Môi trường

Chủ động ứng phó thiên tai

07:34, 14/08/2015 (GMT+7)

Th.S Phùng Thế Bảo, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, những năm gần đây, thời tiết và khí hậu có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Một buổi họp triển khai diễn tập phương án phòng, chống siêu bão cấp thành phố tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu.
Một buổi họp triển khai diễn tập phương án phòng, chống siêu bão cấp thành phố tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu.

Những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu đã tác động đến đời sống xã hội. Nhiệt độ phân tích số liệu tại 3 trạm khí tượng Đà Nẵng, Tam Kỳ và Trà My trong 3 thập kỷ qua cho thấy: Nền nhiệt độ tại các trạm đồng bằng đã tăng 0,2 - 0,3 độ so với thập niên trước đó, tại vùng núi Trà My xu thế lại giảm đi khoảng 0,1 độ. Lượng mưa năm có xu hướng tăng rõ rệt (15-25mm/năm), cả vùng đồng bằng lẫn miền núi cao, lượng mưa tăng không chỉ trong mùa mưa (10-20mm/năm) mà cả mùa khô cũng tăng lên (5-10mm/năm).

Cũng theo ông Bảo, thông thường, tháng 2 và tháng 3, tại Đà Nẵng cũng như khu vực Trung Trung Bộ lượng mưa không đủ bù cho lượng bốc hơi trong tháng; nhưng năm 2015, trong tháng 3 đã có 2 trận mưa lớn, đặc biệt là đợt mưa từ 24-28 tháng 3, mưa đã gây nên lũ trên nhiều lưu vực, trong đó có sông Vu Gia. Bên cạnh đó, hằng năm tại Đà Nẵng chịu ảnh hưởng trung bình 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nhiều hơn số lượng bình quân của các địa phương lân cận như Quảng Nam (0,8 cơn/năm) và Huế (0,7 cơn/năm). Số lượng bão không biến động nhiều, tuy nhiên cường độ bão có sự thay đổi rõ rệt, bão mạnh (cấp 12 trở lên) xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt năm 2013 xuất hiện siêu bão Haiyan đã làm thay đổi tư duy trong phòng chống bão.

Còn theo ông Trần Văn Nguyên, Phó phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, năm nay sẽ có 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung bộ. Mùa bão năm nay tại miền Trung xảy ra chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 11 và có khả năng kết thúc sớm hơn mọi năm. Dự báo trong các tháng cuối năm có khả năng xảy ra từ 4-6 đợt mưa lớn diện rộng. Lũ ở miền Trung có khả năng bắt đầu từ giữa tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 12, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11, đỉnh lũ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh lũ năm 2014…

Với những diễn biến phức tạp của thời tiết như dự báo, thành phố Đà Nẵng luôn đặt công tác phòng, chống bão lụt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, hằng năm, ngay từ đầu năm, UBND thành phố có chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai; đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) các cấp. Năm nay, BCH PCLB&TKCN thành phố đã chỉ đạo, rà soát phương án phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với các kịch bản. Tiến hành tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền tại cộng đồng để nhân dân nắm bắt, thực hiện tại một số địa phương như huyện Hòa Vang, các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu…

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương có hồ chứa nước phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tiến hành sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình trước mùa mưa bão. UBND thành phố cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng một số tuyến kè bảo vệ chống sạt lở ở các sông Túy Loan, Cu Đê, sông Yên và sông Hàn….; cấp phát phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn, phao cứu sinh cho các đơn vị, địa phương.

“Hiện tại, các ngành, các cấp chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết theo sự chỉ đạo của thành phố để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi bão lụt xảy ra”, ông Hòa cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.