Chính trị - Xã hội

Khuất tất tại Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng

07:25, 24/08/2015 (GMT+7)

Lực lượng công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Đà Nẵng đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc gìn giữ môi trường “xanh - sạch - đẹp” cho thành phố.

Công nhân làm việc vất vả, nhưng lương thấp, ngày nghỉ, lễ không được tính tiền thêm theo quy định. trong ảnh: Công nhân đang quét rác tại đường Bạch Đằng.
Công nhân làm việc vất vả, nhưng lương thấp, ngày nghỉ, lễ không được tính tiền thêm theo quy định. trong ảnh: Công nhân đang quét rác tại đường Bạch Đằng.

Tuy nhiên, những năm qua, công nhân của công ty này bị đối xử bất công: Lương thấp, tiền làm thêm trong những ngày nghỉ lễ không được tính, cùng nhiều khuất tất trong vấn đề tài chính...; gây nên bức xúc kéo dài. Vì sao nhiều khuất tất trong thời gian dài như vậy lại không được làm rõ và giải quyết dứt điểm? 

Đã hơn mười năm nay, từ khi ông Phạm Minh Thắng lên làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty MTĐT Đà Nẵng), công nhân đã rất bức xúc, nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan Trung ương, địa phương và báo chí. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Lương công nhân trực tiếp bằng 1/2 nhân viên văn phòng

Ngày 17-8, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại của công nhân Công ty MTĐT Đà Nẵng cầu cứu, giúp đỡ, làm rõ những khuất tất, chèn ép của lãnh đạo công ty đối với công nhân. Chị P. (công tác tại một xí nghiệp môi trường trên địa bàn quận Hải Châu) cho biết, chị làm việc đã được 14 năm, nhưng cuộc sống hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Tôi là công nhân hợp đồng dài hạn nhưng họ tính lương theo ngày. Mỗi ngày được 137.000 đồng, nhân với 26 ngày công mỗi tháng. Lương lại trả làm 2 lần trong tháng khiến đồng tiền bị “xé lẻ”, trong khi công ty giữ lại của công nhân mấy chục ngàn để vài tháng sau họ chi trả gọi là lương quý. Thực chất là họ đã đánh lừa công nhân chúng tôi, vì tiền đó cũng là số tiền nằm trong tiền ngày công mà thôi. Nhà ở xa, trước đây hai vợ chồng thuê trọ ở tại thành phố Đà Nẵng, nhưng khi đời sống khó khăn, hai vợ chồng phải đi về hàng chục cây số để tằn tiện từng đồng. Các con thì đang ăn học, nên gia đình rất vất vả”, chị P. chia sẻ.

Anh T.P.D. cũng có thâm niên 13 năm và được ký hợp đồng 10 năm nay. Anh đẩy xe ba gác lấy rác ở khu dân cư hằng ngày. Nhọc nhằn, vất vả nhưng lương ít ỏi. Vợ anh cũng làm công nhân, lương tháng chỉ 3 triệu đồng. Hiện tại, 2 vợ chồng thuê nhà hết 1,5 triệu đồng/tháng, chăm lo cái ăn, cái mặc cho con cái và vô số những khoản chi khác, do đó, cuộc sống khá vất vả. Thậm chí, những lúc ốm đau hay gia đình có việc bận phải nghỉ thì không được hưởng lương. Trong khi đó, khoản tiền sửa chữa xe, bảo dưỡng xe rác chỉ có 80.000 đồng/tháng.

“Dạo này rác ở khu dân cư rất nhiều. Nắng nôi, mưa gió chi cũng phải oằn mình làm. Đã vậy xe cộ mau hư, mà tiền khoán sửa chữa chẳng thấm tháp vào đâu”, anh D. bày tỏ.

Chị N.T.B (làm việc tại một xí nghiệp môi trường Hải Châu) làm ca đêm đã hơn 20 năm nay bức xúc cho biết, trước năm 2004, công nhân làm thoải mái lắm. Ông Liên (giám đốc cũ) rất chăm lo đời sống cho công nhân. Từ khi có lãnh đạo mới, cuộc sống của công nhân không được quan tâm, cải thiện.

“Lương những người thâm niên như chúng tôi cũng chỉ bằng mấy người mới vào làm. Trong khi hiện nay công việc rất vất vả. Tôi được giao quét lòng, lề đường tổng cộng hai bên dài đến 6km. Trước đây quét là chính, nay còn phải vận chuyển rác của dân cư đến bãi tập kết, trong khi thùng rác ít, người dân vứt rác bừa bãi nên rất vất vả. 19 giờ tôi bắt đầu vào ca, đến 2-3 giờ sáng, thậm chí có bữa đến 4 giờ sáng mới về tới nhà”, chị B. nói.

