Chính trị - Xã hội

Cây đại thụ báo chí đã ra đi

07:50, 14/08/2015 (GMT+7)

Chỉ 4 ngày sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hữu Thọ đã ra đi – về cõi vĩnh hằng.

 

Sáng sớm ngày 13-8, nghe tin dữ từ bạn bè, đồng nghiệp, tôi bàng hoàng, cứ ngỡ tai mình nghe nhầm. Ngày 9-8, tại Cung Lao động Hữu Nghị Hà Nội, tôi và các lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam đón nhà báo Hữu Thọ từ sảnh lớn, khi ông đến dự đại hội, phiên họp chính thức. Vừa gặp tôi, ông đã nói ngay: “Mình đã nhận sách Ký giả, đọc thú vị lắm, sách ra đúng lúc, để sức khỏe kha khá, mình sẽ viết mấy lời cảm nhận”. Tay trái ông chống gậy do chân bị đau, tay phải ông bắt tay chào bạn bè, đồng nghiệp – trong đó có nhiều nhà báo thế hệ đàn em – học trò của ông.

Nhà báo Hữu Thọ vui vẻ nhắc tên từng người. Nhà báo Hữu Thọ minh mẫn, trí nhớ ông tuyệt vời. Sức khỏe của ông yếu hơn trước, nhưng bước chân chậm rãi, khoan dung. Vậy mà chỉ mấy ngày sau Đại hội X, nhà báo Hữu Thọ -  một cây đại thụ của nền báo chí nước nhà đã ra đi, về với thế giới người hiền, hưởng thọ 84 tuổi. Hôm đó, trước lúc tiễn nhà báo Hữu Thọ ra về, tôi đã có lời hẹn xin được đến nhà riêng của ông, để được nghe ông kể chuyện về nghề báo, đời báo, mà không kịp nữa rồi, bác Hữu Thọ ơi…

Hữu Thọ là một trong số những nhà báo nghiên cứu sâu tư tưởng và đạo đức báo chí Hồ Chí Minh. Loạt bài viết của ông về nhà báo Hồ Chí Minh đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Người Làm Báo và một số báo chí khác đã để lại những ấn tượng sâu đậm, những tư liệu, giá trị nghiên cứu có chiều sâu về nhà báo bậc thầy Hồ Chí Minh. Nhà báo Hữu Thọ không chỉ có công nghiên cứu, tìm hiểu về tư tưởng và đạo đức báo chí của Bác, ông còn là một trong những nhà báo bậc đàn anh nêu gương học tập và làm theo đạo đức báo chí Hồ Chí Minh, trong hành nghề - tác nghiệp.

Nhiều năm tham gia công việc của Hội Nhà báo, lại được đào tạo làm nghề báo bậc đại học từ Trường Tuyên giáo Trung ương nên tôi có dịp gần gũi nhà báo Hữu Thọ. Nhiều năm liền, nhà báo Hữu Thọ là Chủ nhiệm khoa Báo chí (kiêm nhiệm) của nhà trường - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mấy năm gần đây, làm Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo của Hội, tôi vẫn thường điện thoại cho ông, khi thì đề nghị ông viết bài, trả lời phỏng vấn cho tạp chí, lúc thì xin ông một lời nhận xét, một gợi ý về nội dung tin, bài cho tạp chí số đặc biệt, số kỷ niệm các sự kiện lớn, vào năm chẵn. Lần nào nhà báo Hữu Thọ cũng vui vẻ nhận lời, nhiệt thành hỗ trợ cho tờ tạp chí nghề của Hội. Ông đề nghị Tạp chí Lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam cần có những công trình nghiên cứu sâu, quan tâm đến việc nhà báo hội viên học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức báo chí Hồ Chí Minh. Nhà báo Hữu Thọ dặn dò: “Làm theo đạo đức của Bác, phong cách làm báo Hồ Chí Minh mới là điều học tập Bác một cách thiết thực”.

