Chính trị - Xã hội
Đô thị mới từ vùng thấp trũng
Trải qua 10 năm thành lập và phát triển, một điều dễ nhận thấy là diện mạo đô thị của quận Cẩm Lệ đổi thay mạnh mẽ. Hàng loạt công trình mang dáng dấp của một đô thị hiện đại đã được xây dựng, hiện diện song hành sự phát triển vượt bậc của địa phương.
Một góc đô thị mới Cẩm Lệ. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Sự thay đổi rõ rệt nhất, mang dấu ấn đô thị đậm nét nhất của quận chính là phường Hòa Xuân. Từ vùng đất trũng thấp, rốn lũ của thành phố, qua 10 năm, Hòa Xuân đã trở thành khu đô thị với nhà cửa khang trang, hiện đại bậc nhất quận. Đường sá được đầu tư mở rộng, không có đường kiệt hẻm dưới 5,5m, các công trình dân sinh, điện chiếu sáng… đều được đầu tư mới. Đó là nhờ vào chủ trương đúng đắn của thành phố, địa phương trong việc giải tỏa, đền bù, tái định cư.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, ông Nguyễn Văn Tâm, người dân tổ 3A, phường Hòa Xuân không khỏi xúc động. Ông Tâm chia sẻ: “Hòa Xuân là địa phương từ xã lên phường. Qua 10 năm, với chủ trương đúng đắn của thành phố, nay Hòa Xuân đã trở thành khu đô thị mới khang trang, có điện chiếu sáng, đường bàn cờ, có tên đường, nhà có số… Đó là điều mà người dân Hòa Xuân mong muốn và hết sức tự hào”.
Không riêng Hòa Xuân, diện mạo của hầu hết các địa phương trên địa bàn quận đều đã “lột xác” sau 10 năm. Những tuyến đường mới nối Cẩm Lệ với trung tâm thành phố và các vùng lân cận đã tạo nên dáng dấp của một đô thị hiện đại, năng động. Có mặt tại buổi lễ khánh thành đường Nguyễn Công Hoan, ông Nguyễn Thanh Liêm, người dân tổ 9A, phường Hòa An phấn khởi đi tới đi lui, tay bắt mặt mừng với từng người.
“Tuyến đường Nguyễn Công Hoan trước đây xuống cấp trầm trọng lắm, người dân đi lại hết sức khó khăn, buôn bán ế ẩm. Giờ tuyến đường được nâng cấp, mở rộng đẹp đẽ, khang trang thế này, đời sống nhân dân chắc chắn sẽ thay đổi, công việc mua bán, kinh doanh sẽ thuận tiện hơn, ngày càng phát triển hơn”, ông Liêm vui mừng cho biết.
Nhớ lại ngày đầu mới thành lập, ông Võ Thiên Sinh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận cho biết: Cẩm Lệ dù là quận nội thành, nhưng trước đó chỉ là một vùng ngoại ô của thành phố, đất nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích, dân cư phân tán, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún; hệ thống giao thông đô thị chưa được hình thành, bước đầu chỉ có một số trục đường giao thông chính như quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, Cách mạng Tháng Tám, Tôn Đản.
Công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, hạ tầng chưa được khớp nối đồng bộ với khu vực lân cận. Tuy nhiên đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng bộ quận, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, đời sống văn hóa dân cư đô thị biến đổi mạnh trong quá trình đô thị hóa. “Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn quận lên đến 20.000 tỷ đồng để xây dựng khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đô thị với diện tích 1.237ha.
Các dự án lớn như Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Khu Liên hợp thể dục-thể thao Hòa Xuân, khu xử lý nước thải tập trung; các khu tái định cư ở Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Hòa An, Hòa Phát đã đưa vào sử dụng đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị quận thay đổi nhanh chóng và ngày càng khởi sắc. Ngoài ra, công tác xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị còn được đẩy mạnh với nhiều dự án khác có tổng vốn đầu tư hơn 16.500 tỷ đồng, trong đó quận làm chủ đầu tư 435 tỷ đồng để triển khai khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án, từng bước đồng bộ.
Nhiều dự án mang tính chiến lược nhằm giải quyết tốt các vấn an sinh xã hội, như: Khu dân cư phía Tây đường Trường Chinh, mương thoát nước Khe Cạn, khu dân cư Bàu Sen-Phong Bắc 4, khu vực Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm, khu đô thị Phước Tường; kênh thoát nước 16m dọc đường Nguyễn Nhàn, KDC Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm, đường Nguyễn Công Hoan, Tôn Đản nối dài…
Qua đó, đã giải quyết tình trạng ngập úng tại một số khu dân cư. Ngoài ra quận cũng đã đầu tư thảm nhựa, đậy nắp hố ga và lát gạch vỉa hè các trục đường có mật độ dân cư đông đúc; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đô thị quận, đem lại bộ mặt đô thị ngày càng khang trang và hiện đại”, ông Sinh cho biết.
Bên cạnh nâng tầm hạ tầng đô thị, quận Cẩm Lệ cũng đã tiến hành xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với công tác quản lý đô thị. Cụ thể đã tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, kiên quyết xử lý các vi phạm về điều lệ xây dựng và các trường hợp chạy dự án quy hoạch, góp phần tạo ý thức của nhân dân trong chấp hành việc xin phép khi xây dựng nhà ở, tuân thủ các quy định về kiến trúc.
Từ năm 2011 đến tháng 11-2014, quận đã cấp hơn 4.531 hồ sơ giấy phép xây dựng với tổng diện tích xây dựng hơn 329.944m2. Ở những tuyến đường được thành phố phân cấp như khu đô thị sinh thái Hòa Xuân giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đường Tôn Đản, Lê Trọng Tấn…, quận đã ban hành văn bản hướng dẫn về kiến trúc, thực hiện quy chế phối hợp giữa phòng QLĐT, đội KTQT đô thị, UBND các phường và chủ đầu tư dự án về quản lý kiến trúc tại các dự án trọng điểm.
Tăng cường công tác kiểm tra trước và sau khi cấp phép xây dựng, giảm thiểu tình trạng xây dựng nhà ở không phép và trái phép. Đồng thời thực hiện nhanh việc đặt tên đường và gắn biển số nhà, đến nay đã có 362 tuyến đường đã được đặt tên; trong đó có 251 tuyến đường đã gắn hơn 16.839 biển số nhà, tỷ lệ cây xanh đạt 2,84m2/người, 97,7% hộ dân dùng nước máy, nâng cấp đường bê-tông kiệt hẻm đạt 93%, điện chiếu sáng đạt 44,8%... góp phần hình thành nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư.
Đ. NỞ- T.TRỰC