Thực trạng tiền lương công nhân lao động trực tiếp thấp đã được chứng minh trong một báo cáo kiểm toán tài chính do Kiểm toán Nhà nước khu vực 3 thực hiện vào cuối năm 2013. Cụ thể, lương bình quân của lao động gián tiếp tại các xí nghiệp là 4,31 triệu đồng/người/tháng; viên chức quản lý 13,31 triệu đồng/người/tháng; nhân viên văn phòng 5,92 triệu đồng/người/tháng; nhân viên thu phí 3,46 triệu đồng/người/tháng; trong khi lao động trực tiếp tại các xí nghiệp chỉ 2,98 triệu đồng/người/tháng.

“Qua xem xét quy chế trả lương cho thấy, Công ty MTĐT Đà Nẵng chưa quan tâm đến người lao động trực tiếp sản xuất tại các xí nghiệp dịch vụ môi trường “tiền lương được hưởng theo đơn giá khối lượng công việc hoàn thành. Riêng tiền lương nghỉ phép hằng năm do công ty trả”.

Trên thực tế người lao động trực tiếp đã được khoán khối lượng công việc nhưng công ty thanh toán theo ngày công lao động với mức lương thấp hơn so với lương ngạch bậc… Trong khi đó, tiền lương bộ phận gián tiếp được hưởng theo lương khoán và lương hệ số công việc, thực tế thu nhập cao gấp 2 lần lương người lao động trực tiếp”, bản kết luận Kiểm toán nêu rõ.

Công nhân bỏ tiền mua thêm chổi

Cuộc sống khó khăn, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì môi trường thành phố “xanh – sạch – đẹp”, công nhân đã cố gắng làm việc, không rời vị trí để mỗi ngày, mỗi đêm để đường phố luôn sạch đẹp, thông thoáng. Tuy nhiên, Công ty MTĐT Đà Nẵng đã để công nhân chịu quá nhiều thiệt thòi. Công nhân P.T.P. bức xúc cho biết: “Những ngày bình thường lương thấp đã đành, những ngày lễ, Tết, công ty cũng tính như vậy. Lễ, Tết ai ai cũng muốn ở bên gia đình để nghỉ ngơi, vui chơi, còn công nhân như chúng tôi vì sự sạch đẹp của thành phố nên phải oằn mình làm việc. Nhưng đổi lại, họ chỉ tính tiền công như những ngày bình thường, quá thiệt thòi cho người lao động”.

Trong khi những công nhân vất vả lao động chỉ được hưởng đồng lương bèo bọt thì những người lao động gián tiếp cũng được hưởng như những công nhân đang lao động nặng nhọc bên ngoài. “Ngày lễ, Tết, lượng rác tăng gấp 2, gấp 3 lần. Công nhân chúng tôi làm việc vất vả lắm. Vậy mà những lao động gián tiếp của công ty cũng hưởng lương, chế độ như chúng tôi, trong khi họ ở nhà nghỉ ngơi, đi chơi”, chị P.T.P nói. Tại bản kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực 3 cũng đã chỉ rõ, những ngày nghỉ bù, nghỉ lễ, công nhân làm việc trực tiếp không được hưởng lương, không thanh toán tiền lương làm thêm giờ của ngày lễ, ngày Tết theo chế độ quy định…

Trong khi đó, tiền lương trả thêm giờ theo Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012 được tính toán cụ thể: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày. Như vậy, với việc làm trên, Công ty MTĐT Đà Nẵng đã vi phạm Bộ luật Lao động!

 Bên cạnh việc công nhân bị ăn chặn tiền lương làm thêm giờ trong những ngày lễ, Tết thì việc giao khoán tiền mua chổi quét rác cũng khá hẹp hòi. Theo công nhân phản ánh, mỗi công nhân quét đường được khoán 8.000 đồng tiền chổi/ngày (nếu làm ca ngày), 10.000 đồng tiền chổi (nếu làm ca đêm). Tuy nhiên, để quét được rác trên đường, cần phải mua thêm 1 đến 2 cây chổi để bó lại mới được một cây chổi hoàn chỉnh và quét được rác. Giá của mỗi cây chổi trên thị trường khoảng 10.000 đồng. Như vậy, công nhân phải bỏ tiền túi ra để mua thêm chổi, tính ra mỗi tháng phải mất hàng trăm nghìn đồng tiền mua thêm chổi.

Để “bù” vào tiền mua chổi, công nhân phải nhặt nhạnh những vật dụng còn có thể bán được để đem bán ve chai. Tối 17-8, tại đường Điện Biên Phủ, chúng tôi chứng kiến sự mừng rỡ của một công nhân quét rác tên L. (tại Xí nghiệp Môi trường quận Thanh Khê), khi được hai người dân đem cho một đống giấy loại và mấy chiếc vỏ vi tính cũ. “Cái này lâu lâu mới gặp một bữa. Lương khá thấp, khoán tiền chổi thấp thì công nhân bọn chị nhờ những cái này thôi”, chị L. nói…

Bài và ảnh: Anh Như – Anh Nhiên

.