Tình cảm, tấm lòng, sự chu đáo, nhân văn của Hữu Thọ - một nhà báo tên tuổi, uy tín, giữ nhiều trọng trách lớn - dành cho thế hệ làm báo đàn em, dành cho đồng nghiệp lớp sau thật đáng trân trọng. Một cuốn sách, một bài báo, một bản luận văn của đồng nghiệp – có khi chỉ là học trò – gửi tặng ông để xin ý kiến chỉ bảo, ông điện thoại để cảm ơn và nếu có điều kiện thì ông viết bài nhận xét. Không ít đồng nghiệp kể lại, nhà báo Hữu Thọ nổi tiếng là vậy, trọng trách lớn, bận nhiều việc, nhưng bất cứ ai đăng ký xin được gặp, ông thu xếp ngay, tận tâm, chu tất, không quan cách. Bức xúc chuyện gì đó, cán bộ dưới quyền có sai sót, dù có nóng giận ông cũng kiềm chế, nhẹ nhàng, từ tốn xử lý từng đầu việc, ngăn nắp, khoa học, đâu lại vào đấy. Đức tính biết kiểm soát sự nóng giận, tôn trọng cấp dưới, không phải ai cũng làm được.

Hữu Thọ là một trong những cây đại thụ của nền báo chí đương đại. Ông làm báo chuyên nghiệp với các bút danh Hữu Thọ, Nhân Chính, Nhân Nghĩa và trưởng thành từ Báo Nhân Dân, từ phóng viên lên phó trưởng ban, trưởng ban, phó tổng biên tập, tổng biên tập. Một tác phẩm của Hữu Thọ, in lần đầu năm 1991 có tựa đề Người hay cãi. Nhiều đồng nghiệp coi Người hay cãi  là phong cách ngoài đời cũng là phong cách báo chí mang thương hiệu Hữu Thọ. Nhà báo Hữu Thọ là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, từng giữ trọng trách Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Làm chính trị, đảm nhận các cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Hữu Thọ luôn tỏ rõ sự vững vàng, bản lĩnh, sắc sảo, mẫu mực. Nhà báo Hữu Thọ là tấm gương sáng về lòng say nghề, ý chí vượt khó, vượt qua chính mình để gặt hái thành công. Nhà báo Hữu Thọ tâm sự, từ cán bộ chính trị ở địa phương đi làm báo, chẳng được học hành nghề báo. Nhưng nhờ yêu nghề, biết rút kinh nghiệm, học hỏi lắng nghe các đồng nghiệp nên đã nhanh chóng vượt lên, chỉ một thời gian ngắn, ông đã hoàn toàn làm chủ công việc, làm chủ ngòi bút của mình và trở thành nhà báo nổi tiếng, sau những bài báo “gãi đúng chỗ ngứa”,  khởi nguồn từ cuộc sống của nhân dân.

Hữu Thọ nói là ông không có năng khiếu báo chí. Tôi nghĩ, đó là cách nói và sự khiêm nhường của ông. Ông là nhà báo có uy lực và uyên bác, trí tuệ, giỏi nghề, mẫn cán. Hàng ngàn bài báo, những cuốn sách liên quan đến nghề báo của ông đã nói lên điều đó. Nhà báo Hữu Thọ tự tổng kết, học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhanh. Làm việc dưới quyền Tổng Biên tập Hoàng Tùng, bên cạnh những cây bút tài hoa như Thép Mới… chỉ một thời gian rất ngắn, Hữu Thọ đã vượt hẳn lên, trưởng thành về nghề, thể hiện qua những bài viết, bài điều tra có tính chiến đấu, tính phát hiện cao. Có những bài viết trong thời kỳ nông dân phá rào - địa phương khoán hộ, từ đó mà hình thành và ra đời một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Thực tiễn cuộc sống sống động được ông và các đồng nghiệp phản ánh, phát hiện, hình thành cả một cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân.

Hữu Thọ tham gia cách mạng rất sớm. Hơn 20 tuổi – năm 1955 - ông đã là Ủy viên Thường vụ Thị ủy Hải Dương. Năm 1957, một lúc ông nhận 2 quyết định. Một quyết định của Tỉnh ủy Hải Dương về làm Bí thư Huyện ủy Ninh Giang. Một quyết định của Khu ủy Tả Ngạn bổ sung ông về Báo Nhân Dân - làm báo. Và Hữu Thọ đã chọn con đường về Báo Nhân Dân, trở thành phóng viên báo Đảng từ đó.

