Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Vườn rau của chị em Bồ Bản

08:10, 12/08/2015 (GMT+7)

Hai thôn Bồ Bản 1 và 2 của xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) lâu nay có tiếng về nghề trồng rau và hoa màu.

Dựa vào lợi thế đó, đầu năm 2015, Hội LHPN xã Hòa Phong đã xây dựng mô hình trồng rau sạch ngay trên địa bàn hai thôn này. Đặc biệt, đây là vườn rau “dành riêng” cho chị em phụ nữ nghèo ở Bồ Bản nhằm giúp các chị kiếm kế sinh nhai, vươn lên thoát nghèo.

Chị Trần Thị Cống, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bồ Bản 2, chủ nhiệm mô hình trồng rau sạch Bồ Bản, lại là nông dân “thứ thiệt”. Với giọng nói sang sảng đậm chất Quảng, chị cho biết, vườn rau hợp tác này được xây dựng từ tháng 1-2015, kết hợp từ chính những mảnh đất của bà con trong thôn. Với tổng diện tích gần 1ha, đây là nơi 24 chị em thuộc diện nghèo và cận nghèo của cả hai thôn cùng tham gia trồng rau sạch, an toàn, hướng đến hiệu quả kinh tế cao để cải thiện đời sống.

Chị Cống kể, trước đây, dân Bồ Bản trồng nào rau, nào đậu, nào bắp... Sau một thời gian, người dân nhận thấy trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vậy mà khi rau được canh tác chung với các loại cây khác, nhất là bắp, lại dễ bị lây sâu bệnh.

Từ đó, Hội LHPN xã quyết định thành lập mô hình chuyên canh rau sạch cho chị em Bồ Bản cùng làm. Giống và phân bón được Sở NN&PTNT và Hội LHPN xã hỗ trợ. Các chị được tham gia khóa phổ cập nghiệp vụ trồng trọt, cộng thêm kinh nghiệm lâu năm của dân xứ rau nên 1ha đất không lúc nào thiếu màu xanh tươi của rau muống, cải, mướp, xà lách, khổ qua…

Tiếng lành vươn xa, mới đây, chị em Bồ Bản được tổ chức Trẻ em Việt Nam (Children of Vietnam) hỗ trợ 5 máy bơm nước, 5 cuộn dây, 1 bể chứa và 1 giếng khoan. Từ ngày nhận quà hỗ trợ, chị em thêm phấn khởi với vườn rau của mình.

Có vườn rau hợp tác, tình cảm mấy chị em Bồ Bản càng khăng khít. Trồng rau thì hiếm khi nông nhàn, nhưng hễ trong tổ có ai đau ốm, không ra làm được, thì các chị em khác sang giúp nhổ cỏ, tưới tiêu. Như chị Võ Thị Nhị, một trong 24 chị em trong tổ thuộc diện hộ nghèo, đơn thân nuôi con, vẫn thường được các chị em khác quan tâm, hỗ trợ.

Dần dần từ đầu năm đến nay, đời sống chị em thôn Bồ Bản bắt đầu khá lên, dù không giàu nhưng cũng có cái ăn cái mặc. Ông Tán Cúc, trưởng thôn Bồ Bản 2, cho biết vào năm 2013, thôn có hơn 20 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 13 hộ. Thậm chí, bây giờ bà con còn không phụ thuộc vào giống cây được cấp nữa mà tự tìm tòi, phát triển những loại giống rau mới lạ. Trong hội chợ 40 năm Hòa Vang xây dựng và phát triển được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, chị Tán Thị Hưởng (thôn Bồ Bản 2) đem đến giống mướp ngọt dài từ giàn đến sát đất, làm nhiều người mắt tròn mắt dẹt. Chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong, thốt lên: “Ui chao, cái giống mướp này là tự bà ấy đi tìm về rồi chăm bón mà nên. Mướp ăn ngọt lắm, dân ni là dân vùng rau mà ai cũng mê!”.

Mô hình trồng rau sạch của chị em nghèo Bồ Bản còn chưa tới ngày “thôi nôi”. Vậy mà đã có những tín hiệu vui trong đời sống bà con Bồ Bản. Chị Cống chia sẻ, mô hình này sẽ tiếp tục được duy trì để giúp chị em thoát nghèo bền vững. Tăng thêm thu nhập là một phần, phần nữa là giải quyết thời gian nông nhàn, tận dụng tốt đất canh tác của địa phương.

KHANG NINH

.