt 98,4%; không có án đình chỉ điều tra, Tòa án tuyên không phạm tội; tỷ lệ bắt, xử lý hình sự đạt 99%; chất lượng kháng nghị đạt 100%.
Hai kinh nghiệm cần tiếp tục nghiên cứu
Ngoài những kinh nghiệm trên, hai kinh nghiệm cần phải được ngành tiếp tục nghiên cứu để đúc kết thành bài học kinh nghiệm. KSV phải đi thực tế những vụ án tranh chấp liên quan đến nhà đất, tài sản có giá trị lớn, để gặp cán bộ, người dân địa phương trao đổi, tìm hiểu cặn kẽ về vị trí, diện tích, quá trình diễn biến việc sử dụng đất, từ đó chủ động trong kiểm sát xét xử tại phiên tòa và công tác kháng nghị phúc thẩm. Đó cũng là chỉ đạo của cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh về công tác cải cách tư pháp ở thành phố Đà Nẵng.
Xuất phát từ nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự, kháng cáo là một trong những cơ sở để Viện KSND xem xét kháng nghị. Do vậy kinh nghiệm kết hợp linh hoạt giữa kháng cáo và kháng nghị là bài học bổ ích cần được tiếp tục nghiên cứu. Trong 5 năm qua, đơn vị kiểm sát giải quyết 988 vụ, việc các loại, đã kháng nghị 13 vụ, được chấp nhận 11 vụ, đạt tỷ lệ 85%.
NGUYỄN VĂN HIỆP