Cả cuộc đời theo đuổi nghề báo, Hữu Thọ viết nhiều thể loại, mà thể loại báo chí nào ông cũng thành công. Bài học đầu tiên, cũng là bài học có tính quyết định của bất cứ người làm báo nào, đó là say nghề, đam mê với nghề. Ông nói: Làm báo mà không yêu nghề, xin hãy thôi làm nghề. Lòng say nghề giúp cho ta nhìn nhận, lý giải, luận bàn, rút tỉa từ cuộc sống - thực tiễn sống động bao điều mới lạ, bổ ích. Hữu Thọ bỏ công sức nghiên cứu sâu về cuộc đời làm báo - làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Loạt bài viết về Bác Hồ - Nhà báo và người thầy báo chí vĩ đại đã rút ra bao nhiêu điều bổ ích về lý luận báo chí, những bài học lớn về tư tưởng báo chí, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh. Nhà báo Hữu Thọ tổng kết: “Học Bác là học một đời, học suốt đời, càng học càng thấm sâu tư tưởng và đạo đức của Bác”.

Với Hữu Thọ, không say nghề, người làm báo sẽ không đến được với nhân dân, không đến được với người lao động một nắng hai sương trên ruộng đồng, trên các công trường xây dựng. Hữu Thọ rất tâm đắc một điều, đó là đạo làm nghề, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm nghề. Trong cơ chế thị trường, trước bao cám dỗ vật chất, đòi hỏi nhà báo phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc - Ông nói như là một định lý toán học: “Làm cái nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới nên nghề”.

Với Hữu Thọ, mắt sáng, lòng trong, bút sắc thật sâu lắng, trở thành máu thịt, bổn phận, lẽ tự nhiên, sự đương nhiên của người cầm bút chân chính, người làm báo cách mạng. Nhà báo Hữu Thọ tâm sự với đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ: “Tôi không biết viết thế nào để thành công, vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người”. Quan điểm làm nghề của ông “Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự”; “làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy. Sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo”. Đó cũng chính là phẩm chất, là đạo đức làm nghề, mọi thứ rành rẽ, phân định xấu tốt, thiện ác, đúng sai, phải trái dứt khoát, rõ ràng.

Tôi may mắn có nhiều dịp cùng tham gia Hội đồng Giải báo chí toàn quốc, Giải báo chí quốc gia với nhà báo Hữu Thọ và các nhà báo lớn bậc thầy, bậc đàn anh. Lần nào nhà báo Hữu Thọ cũng phát biểu chính kiến một cách sâu sắc cả về nhận xét tổng quát, cũng như nhận xét cụ thể từng tác phẩm, cách ứng xử với từng tác phẩm báo chí. Có những vấn đề chính trị - xã hội trong nước và quốc tế nhạy cảm, Hữu Thọ nêu ý kiến của mình đâu ra đấy, chính xác, thấu tình đạt lý, lấy lợi ích chung, lợi ích toàn cục làm trọng.

Tôi nhớ, một lần có 2 tác phẩm báo chí truyền hình - một tác phẩm của cơ quan báo chí Trung ương, một tác phẩm của cơ quan báo chí địa phương, cùng phản ánh một đề tài “lâm tặc - phá rừng”, có sự tiếp tay của một số quan chức biến chất. Tác phẩm của cơ quan báo chí địa phương phát hiện vấn đề sớm hơn, tính phát hiện cao hơn, tác phẩm đến với công chúng và xã hội trước - giúp cho chính quyền và cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhược điểm của tác phẩm này là “tay nghề” thể hiện “non” hơn so với tác phẩm của cơ quan báo chí Trung ương.

Hội đồng Giải báo chí quốc gia chọn tác phẩm nào đây? Hữu Thọ phát biểu quan điểm, bỏ phiếu ủng hộ tác phẩm của cơ quan báo chí địa phương, bởi sự phát hiện vấn đề, bởi dũng khí của người viết. Và đa số ý kiến của thành viên Hội đồng Giải ủng hộ quan điểm của nhà báo Hữu Thọ. Cái lý, cái tình của ông trong đánh giá, nhận xét tác phẩm báo chí rất rõ ràng, minh bạch, chính xác, tính biện chứng, tính lịch sử cụ thể rành rẽ không lẫn vào đâu được. Hữu Thọ - một trong những tên tuổi lớn của nền báo chí nước nhà. Ông là điển hình về lao động báo chí - theo tấm gương sáng làm báo của Bác Hồ.

Xin được thắp một nén tâm nhang -  kính cẩn nghiêng mình trước di hài của nhà báo Hữu Thọ kính mến.  Nhà tư tưởng – văn hóa, nhà báo Hữu Thọ, thầy Hữu Thọ, bác Hữu Thọ, cây đại thụ báo chí  Hữu Thọ  thảnh thơi yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, sau gần 60 năm lao động báo chí không ngơi nghỉ.

PHẠM QUỐC TOÀN

.